Bất động sảnThị trường
Bố sếp tranh mua nhà ở xã hội: Làm sao đánh thuế nhà giàu?
Khi mua nhà, những nhà đầu tư thứ cấp có thể nhờ những người thân, bằng hữu để đứng tên. Nếu họ mua 2, 3,… thậm chí 10 căn trên cùng một dự án thì cơ quan thuế có thể nắm bắt được, nhưng nếu họ mua mỗi khu vực 1 căn thì đây thực sự là bài toán khó.
Khi nhà giàu trục lợi
Việc đánh thuế sở hữu với những cá nhân sở hữu nhiều nhà đất đã từng được cơ quan chức năng nhắc tới, song tới nay, vẫn chưa triển khai được. Một trong những cái khó vẫn là vấn đề minh bạch của thị trường bất động sản.
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về chuyện tại một dự án nhà ở xã hội. Trong danh sách những người được mua nhà lại có tên bố mẹ của bà tổng giám đốc công ty – là chủ đầu tư dự án.
Ông bà thân sinh của vị tổng giám đốc đứng tên hai căn khác nhau trong cùng một dự án. Trong khi đó, để mua được một căn hộ này, những người có thu nhập thấp phải nộp hồ sơ chấm điểm và trải qua nhiều vòng bốc thăm mới tới lượt. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc.
Thực tế, hiện tượng trục lợi nhà ở xã hội, người giàu mua nhà thu nhập thấp từng diễn ra tại nhiều dự án. Người dân không khỏi ngỡ ngàng khi tại bãi đỗ xe của nhiều chung cư thu nhập thấp lại xuất hiện những chiếc xe ô tô xịn, giá hàng tỷ đồng.
Khi mua nhà ở xã hội, nhà thu thập thấp đều phải báo cáo hồ sơ người mua nhà lên cơ quan quản lý và được cả xã hội giám sát, song hiện tượng trực lợi vẫn hy hữu xảy ra tại nhiều dự án. Chính vì thế, với những dự án nhà ở thương mại, việc công bố danh tính người mua nhà là điều rất khó.
Ngay cả việc công bố danh sách các dự án được phép bán nhà trên giấy theo Nghị định 76/NĐ-CP, hay trước đó là danh sách dự án đang thế chấp tại các ngân hàng thương mại, chưa thực sự hiệu quả do thiếu đồng bộ, triệt để trong quá trình thực hiện cũng như giám sát.
Mới đây, thông tin về việc đánh thuế bất động sản thứ hai một lần nữa được nhắc tới song. Không ít chuyên gia cũng như chủ đầu tư đều cho rằng, điều này là rất khó. Cách đây không lâu, nhằm tránh hiện tượng bất động sản bị bỏ hoang, cơ quan chức năng cũng từng-nghĩ-tới-việc-đánh-thuế. Song điều này chỉ rầm rộ một thời gian rồi chìm vào im lặng.
Như nhận định của luật sư Trương Thanh Đức, cản trở lớn nhất là mọi thứ về nhà đất còn rất tù mù, không xác định được chủ sở hữu đích thực, thậm chí rất nhiều bất động sản chưa có giấy tờ chính thức hợp pháp. Việc đứng tên hộ là khá phổ biến, mà gần như không có cách gì quản lý được.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cũng cho hay, hệ thống thông tin dữ liệu chưa sát sao với thực tế nên việc quản lý sẽ còn nhiều khó khăn và bất cập. Ngay tại TP.HCM, để kiểm soát người mua nhà đã khó, chứ đừng nói là họ mua ở tỉnh này, tỉnh khác.
Những nhà đầu tư thứ cấp, khi mua nhà, họ có thể nhờ người thân bằng hữu đứng tên. Nếu họ mua 2,3,… thậm chí 10 căn trên cùng một dự án thì cơ quan thuế có thể nắm bắt được, nhưng nếu họ mua mỗi khu vực 1 căn thì đó thực sự là bài toán khó.
Thị trường BĐS cần minh bạch
Một thực tế hiện nay là vấn đề minh bạch của thị trường. Theo báo cáo chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu của JLL năm 2016, Việt Nam đứng ở vị trí 68, chỉ hơn Myanmar. Chính vì thế mà tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt gói hỗ trợ dự án Cải thiện Quản lý và Cơ sở Dữ liệu đất đai Việt Nam trị giá 150 triệu USD.
Theo ví von của ông Trương Thanh Đức, việc đơn giản như đánh số nhà hiện còn chồng chéo, chưa thực hiện được nên việc đánh thuế sở hữu nhà thứ hai là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông Đức khẳng định, việc đánh thuế này là cần thiết.
“Tôi được biết nhiều nước có quy định về việc thu thuế đối với nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung. Thậm chí, thu thuế đối với mọi diện tích, cả bất động sản thứ nhất, chứ không chỉ với bất động sản thứ hai trở lên hay người sở hữu nhiều bất động sản. Tất nhiên, có nước thu khá cao, nhưng có nước thu rất thấp. Việt Nam nên bắt đầu bằng việc thu mức thấp để dễ được chấp nhận và góp phần vào tiêu quản lý minh bạch tài sản”, ông Đức nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, công cụ về thuế đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Trung Quốc, công cụ thuế điều tiết thị trường bất động sản trong thời điểm bong bóng.
Hay tại Mỹ, mỗi bang có thuế suất khác nhau, ví dụ như ở bang California thì thuế suất là hơn 1,2%/năm giá trị bất động sản, bao gồm nhà và đất, còn ở bang Texas thuế suất là trên 4%.
Thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị BĐS ở các bang khác nhau. Việc áp dụng đánh thuế vào căn nhà thứ 2 của Việt Nam cũng là cách làm tiệm cận với nhiều nước trên thế giới.
Ông Đức cho rằng, điều quan trọng là thuế suất và cách thức đánh thuế thế nào để bảo đảm sự công bằng, hợp lý. Chẳng hạn, cần xem xét trong tổng thể thuế sử dụng đất đối với chính bất động sản đó và thậm chí cả các khoản thuế liên quan, như thu nhập từ việc cho thuê nhà đất.
Theo VietnamNet