CEO Thế giớiNhân vật

CEO Starbucks Howard Schultz vẫn “sợ thất bại”

Năm 1963, một cậu bé được người họ hàng dắt đi xem chương trình biểu diễn Radio City của nhóm Rockettes. Sự kiện này đã làm thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.

Sau chương trình, họ ghé vào ăn tại The Automat – một nhà hàng thức ăn nhanh được vận hành bởi những chiếc máy bán hàng tự động. Cậu bé ấy đã bị “mê hoặc”, và rồi tự hỏi, có thể bỏ một phần tư đồng xu vào khe rồi nhấn nút, sau đó nhận được một phần chiếc bánh không?

Cậu bé 10 tuổi ngày nào đó chính là Howard Schultz – người đã tạo ra cả một đế chế kinh doanh, giúp “cách mạng hóa” cách mà người Mỹ tiêu thụ cà phê.

“Người họ hàng nói với tôi rằng có một phép màu phía bên kia chiếc máy. Và dĩ nhiên tôi tin vào điều đó”, ông nhớ lại. Trải nghiệm đó làm dấy lên trong cậu bé Howard Schultz niềm đam mê mang “sự sinh động (như trong rạp hát) và lãng mạn” vào ngành bán lẻ.

Và giờ đây, khi ở vào tuổi 63 tuổi, Howard Schultz đã là một trong 5 nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng được CNNMoney chọn phỏng vấn để thực hiện chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York”. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.

Ngoài Howard Schultz, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn là Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Mickey Drexler – CEO J. Crew, Ursula Burns – Chủ tịch, cựu CEO Xerox và huyền thoại hip-hop Russell Simmons. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.

Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.

Schultz lớn lên tại Bayview Houses – một dự án nhà ở xã hội ở Canarsie, Brooklyn. Cuộc sống khốn khó của gia đình ông nói riêng và những người hàng xóm nói chung trong các tòa căn hộ giá rẻ chính là một mảng màu đối lập với khu Midtown Manhattan hào nhoáng. “Cha tôi thất học, mẹ tôi không đi làm. Gần như không thể có lối thoát. Đó là giai đoạn rất khó khăn”, CEO Starbucks nói.

Khi ở vào tuổi thiếu niên, Howard Schultz nhận ra tố chất thể thao chính là tấm vé duy nhất để đổi đời. Một học bổng thể thao tại Đại học Bắc Michigan (Northern Michigan University) đã mở ra lối thoát mà ông hằng mong muốn. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu làm trong lĩnh vực bán hàng, sau đó làm việc tại một hãng sản xuất máy pha cà phê. Một trong những khách hàng của ông là cửa hàng cà phê nhỏ tại thành phố Seattle (Washington) với tên gọi Starbucks. Lịch sử phát triển của Starbucks với sự góp mặt của Howard Schultz đã bắt đầu từ đây.

Giống như các nhà lãnh đạo khác trong chương trình “Giấc mơ Mỹ: New York” của CNNMoney, Schultz đã đạt được “giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng luôn cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội nói với cha mẹ mình rằng, “cuộc đấu tranh” của họ với cái nghèo đã truyền cảm hứng giúp ông thành công. “Tôi không nghĩ rằng mình sẽ có đủ động lực, sự tò mò và nỗi sợ thất bại nếu tôi không có xuất thân nghèo khó. Có một sự thật là cho đến hôm nay, nỗi sợ hãi thất bại của tôi vẫn còn đó”, Howard Schultz không ngại ngần thừa nhận.

Nỗi lo lắng thường trực của ông là liệu những người trẻ ngày nay có thể có được cơ hội để tiến thân như nhau hay không. Đó là thông điệp ông liên tục đưa ra trong nhiều năm qua. “Bạn không thể có một xã hội mà trong đó 6 triệu người trẻ bị “ra rìa” vì họ không được đi học và không đi làm, trong khi đó tất cả mọi người đều cảm thấy việc giúp đỡ không phải là trách nhiệm của mình. Trách nhiệm chung của người Mỹ là giúp mọi người cùng phát triển”, Schultz chia sẻ với CNNMoney.

Howard Schultz sẽ rời ghế CEO Starbucks vào tháng Tư tới. Thay vì nắm vai trò Giám đốc điều hành công ty, ông sẽ trở thành Chủ tịch điều hành (Executive Chairman), tập trung cho lĩnh vực đổi mới, các dịch vụ cao cấp và đặc biệt là tạo ra các tác động xã hội. Có thể nói, một phần sứ mệnh của ông trong tương lai là làm sống lại “giấc mơ Mỹ”.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close