Chính trườngNhân vật

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ

Trở thành tổng thống da màu đầu tiên, Barack Obama không chỉ viết lên chương mới cho lịch sử chính trường nước Mỹ mà còn là biểu tượng cho sự hòa hợp trong xã hội Mỹ. 8 năm đảm trách cương vị Tổng thống, Obama để lại cả những thành công và thất bại trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 1.

Barack Hussein Obama II sinh ngày 4/8/1961 tại Honolulu, Hawaii. Cha ông, Barack Obama Sr. là một du học sinh tới từ Kenya. Trong thời gian học tại hòn đảo Thái Bình Dương, Barack Obama Sr. gặp thiếu nữ Ann Dunham từ Wichita, Kansas và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 2 năm và quả ngọt duy nhất nó để lại là cậu bé mang dòng máu lai Barack Obama.

Khi cha mẹ ly hôn, Obama chỉ khoảng hơn 2 tuổi. Bà Dunham không muốn cùng ông Obama Sr. trở về Kenya, quốc gia nghèo nằm ở châu Phi. Obama ở với mẹ và hiếm khi được gặp cha, người sau đó xây dựng gia đình riêng ở quê nhà Kenya. Vài năm sau, bà Dunham tái giá và cậu bé mang dòng máu lai Mỹ – Phi theo mẹ tới Indonesia. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Obama chỉ gặp cha đẻ một vài lần.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 2.

Tuổi thơ của Obama gắn liền với những kỷ niệm ở thủ đô Jakarta, Indonesia, nơi ông lớn lên cùng với những đứa trẻ bình thường khác. Tháng 3/1965, mẹ Obama tái giá với ông Lolo Soetoro và theo chồng về Indonesia sinh sống. Trong cuốn hồi ký Dreams from My Father (Những giấc mơ từ cha tôi), Obama mô tả bạn bè của ông ở Indonesia đều là những đứa con nhà nông, người hầu và công chức cấp thấp. Ở quốc gia Đông Nam Á, Obama được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo như thịt chó, thịt rắn hay châu chấu rang. Cậu bé Obama còn nuôi một con vượn làm thú cưng và đặt tên nó là Tata.

Tuy không được lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của cha đẻ nhưng Obama lại chịu nhiều ảnh hưởng từ cha dượng, người gắn bó với ông suốt những năm tháng tuổi thơ. “Ông là người lịch sự, điềm đạm, sống chan hòa với mọi người. Tôi đặc biệt ấn tượng với tính cách mạnh mẽ của ông”, Obama dành hẳn một chương để nói về cha dượng trong cuốn hồi ký Những giấc mơ của cha tôi.

Tuy nhiên, quãng thời gian Obama ở với cha dượng cũng không kéo dài. Năm 1971, ông được mẹ đưa trở lại Hawaii để học và sống cùng ông bà ngoại. Tại nơi chôn rau cắt rốn, Obama tiếp tục thể hiện bản thân là một người hòa đồng và thân thiện và được bạn bè nể trọng. Tuy nhiên, như nhiều thanh niên Mỹ khác, Obama cũng đam mê thể thao, thử qua cần sa và cocaine nhưng chưa dính vào heroin.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 3.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại Honolulu, Hawaii, Obama theo học trường về cộng đồng ở Chicago và Đại học Columbia ở New York trước khi trúng tuyển vào trường luật của đại học Harvard danh tiếng năm 1988. Suốt 4 năm theo học, Obama không phải học sinh xuất sắc nhưng được đánh giá là có triển vọng và được nhận vào thực tập tại một công ty luật danh tiếng khi mới học năm đầu.

Tại nơi thực tập, Michelle Robinson, một luật sư trẻ đầy triển vọng của công ty, được giao nhiệm vụ kèm cặp và giám sát chàng trai Obama ở môi trường mới. Những người làm ở công ty luật Sidley Austin chẳng mấy để ý tới cậu sinh viên thực tập tới khi một người tình cờ bắt gặp Barack và Michelle đi xem phim và chuyện tình giữa chàng sinh viên thực tập và cô luật sư trẻ đầy triển vọng mới được biết tới. Tuy nhiên, đôi bạn trẻ muốn giấu kín vì ngại điều tiếng xung quanh việc người giám sát hẹn hò với thực tập sinh.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 4.

Tuy nhiên, những định kiến xã hội không làm Barack và Michelle nản lòng. Họ tiếp tục vun đắp mối quan hệ trong khi nỗ lực hoàn thành tốt công việc và khẳng định được bản thân. Dù được giữ lại công ty luật Sidley Austin nhưng chàng sinh viên Barack Obama không chỉ từ chối mà còn đưa theo nữ luật sư tài năng. Gặp gỡ năm 1989, Barack và Michelle tiến tới hôn nhân vào năm 1992 và có cô con gái đầu lòng Malia năm 1998 và cô con gái thứ 2 Natasha năm 2001.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 5.
Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 6.

Trong quá trình giảng dạy, Obama tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và được bình chọn là một trong 40 người có ảnh hưởng ở Chicago tuổi dưới 40 vào năm 1993. Ông cũng tham gia vào nhiều quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng tại địa phương cũng như đứng ra tranh đấu vì quyền bình bẳng của công dân Mỹ, trong đó có người Mỹ gốc Phi.

Bỏ lại quá khứ dữ dội, Obama liên tiếp chứng tỏ được bản thân trong những năm tháng học đại học và các hoạt động chính trị bên lề. Sau khi tốt nghiệp trường Harvard, Obama đảm trách vai trò giảng viên tại Đại học Luật Chicago trong suốt 12 năm, từ 1992 tới 2004. Ông chỉ mất 4 năm để trở thành giảng viên cao cấp của trường.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Obama chỉ thực sự có bước chuyển biến lớn khi ông được bầu vào Thượng viện Illinois năm 1996. Trong thời gian này, dù là người của đảng Dân chủ nhưng ông Obama nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng cho nhiều đạo luật, trong đó có những cải cách về y tế. Ông cũng ủng hộ một đạo luật bảo vệ người thu nhập thấp, đàm phán gia tăng phúc lợi xã hội và chăm sóc trẻ em. Năm 2001, Obama trở thành chủ tịch của ủy ban hỗn hợp về Quy tắc hành chính của bang Illinois.

Với những gì đã làm được, Obama tiếp tục đắc cử vào năm 1998  và năm 2002. Năm 2003, Obama trở thành Chủ tịch Ủy ban Y tế và Dịch vụ Nhân sinh bang Illinois sau khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại thượng viện bang sau hơn 1 thập kỷ lép vế. Obama cũng là người được ủng hộ mạnh mẽ với đạo luật yêu cầu cảnh sát ghi hình lại quá trình thẩm vấn nhằm tránh tình trạng phân biệt chủng tộc.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 7.

Không bằng lòng với những gì đạt được ở Illinois, Obama tiếp tục tranh cử vào Thượng viện Mỹ trong cuộc đua năm 2004. Kết quả thăm dò năm 2002 khiến Obama vững tin chạy đua vị trí Thượng nghị sĩ của bang. Đối thủ của Obama là Alan Keyes, một nghị sĩ đảng Cộng hòa da màu. Trong quá trình tranh cử, Obama lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Iraq do chính quyền Tổng thống George W. Bush phát động.

Trở thành Thượng nghị sĩ, Obama tiếp tục ủng hộ nhiều đạo luật liên quan tới con người và cộng đồng. Tuy nhiên, ông cũng mắc sai lầm khi ủng hộ đạo luật giúp các công ty viễn thông tránh bị liên đới sau bê bối nghe lén chấn động nước Mỹ và thế giới của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị phanh phui.

Đầu năm 2007, Obama tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ tại Springfield, Illinois. Thượng nghị sĩ da màu nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm như nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trên đất Iraq, tăng cường sự độc lập năng lượng của nước Mỹ, cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chiến dịch của Obama nhằm tới thay đổi và hy vọng.

Bước vào cuộc cầu cử sơ bộ đảng Dân chủ, Obama nhanh chóng thu hút cử tri bằng tài diễn thuyết. Dù được đánh giá thấp hơn nhưng Obama vẫn vượt qua bà Hillary Clinton để trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ thông qua việc giành phiếu ở những bang quan trọng bằng việc khai thác tốt quy tắc phân bổ đại biểu ở từng bang cũng như một chiến lược tranh cử nhìn xa trông rộng.

Sau khi vượt qua Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, Obama phải đối mặt với một nhân vật sừng sỏ hơn là Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, chính sách vận động tranh cử hợp lý cùng tài diễn thuyết vượt trội giúp Obama giành chiến thắng với 365 phiếu đại cử tri trong khi đối thủ chỉ được 173 phiếu. Với chiến thắng lịch sử, Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 8.
Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 9.

Obama tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2009. Trong những ngày đầu tiên làm tổng thống, Obama đã ra biên bản ghi nhớ, yêu cầu quân đội Mỹ sớm rút khỏi Iraq. Ông cũng là người ra lệnh đóng cửa trại giam ở vịnh Guantanamo, nơi từng chìm trong bê bối vì các hành động tra tấn tù nhân. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ ngăn chặn việc đóng của Guantanamo bằng việc từ chối cấp kinh phí và ngăn tù nhân tại đây được đưa về Mỹ hoặc chuyển sang một quốc gia khác.

Ngày 23/3/2010, Obama ký thông qua đạo luật về sức khỏe, thường được biết đến với cái tên Obamacare. Cùng với Đạo luật Hòa hợp Giáo dục và Chăm sóc Y tế, Obamacare là đợt chỉnh sửa pháp luật lớn đối với hệ thống y tế Hoa Kỳ kể từ khi thông qua Medicare và Medicaid năm 1965. Tuy nhiên, Obamacare vẫn đang bị nhiều người phản đối vì gánh nặng khổng lồ nó tạo ra cho nền kinh tế Mỹ.

Năm 2011, Obama gây tiếng vang với thế giới khi tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ sáng lập tổ chức khủng bố al-Qaeda khét tiếng. Đầu tháng 5/2011, biệt kích Mỹ bí mật đột nhập vào lãnh thổ Pakistan, tấn công nơi ở của bin Laden và tiêu diệt trùm khủng bố trước khi đưa xác y lên tàu sân bay và thủy táng theo phong tục của người Hồi giáo.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 10.

Nhậm chức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Obama ký đạo luật cho phép bơm 787 tỷ USD vào nền kinh tế. Số tiền này được chi cho chăm sóc sức khỏe, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, giảm thuế cùng hàng loạt ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân. Năm 2016, Obama góp công không nhỏ trong việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tự do giữa 12 quốc gia Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống lần 2, Obama liên tiếp thúc giục quốc hội Mỹ thông qua TPP dù còn nhiều trở ngại.

Về đối ngoại, thành tựu lớn nhất của Obama là việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên, đó dường như là điểm sáng duy nhất. Thỏa thuận hạt nhân với Iran đứng trên bờ vực sụp đổ, mối quan hệ Nga – Mỹ tồi tệ chưa từng có kể từ sau chiến tranh Lạnh hay sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ quan ngại.

Trong khi đó, Trung Đông – Bắc Phi trở thành mớ hỗn độn thực sự. Cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã kết thúc nhưng những gì Washington để lại là một chính quyền yếu kém và mớ hỗn độn khổng lồ, tạo điều kiện để khủng bố cực đoan lộng hành. Libya, Ai Cập hay Syria cũng đang chìm trong hỗn loạn, kéo theo cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II trên đất châu Âu.

Dưới thời Obama, tổ chức al-Qaeda không còn là mối lo lớn nhất với nước Mỹ. Tuy nhiên, sự bùng lên của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức cực đoan khác đẩy cả thế giới vào vòng nguy hiểm. Sự lây lan của Hồi giáo cực đoan là không thể ngăn chặn và những âm mưu tấn công khủng bố trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Barack Obama: Cậu bé mang dòng máu lai thay đổi lịch sử chính trường Mỹ - Ảnh 11.

Linh Anh

New York Times, Forbes

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close