Tháng 9/2016, Lương Minh Thắng chính chức làm việc tại Google. Công việc của anh là dạy máy cách đọc hiểu văn bản, có thể tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi chính trong đoạn văn.
Từ khóa Google Brain xuất hiện không ít lần trong tạp chí Forbes số gần đây. Tại dự án nghiên cứu với tầm ảnh hưởng này của Google có 3 nhà nghiên cứu người Việt: Lê Việt Quốc (1 trong 35 nhà cải tiến dưới 35 tuổi do MIT Technogogy Review bình chọn năm 2014), Phạm Hy Hiếu và Lương Minh Thắng. Lương Minh Thắng được Forbes bình chọn vào danh sách 30 Under 30 năm 2018.
Lương Minh Thắng học cấp 2 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Sang cấp 3 Thắng đỗ chuyên toán THPT Năng khiếu, Tp. Hồ Chí Minh khóa 2002-2005. Sau khi tốt nghiệp, Thắng tham gia ngành khoa học máy tính Đại học quốc gia Singapore.
Tại đây anh bắt đầu nghiên cứu về máy học và ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing). Lương Minh Thắng được giữ lại làm trợ lý nghiên cứu tại trường cho đến năm 2011 nhận được học bổng tiến sỹ đại học Stanford, Mỹ.
Tại Stanford, Lương Minh Thắng được hướng dẫn bởi giáo sư Christopher Mannning. Ông là giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực ứng dụng Deep Learning vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Mục đích nghiên cứu của ông là giúp máy tính xử lý thông minh, hiểu và tạo ra dữ liệu ngôn ngữ con người. Cũng đi theo hướng này, mục đích của Lương Minh Thắng là dạy máy cách đọc hiểu văn bản có thể tóm tắt nội dung và trả lời câu hỏi chính trong đoạn văn.
Tháng 10/2014, Lương Minh Thắng được nhận vào thực tập hè tại Google từ giới thiệu của nhà nghiên cứu Lê Việt Quốc. Tại đây anh gia nhập nhóm Google Brain với Ilya Sutskever, Oriol Vinyals, Wojciech Zaremba. Nhóm của anh xây dựng hệ thống dịch “neural machine translation”.
Theo giải thích của Forbes, công việc của Thắng khi thực tập tại Google Brain là nâng cao chất lượng dịch thuật, nghiên cứu về áp dụng mạng nơ-ron nhân tạo giúp chương trình dịch thuật có thể tự động dịch những câu phức tạp thay vì dịch những cụm từ đơn lẻ như trước, giúp máy hiểu sâu hơn ý nghĩa của từ ngữ trong nhiều ngôn ngữ, đồng thời xử lý đoạn văn dài.
Lương Minh Thắng cũng có những buổi nói chuyện tại các tập đoàn lớn trên thế giới như IBM Watson Research, Microsoft Research, OpenAI, SemanticsMachine, Baidu, Facebook. Năm 2015 tại Đà Nẵng, trong buổi thảo luận về xu hướng mới trong dịch thuật ngôn ngữ tại IWSLT, đội của Thắng chiến thắng trong việc dịch bài nó chuyện TED từ tiếng Anh sang tiếng Đức với việc giảm 26% lỗi từ lần thứ 2.
Tháng 9/2016, Lương Minh Thắng chính chức làm việc tại Google. Bên cạnh những đóng góp về nghiên cứu, Thắng còn là chủ tọa mảng dịch máy tự động (machine translation) tại hội nghị Association for Computational Linguistics (ACL) về nghiên cứu khoa học ngôn ngữ máy tính diễn ra năm 2007. Thắng là tác giả đoạn code được phát hành công khai nhằm khuyến khích những nhà lập trình khác trên toàn thế giới tự xây dựng chương trình dịch máy tự động. Bài viết này được CEO Google Sundar Pichai đăng lại trên trang Twitter cá nhân.
Hiện Lương Minh Thắng cùng Vũ Duy Thức đã lập tổ chức phi lợi nhuận VietAI nhằm tạo cầu nối các nhà khoa học trên thế giới giúp nâng cao kỹ năng cho các nhà lập trình, chuyên viên công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Lớp học đầu tiên của VietAI.
Tính đến giữa tháng 1 vừa qua, cộng đồng VietAI nhận được hơn 500 người đăng ký từ sinh viên, nhà nghiên cứu, giáo sư cho đến các nhà quản lý. Mục tiêu trong năm nay của đội ngũ Lương Minh Thắng là đào tạo 100 kỹ sư về Machine Learning tại Việt Nam, 10% những người sẽ được dẫn dắt xa hơn để trở thành những người đầu ngành về AI trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp