Con đường để Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi đến cột mốc chính thức có hiệu lực dường như vẫn còn khá bấp bênh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. ẢNH: REUTERS
CPTPP vừa được 11 nước thành viên chính thức ký kết tại Chile vào ngày 8/3. Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn hiệp định này có thể sẽ không diễn ra nhanh như mong đợi do ảnh hưởng từ vụ bê bối “giúp đỡ” người quen của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cuộc bầu cử sắp tới tại Malaysia và Mexico.
Theo South China Morning Post, ông Abe hiện đang vướng phải những rắc rối chính trị có khả năng đe dọa đến quyền lãnh đạo của ông cũng như đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ông Abe cùng Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 12/3 thừa nhận đã tham gia vào việc chỉnh sửa một số giấy tờ liên quan đến hợp đồng mua bán đất thuộc sở hữu nhà nước theo hướng thiên vị cho một người quen trong gia đình. Các nhà quan sát chính trị địa phương nói rằng hai tuần điều tra vừa qua là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của ông Abe kể từ khi ông nắm giữ quyền lực vào năm 2012, nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai sau khi ông từ chức hồi năm 2007 giữa lúc vướng phải một loạt những vụ rắc rối.
Thông tin về vụ việc này đã xuất hiện từ năm ngoái, nhưng ông Abe vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 10/2017. Nếu tiếp tục chiến thắng khi LDP bỏ phiếu cho người lãnh đạo vào tháng 9/2018, thì ông Abe sẽ trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất của Nhật Bản. Tuy nhiên, những phát hiện mới trong vụ bê bối đất công đang đe dọa trực tiếp đến nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba của ông Abe.
Các chuyên gia thương mại cảnh báo bất lợi chính trị của ông Abe sẽ tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn đối với CPTPP vì ông vốn là người ủng hộ nhiệt tình và có vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện hiệp định.
“Nếu Nhật Bản thất bại trong việc phê chuẩn hiệp định, không có nước nào khác sẽ làm. Một chuỗi thỏa thuận cần phải có người lãnh đạo”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore, nói.
Song, về lý thuyết, sẽ có rất ít trở ngại để LDP phê chuẩn CPTPP. Cơ quan lập pháp của Nhật Bản trước đây đã thông qua luật để Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Điều này có nghĩa là sẽ không cần phải có thêm nhiều cuộc thảo luận để phê chuẩn CPTPP.
“Tôi cảm thấy Nhật Bản sẽ phê chuẩn hiệp định này bất chấp những rắc rối của ông Abe. Sẽ có một số ý kiến đối lập, nhưng phần lớn những bước khó khăn nhất đã được thực hiện và LDP có đủ khả năng cũng như phiếu bầu để thúc đẩy CPTPP”, Matthew Goodman, cố vấn kinh tế cao cấp của Nhà Trắng thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.
Theo các nhà quan sát Nhật Bản, việc phê chuẩn hiệp định không phải là vấn đề. Trong trường hợp ngay cả khi ông Abe thất bại, thì những người kế nhiệm tiềm năng bao gồm ông Shigeru Ishiba, Fumio Kishida và Taro Kono đều là người ủng hộ thương mại tự do. Trên thực tế, vấn đề quan tâm chính lúc này là thời gian phê chuẩn CPTPP sẽ bị chậm trễ. Các nước thành viên ban đầu dự kiến hiệp định sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, với hi vọng Nhật Bản sẽ là nước đầu tiên bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước.
“Nếu Nhật Bản chậm tiến độ, thì các nước khác buộc sẽ phải quan sát kỹ tình hình và có thể kéo dài quá trình phê chuẩn của họ đến hết năm nay. Do đó, CPTPP nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào năm 2019 thay vì trong năm nay”, Junichi Sugawara, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về thương mại tại Viện Nghiên cứu Mizuho, nói.
Trong khi đó, những diễn biến chính trị ở các nước thành viên CPTPP khác cũng đang được theo dõi rất kỹ. Tại Malaysia, cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 tới đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp của nước này sẽ không thể hoàn chỉnh cho đến cuối năm nay.
Thủ tướng đương nhiệm của Malaysia, ông Najib Razak, người ủng hộ tự do thương mại, đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các cuộc thăm dò. Nhưng nếu có một diễn biến bất ngờ nào đó xảy ra, thì kế hoạch phê chuẩn CPTPP trong nước của Malaysia vẫn có thể bị chệch hướng.
Được biết, phe đối lập được dẫn dắt bởi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad trước đây đã từng hoài nghi về hiệp định và cho rằng nó sẽ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân Malaysia.
“Malysia từ lâu đã có vấn đề chính trị với TPP, nhưng ông Najib Razak đã nỗ lực để thúc đẩy hiệp định”, ông Goodman cho hay.
Chiến dịch tranh cử tổng thống và cuộc bầu cử vào tháng 7 tới của Mexico có khả năng cũng ảnh hưởng đến kế hoạch phê chuẩn hiệp định. Trong nhiệm kỳ từ năm 2012, Tổng thống Mexico đương nhiệm, ông Enrique Pena Nieto, là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất của CPTPP. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy ứng viên cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador, người được đánh giá là theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại như Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Hiện 11 nước thành viên của CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực khi ít nhất sáu nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước để phê chuẩn.
Theo Báo Thanh Niên