Tài chính - Ngân hàngThị trường

Bùng nổ ngân hàng số: Ngân hàng phải dùng mạng xã hội lôi kéo khách hàng

Đến năm 2018 sẽ có 44% doanh thu ngân hàng đến từ dịch vụ ngân hàng số. Đến năm 2020, Tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động, online (robo advisers) quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD, 2/3 thời gian nghiệp vụ ngân hàng sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận…

Đến 2020, hầu hết các dịch vụ ngân hàng được xử lý online

Tại “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ năm 2016” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho biết xu hướng khách hàng sử dụng ngân hàng số (Digital Banking) ngày càng gia tăng khi có tới 3,4 tỷ người (46%) dân số toàn cầu đang sử dụng internet với tốc độ tăng trưởng sử dụng internet 16%/năm.

Báo cáo Ngân hàng bán lẻ thế giới 2016 cũng nhấn mạnh tỷ trọng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mobile năm 2015 là 30% đã tăng lên 33% năm 2016, tương ứng với người dùng dịch vụ ngân hàng qua internet giảm đi từ mức 65% (2015) xuống còn 59,4% (2016). Tỷ trọng số lượng khách hàng dùng mạng xã hội để giao dịch ngân hàng tăng từ 9,8% (2015) lên 11% (2016), tương ứng với việc khách hàng giảm đến chi nhánh ngân hàng giao dịch từ mức 16,2% (2015) còn 13% (2016).

Mạng xã hội cũng tác động mạnh mẽ tới việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Nếu ngân hàng nào sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng lòng trung thành của khách hàng đối với ngân hàng đó, với 57% khách hàng được khảo sát tại Châu Á – Thái Bình Dương được khảo sát đã trả lời như vậy, tỷ lệ này tại các nước Châu Mỹ La tinh chiếm 68%, Trung Âu là 53%, Bắc Mỹ 36%…

Do đó, công nghệ số sẽ tác động mạnh mẽ tới ngân hàng khi các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, Tablet Banking, Social Media sẽ dần lấn át, thay thế kênh phân phối truyền thống như: chi nhánh/phòng giao dịch, ATM/POS, Home Banking, Call Centers.

Nếu như năm 2012, dịch vụ bán hàng và tư vấn (Sales and Advise) qua kênh kênh truyền thống chiếm tới 84% và qua kênh hiện đại chỉ 15% thì đến năm 2020, hầu hết các hoạt động dịch vụ sẽ được xử lý online, 2/3 thời gian nghiệp vụ ngân hàng sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận. Cụ thể, giao dịch qua chi nhánh ngân hàng sẽ giảm đi còn 47% nhường chỗ cho giao dịch qua internet tăng lên 23%, mobile chiếm 14%, quan hệ với khách hàng qua mobile chiếm 11%.

Theo đó, các dịch vụ ngân hàng đã thay đổi phương thức thanh toán và giao dịch. Cụ thể, 70% dịch vụ thanh toán hóa đơn sẽ được thực hiện qua ATM và smartphone, 23% giao dịch tại ngân hàng và Call Center. Dịch vụ chuyển tiền thực hiện qua kênh hiện đại chiếm tới 69%, truyền thống là 31%. Dich vụ Tra cứu số dư tỷ lệ này là 79%-21%. Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền thông qua giao dịch tại ngân hàng vẫn còn cao chiếm 62%, đổi tiền tại ATM là 38%…

Ứng dụng công nghệ sẽ giúp ngân hàng tăng lợi nhuận 43%

Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng khoảng 31% nhưng cũng làm tăng lợi nhuận ròng khoảng 43%. Các ngân hàng Việt có thể khai thác rất lớn hiệu quả của ngân hàng số khi dịch vụ bán lẻ của ngân hàng Việt còn quá tiềm năng. Có khoảng hơn 31% dân số Việt Nam có tài khoản thẻ, so với tỷ lệ dân số tại các nước trong khu vực có tài khoản ngân hàng như Malaysia là 80,7%, Thái Lan là 78%, Singapore là 96,4% và Indonesia gần 36%… Sự nhận thức về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt cùng với dân số trẻ (tuổi trung vị 31 tuổi, so với Trung Quốc là 36 tuổi, Nhật Bản là 46 tuổi, Ấn Độ là 26,9 tuổi và tuổi trung vị của ASEAN là 28 tuổi…) sẽ là những tiền đề cho ngân hàng số phát triển mạnh mẽ.

Trong khi đó, Việt Nam có gần 50 triệu người đang sử dụng mạng internet, chiếm 52% dân số. Tốc độ tăng trưởng người dùng internet tại Việt Nam tăng 3,3% so với năm 2015 (mức tăng của thế giới là 7,5%). So với các nước trong khu vực ASEAN, người dân Việt Nam đang sử dụng internet nhiều hơn Thái Lan và Malaysia (42%), Indonesia (20%), Philipines (43%) nhưng thấp hơn Nhật Bản và Anh (trên 90%) và các nước Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Úc, Singapore (trên 80% – gần 90%).

Bên cạnh đó, hiện có đến 44% khách hàng của các ngân hàng Việt đang sử dụng dịch vụ ngân hàng số (mobile/internet banking). Đây là mức trung bình của Châu Á, so với Trung Quốc (57%), Nhật Bản (83%), Hàn Quốc (96%), Singapore (94%) nhưng cao hơn các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia (41%), Thái Lan (19%), Indonesia (36%), Philipines (13%)…

Trong 04 năm qua (2011- 2014), tốc độ tăng trưởng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam đã tăng rất nhanh 6,3 lần, thấp hơn 7,3 lần của Indonesia nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan, Maylaysia và Singapore là 1,7 lần và Philipines là 2,6 lần.

Tuy nhiên, rủi ro đối với ngân hàng khi phát triển công nghệ số là sự suy giảm nhân sự như thế nào? Vì với sự phát triển của công nghệ thông tin thì trình độ nhân viên ngân hàng phải thay đổi. Quan trọng là mô hình kinh doanh của ngân hàng sẽ có những thay đổi về báo cáo, thay đổi về cấu trúc rủi ro…

Theo TS. Cấn Văn Lực 40-45% rủi ro hiện nay của ngân hàng có tác động từ công nghệ, nên có quy định riêng về ngân hàng số để các ngân hàng Việt phát triển mô hình này trong tương lai. Hiện trên thế giới có 3 cấp độ về phát triển ngân hàng số: Ngân hàng số là một dự án; Ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh; Ngân hàng số là một giá trị cốt lõi. Ngân hàng Việt nên chọn Ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh (cấp độ 2 của phát triển ngân hàng số trên thế giới).

LAN ANH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close