Khởi nghiệpKinh doanhNhân sựQuản trị

Khởi nghiệp để nâng bước những giấc mơ lấp lánh

Lê Quỳnh Trang (Trang Lê) – Giám đốc Điều hành Công ty Multimedia JSC tự nhận mình là người khó tính, cực đoan trong công việc, nhưng tất cả chỉ vì mục đích giúp bao cô gái Việt chạm tới những giấc mơ thời trang lấp lánh.

Xách vali tới nước Mỹ, Trang Lê “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với những người sản xuất truyền hình giỏi nghề nhất thế giới. Về nước, chỉ có hai tuần cho cuộc đua sống còn, chị đóng cửa, tắt điện thoại suốt 5 ngày để “thiền” cùng ánh đèn màn hình. Nhờ thế, chương trình có ý nghĩa thay đổi toàn cục thời trang Việt: Next Top Model đã ra đời.

“Vượt cạn”

Trang Lê tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội năm 1998, sau đó làm kế toán của một công ty truyền thông. Nhật trình sáng đi tối về quả là an toàn với một phụ nữ, nhưng với cá tính ưa tự do, chị thấy gò bó, ngột ngạt. Chuyển về làm ở một công ty sản xuất cho chương trình Ai là triệu phú, chị phát hiện ra một khoảnh trời đam mê mới.

Nhưng chỉ một năm, công ty này giải thể, chị thất nghiệp ở tuổi 30 khi mới sinh bé thứ hai. Tìm việc mới để có thời gian chu toàn cho gia đình hay tự dấn thân làm những việc mình yêu thích? Câu hỏi này lẩn quẩn trong đầu Trang Lê mỗi đêm khi nhìn con ngủ say.

Trang Lê ao ước làm việc gì kiểm soát được thời gian và thỏa sức khai thác năng lượng của mình. Năm 2005, Công ty Multimedia JSC ra đời với 2 thành viên và số vốn nhỏ trên mặt bằng “bé xíu như bàn tay” vỏn vẹn 30 mét vuông. Ban đầu, công ty làm phân phối bản quyền phim truyền hình cho các đài truyền hình thông qua việc mua lại phim các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… dịch ra Việt ngữ.

Trang Lê tại tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam

Công ty nhỏ, ít vốn, lặn lội đến những công lớn, mua lại bản quyền rồi về bán lại cho đài tỉnh lẻ. “Cũng là phân phối phim, nhưng nếu sản phẩm hay, mới thì lợi nhuận sẽ nhiều”. Trang Lê cặm cụi lên mạng tìm hiểu, lặn lội đến từng hội chợ phim lớn, nhỏ để mua phim. Thế giới dần mở ra, chị được đối tác mời đến hội chợ phim ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…

Duyên may tới bất ngờ, năm 2007, Trang Lê gặp lại người quen từng đạo diễn chương trình Ai là triệu phú đúng lúc đang cần người làm chương trình cho trẻ em là Đồ Rê Mí. Chị nhận lời làm chương trình thiếu nhi này với dồi dào ý tưởng. Chương trình thành công. Ước mơ xây dựng một công ty chuyên thực hiện những chương trình chuyên nghiệp, bài bản cũng rõ rệt dần trong đầu Trang Lê.

Tiến vào kinh đô ánh sáng

Vietnam Next Top Model mùa đầu tiên ra mắt, lời khen nhiều, mà chê cũng lắm, nhưng không ai phủ nhận chương trình đã giúp bao cô gái bình thường chạm chân tới sàn catwalk. Một thế hệ người mẫu tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện. Những cái tên Huyền Trang, Hoàng Thùy, Mâu Thanh Thủy, Mai Trang, Nguyễn Oanh, Hương Ly, Nguyễn Thị Ngọc Châu… tự tin và mạnh mẽ tiến vào làng thời trang thế giới.

Chẳng mấy ai biết Trang Lê đã mất rất nhiều tâm sức khi đeo đuổi việc thực hiện ước mơ ấy của các cô gái Việt. Từ năm 2007, khi dự hội chợ phim MipTV tại Cannes (Pháp), Trang Lê đã chú ý đến chương trình Next Top Model bởi độ “hot” của nó. Vốn nhạy chuyện tài chính, chị nghĩ ngay “phải có gì đặc biệt mới thu hút 140 nước đổ xô mua chương trình như thế”.

Chị chủ động hẹn đơn vị bán bản quyền là Hãng CBS Studios International để mua chương trình về sản xuất. Sau khi nghe về hoạt động của Công ty, phía CBS đã đưa ra mức giá trên trời, như một cách từ chối khéo bởi cả năng lực lẫn kinh nghiệm của Multimedia JSC chưa đủ tầm, họ sợ chương trình sẽ mất uy tín. Thất bại, nhưng khao khát có được chương trình càng mạnh mẽ trong lòng Trang Lê.

“Nằm gai nếm mật” luyện nghề suốt ba năm, một ngày đẹp trời, chị quay lại thuyết phục CBS bằng vốn kinh nghiệm và tiềm lực của 3 mùa sản xuất Đồ Rê Mí. Tháng 1/2010, Trang Lê đặt bút ký vào hợp đồng mua bản quyền sản xuất Next Top Model. Ôm bản hợp đồng chưa ráo mực mà chị lo ngay ngáy, bởi không biết phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào. Chị muốn khóc khi xoay xở bởi không có mối quan hệ “ruột” nào trong giới giải trí.

Trang Lê tại Bastille Design Center

Có lúc Trang Lê thấy mình hụt hơi, nhưng nghe ai đó phàn nàn chị quá liều lĩnh, trong ngực chị lại dội lên lòng tin mãnh liệt “rồi sẽ thành công”. Thời điểm ấy, một người bạn là anh Võ Quốc (chuyên gia ẩm thực nhưng có khá đông bạn bè trong lĩnh vực showbiz) đã dẫn chị đến gõ cửa từng đạo diễn, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế… Trong số đó có cuộc gặp với Long Kan – một stylist nổi tiếng của Vietnam Next Top Model.

Mọi việc đang “chạy êm” thì tháng 5/2016, chuyên gia về format của Next Top Model từ Mỹ sang kiểm tra. Khi trở về, họ gửi email phản hồi, Trang Lê đọc tới đâu, buồn tới đó. Phía đối tác phàn nàn sự chuẩn bị còn sơ sài, đồng thời yêu cầu chấm dứt hợp đồng hoặc dời lại đến khi chuẩn bị tốt đúng như yêu cầu.

Dù rất sốc, nhưng Trang Lê quyết không bỏ cuộc, chị gửi email yêu cầu được tham dự sản xuất một chương trình thực tế. Lúc ấy, phía Mỹ đang chuẩn bị ghi hình cho chương trình lần thứ 15, chị chỉ có 10 ngày để làm thủ tục xin visa Mỹ. Đó là điều bất khả, nhưng nếu chậm hơn, cơ hội sẽ qua, chắc chắn đối tác hủy hợp đồng.

Chị viết email gửi Lãnh sự quán Mỹ trình bày về cuộc đua “sống còn” của mình và xin phỏng vấn sớm. Hai tiếng sau, chị nhận email đồng ý. Chị cùng ê kíp hối hả lên đường kịp ngày. Một tháng cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với người Mỹ, chị vỡ lẽ ra nhiều điều, từ một người xem truyền hình đến một nhà sản xuất là khoảng cách vời vợi.

Trở về, chị xáo tung tất cả, làm lại từ đầu. Chị kể: “Tôi tắt điện thoại 5 ngày, đóng cửa, chỉ ngồi nhà xem lại toàn bộ phiên bản đã thực hiện từ Pháp, Đức, Úc, đến Mexico, Trung Quốc… Đọc đi đọc lại những ghi chép dày đặc, tôi dần vỡ vạc quy trình đào tạo người mẫu từ catwalk, hình thể, trang điểm, phối hợp trang phục, trở thành đại sứ thương hiệu… Tôi bắt đầu tự tin hơn, thậm chí cực đoan bảo lưu ý kiến của mình, để cuối cùng chương trình Vietnam Next Top Model mùa đầu tiên cũng lên sóng cùng bước chân rụt rè của các thí sinh của tập đầu cho đến sự vững chãi tự tin của quán quân đêm chung kết”.

Công việc của tôi là kết nối, biến những ước mơ thời trang thành những giá trị thương hiệu. Đáng buồn nếu bạn sản xuất ra một sản phẩm tốt, chất lượng lại không ai biết đến, không bán được…

 

 

Có người hỏi, Trang Lê từ đâu ra, chắc chắn phải có người “chống lưng”, chị chỉ cười nhẹ và tiếp tục “chạy có cờ” với chương trình Project Runway. Chị đưa các thế hệ người mẫu, nhà thiết kế đoạt giải đi casting, tìm kiếm cơ hội ở những tuần lễ thời trang quốc tế. Từ những góc nhỏ tối tăm của hậu trường, chị tỉ mẩn quan sát thế giới thời trang dưới khuất lấp ánh đèn, hiểu rõ guồng máy làm việc của bao con người, đồng cảm với họ trong các khâu vận hành sân khấu… để rồi ước ao Việt Nam mình cũng có tuần lễ thời trang hoành tráng và chuyên nghiệp như thế.

Lại một chuỗi những ngày dài đàm phán, thuyết phục, chứng minh, cuối cùng chị đã kéo được Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam về nước vào năm 2014. Trong đêm khai mạc lung linh, nhiều người trong giới hồ nghi về tính chuyên môn của thời trang, cho rằng đó chỉ là trò kiếm tiền. Chị nói đơn giản: “Tôi là người kinh doanh thời trang (Fashion business). Công việc của tôi là kết nối, biến những ước mơ thời trang thành những giá trị thương hiệu. Đáng buồn nếu bạn sản xuất ra một sản phẩm tốt, chất lượng lại không ai biết đến, không bán được…”.

Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam chỉ sau vài mùa tổ chức đã thu hút một lượng nhà thiết kế tên tuổi và tiềm năng, thương hiệu thời trang lớn như Công Trí, Thủy Nguyễn, Lý Giám Tiền, Hoàng Minh Hà, Áo dài ABC, PNJ, Devon Nguyễn… cùng các nhà thiết kế Pháp, Malaysia, Sinpapore, Học viện Thời trang Atelier Chardon Savard… Từ đây, thời trang Việt bắt đầu gõ cửa thế giới qua những bộ sưu tập sáng tạo, những người mẫu với số đo chuẩn quốc tế.

Mắt Trang Lê rạng ngời khi nói tới việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Thời trang Việt Nam, các kế hoạch bề bộn tìm đối tác nước ngoài cho sản phẩm thời trang Việt: “Giờ thì tôi đã có cả một ê kíp tài giỏi, với sức mạnh tập thể. Và tôi là một phần của sức mạnh này!”.

ĐỨC PHONG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close