Đó là chia sẻ của ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO, về câu chuyện M&A đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Chủ tịch HĐQT KIDO Trần Kim Thành tại sự kiện ngày 4/8. Ảnh: YBA
Trong hội thảo do Hội doanh nhân trẻ TP HCM, YBA, tổ chức ngày 4/8, Chủ tịch KIDO, ông Trần Kim Thành, đã có những chia sẻ liên quan đến khởi nghiệp và M&A.
“Ông vua M&A” và những vụ mua bán mát tay
“Nhiều người gọi KIDO là ông vua M&A. Ở thời điểm, các doanh nghiệp còn vật vã kiếm từng đồng mỗi ngày thì KIDO (lúc đó là Kinh Đô) đã mua kem Wall’s. Tiếp đó là các vụ M&A dầu Tường An hay Today TV. Điều gì đã giúp anh mát tay trong các vụ M&A như vậy, đụng đâu cũng ra tiền ở đó?”, một người tham dự sự kiện ngày 4/8 đã đặt câu hỏi với ông Trần Kim Thành.
Chủ tịch HĐQT KIDO cho rằng khi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì việc huy động không khó. Nhưng khi mua doanh nghiệp xong rồi chuyện biến thành doanh nghiệp phát triển đi lên lại là vấn đề khác.
Theo ông Thành, khi đã M&A, vấn đề còn lại là con người. “Coi chừng mua cái vỏ doanh nghiệp. Có thể mua xong, mình không thể phát triển được nữa”, ông Thành nói.
Doanh nhân họ Trần nhấn mạnh các yếu tố quan trọng trong M&A như:
– Đơn vị nào có thể trả giá tốt nhất là đơn vị cần doanh nghiệp của mình nhất.Người mua cũng đã có kế hoạch về chuyện khi M&A xong rồi, công ty được mua cộng hưởng với họ như thế nào, giúp cho họ phát triển như thế nào.
– Thông thường các doanh nghiệp sẽ tìm đối tượng để mua là những công ty còn không gian đi lên nhưng do yếu tố nào đó như con người, quản trị… còn hạn chế nên công ty không phát triển được.
– Sau khi M&A, doanh nghiệp đi mua phải giải quyết vấn đề con người. Ví dụ Vocarimex, trước kia là công ty nhà nước, KIDO mua rồi chuyển thành công ty niêm yết, làm theo quy định trên thị trường chứng khoán. Nghĩa là công ty dầu ăn phải sinh lời, làm theo yêu cầu và mong muốn của cổ đông. Do đó, Vocarimex phải thay đổi rất lớn.
“Chúng tôi phải đào tạo, đứng đằng sau tư vấn cho Vocarimex và từng bước giúp doanh nghiệp này cảm thấy hệ thống mới thực sự giúp họ phát triển. Chúng tôi đưa cho họ cách làm để họ làm quen, đứng sau tư vấn và họ tiếp nhận. Họ đã trở thành người của Kido một cách dễ dàng và họ rất thích làm việc với Kido”, ông Thành phân tích.
Còn khi Mondelez đàm phán để mua lại mảng bánh kẹo, ông Thành đã phải ngồi ở phòng bên để nói chuyện với đối tác. Ông rất nóng tính trong khi Mondelez đưa ra những yêu cầu vô lý. Nhưng với họ là phải vậy. Mondelez là công ty làm M&A nhiều năm và Kido cũng đúc kết được kinh nghiệm từ các vụ M&A.
KIDO (trước đây là Kinh Đô) vốn được biết đến là “vua” bánh kẹo ở Việt Nam với biểu tượng chiếc vương miện gần gũi với bao người Việt. Sau khi bán mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ, Mondelez, KIDO lại đi mua 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), và 65% cổ phần tại Dầu Tường An. Trong đó, Vocarimex sở hữu lần lượt 27% và 24% cổ phần tại các doanh nghiệp dầu ăn lớn gồm Cái Lân, Tường An. Thông qua các thương vụ đầu tư này, Kido chính là công ty nắm thị phần dầu ăn lớn nhất ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Gần đây, KIDO cũng đã mua lại 50% cổ phần tại Dabaco Foods, đánh dấu bước đi chính thức gia nhập thị trường chế biến thịt.
Theo Trí Thức Trẻ