Tài chính - Tiền tệThế giới
Các sàn tiền ảo “hốt bạc” từ phí giao dịch
Chỉ bằng thu phí giao dịch từ các nhà đầu tư, các sàn tiền ảo kiếm được những khoản lợi nhuận thật và “khủng”.
Mỗi năm, các sàn tiền ảo hàng đầu thế giới thu hàng tỷ USD phí giao dịch.
Theo hãng tin Bloomberg, các sàn tiền ảo đang nổi lên thành một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ cơn sốt tiền kỹ thuật số. Ước tính của hãng tin này cho thấy 10 sàn tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay thu tới 3 triệu USD tiền phí giao dịch mỗi sàn mỗi ngày, tương đương khoản thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Con số ước tính được đưa ra dựa trên khối lượng giao dịch và mức phí trên các sàn.
“Các sàn tiền ảo và các nhà xử lý giao dịch chính là những người hưởng lợi nhiều nhất trong lĩnh vực tiền ảo hiện nay, bởi họ giữ vai trò là cánh cửa cho phép mọi người giao dịch và tham gia vào lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này”, nhà phân tích Gil Luria thuộc công ty D. A. Davidson & Co. nhận định. “Đây là một lĩnh vực kinh doanh lớn và tôi không ngạc nhiên khi thấy họ kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm”.
Sàn tiền ảo Binance ở Tokyo và OKEx ở Hồng Kông đang là hai sàn có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt khoảng 1,7 tỷ USD mỗi sàn mỗi ngày. Mức phí giao dịch trên sàn Binance là 0,2%, còn mức phí trên sàn OKEx là 0,07% đối với các nhà giao dịch hoạt động tích cực nhất. Bởi vậy, sàn Binance có khả năng đạt doanh thu phí dịch vụ lớn nhất.
Các vị trí tiếp theo trong xếp hạng các sàn giao dịch tiền ảo có khối lượng giao dịch lớn nhất là Huobi, Bitfinex, Upbit và Bithumb, đều là các sàn đặt ở châu Á. Các sàn này có khối lượng giao dịch từ 600 triệu USD tới 1,4 tỷ USD mỗi ngày và áp phí trung bình 0,3%.
Theo dữ liệu từ công ty Aelf, hơn một nửa giao dịch tiền ảo trên thế giới diễn ra tại các sàn đặt ở châu Á. Ảnh hưởng của khu vực châu Á đối với giao dịch tiền ảo một phần xuất phát từ hoạt động “đào” (mining) tiền ảo tập trung ở khu vực này trong thời kỳ đầu của Bitcoin. Một lý do khác nằm ở lực lượng dân số trẻ đông đảo ở châu Á, những người tiếp thu công nghệ mới nhanh chóng và thích thúc với thanh toán trên di động.
Gần đây, khi các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, siết quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo, các công ty tiền ảo trong khu vực này bắt buộc phải vươn ra thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, sàn Binance đã phải chuyển trụ sở từ Thượng Hải sang Nhật Bản sau khi Trung Quốc từ mùa hè năm ngoái cấm các sàn tiền ảo. Binance cho biết có thể xử lý 1,4 triệu giao dịch mỗi giây và khẳng định mình là một trong những sàn tiền ảo nhanh nhất thế giới.
Sàn Upbit của Hàn Quốc, dù mới chỉ đi vào hoạt động tháng 10 năm ngoái, đã lọt top 5 sàn tiền ảo lớn nhất. Sàn này thuộc quyền kiểm soát của Dunamu Inc., công ty đồng thời sở hữu Kakao Talk, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc. Upbit được tích hợp với Kakao Talk và giao dịch hơn 120 đồng tiền ảo nhờ hợp tác với sàn Bittrex của Mỹ.
Hiện nay, tất cả các sàn tiền ảo đều thuộc sở hữu tư nhân và mới chỉ vài năm tuổi, đồng nghĩa với việc rất hiếm thông tin tài chính và chi tiết về bộ máy quản lý của các sàn. Sàn Bitfinex, một sàn tiền ảo đặt ở Mỹ và nằm trong top 5 sàn lớn nhất thế giới, đang bị cơ quan chức năng Mỹ theo dõi chặt chẽ. Hồi tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) đã gửi giấy triệu hồi quản lý của Bitfinex đến làm việc.
Theo các nhà phân tích, sự cạnh tranh tiềm năng từ các công ty đại chúng và các công ty tài chính truyền thống có thể sẽ buộc các sàn tiền ảo phải trở nên minh bạch hơn trong tương lai, thậm chí là phải giảm mức phí giao dịch.
Theo VnEconomy