Tài chính - Ngân hàngThị trường
Chuyện doanh nghiệp lên sàn: Hứa, hứa, rồi… thất hứa
Hai “ông lớn” lỗi hẹn lên sàn thu hút sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư đều thuộc ngành Công Thương, đó là: Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra cuối tháng 5/2016, các cổ đông của Sabeco không giấu được bức xúc khi đặt câu hỏi với Chủ tịch HĐQT và ban lãnh đạo Sabeco về thời điểm Sabeco đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán, bởi đã qua hai lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, chỉ thấy hứa và hứa mà chưa thực hiện.
Chủ tịch HĐQT Sabeco Võ Thanh Hà giải đáp: “Chúng tôi rất hiểu và mong muốn sẽ sớm được niêm yết để tăng tính thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Tuy nhiên, việc niêm yết cần cân nhắc tới rất nhiều yếu tố. Niêm yết vào thời điểm nào để đảm bảo giữ thương hiệu và có giá trị cao nhất cho cổ phiếu, mang lại lợi ích cao nhất cho tất cả các cổ đông. Về phía Tổng công ty, chúng tôi khẳng định mong muốn niêm yết, nhưng việc này thực hiện vào thời điểm nào thì Tổng công ty không tự quyết định được…”
Sau 9 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco đã không dưới một lần lỗi hẹn lên sàn với các cổ đông. Việc thất hứa này không biết còn kéo dài đến bao giờ, nếu cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không cương quyết chỉ đạo Sabeco và Habeco phải lên sàn trong năm nay.
Nhờ sự quyết liệt trên của Chính phủ mà ngày 5/10/2016, HĐQT của Sabeco đã có Tờ trình 352/2016 để lấy ý kiến ĐHCĐ bằng văn bản về niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Thời gian lấy ý kiến kéo dài đến hết ngày 17/10 tới. Nếu được ĐHCĐ thông qua, nhiều khả năng Sabeco sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2016, giải tỏa nỗi bức xúc của các cổ đông kéo dài trong 9 năm qua.
Trong khi Sabeco đang có những chuyển động rõ nét về việc đưa cổ phiếu lên sàn, thì doanh nghiệp cùng ngành là Habeco lại chưa thấy có động thái tương tự, mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công ty này cũng phải lên sàn trong năm nay.
Một “ông lớn” khác cũng thuộc ngành Công Thương đã không dưới một lần lỗi hẹn lên sàn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Sau khi thất hẹn lên sàn UPCoM, gần đây, có những đồn đoán về khả năng cổ phiếu của Vinatex sẽ được niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, đến nay, cổ đông, giới đầu tư vẫn không rõ khi nào Vinatex mới lên sàn, mặc dù chủ trương niêm yết trên HNX hoặc HOSE đã được ĐHCĐ lần đầu thông qua năm 2015.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải luôn được nêu lên như một điển hình của các bộ, ngành trong đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thuộc ngành này lỗi hẹn lên sàn lại tỷ lệ nghịch với số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Là công ty đại chúng, với vốn điều lệ hơn 21.771 tỷ đồng, tại ĐHCĐ thường niên năm nay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), các cổ đông đề nghị ban lãnh đạo ACV cho biết thời điểm lên sàn. Khi đó, đại diện ACV hứa việc đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ không muộn hơn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016. Thế nhưng, đến nay, đã là giữa tháng 10, nhưng thời điểm lên sàn của ACV vẫn… mịt mờ và không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ?
ĐHĐC năm nay của Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1- CTCP (Cienco 1) cũng đã thông qua chủ trương sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu của Cienco 1 trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ tháng 6/2016, trong trường hợp không đủ điều kiện niêm yết thì chuyển sang giao dịch trên UPCoM. Thế nhưng, quá thời hạn đó hơn 3 tháng, kế hoạch lên sàn của Cienco 1 vẫn chưa được thực hiện. Đây là lần thứ ba Cienco 1 thất hứa lên sàn, bởi tại ĐHCĐ thường niên năm 2014 và năm 2015, HĐQT Công ty đều trình cổ đông thông qua phương án niêm yết 70 triệu cổ phiếu trên HNX rồi… để đó.
Một doanh nghiệp khác trong ngành giao thông cũng thất hứa với cổ đông về đưa cổ phiếu lên sàn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI). Ngay tại ĐHCĐ lần đầu diễn ra năm 2014, Ban chỉ đạo cổ phần hóa TEDI đã trình ĐHCĐ thông qua chủ trương niêm yết 12,5 triệu cổ phiếu trên HNX, nhưng đến nay ngày lên sàn của TEDI vẫn… mờ mịt.
Từ thực tế nhiều doanh nghiệp chây ỳ lên sàn, đòi hỏi cần có những giải pháp mới để thúc đẩy họ thực hiện lời hứa lên sàn. Qua đó, không chỉ khôi phục niềm tin trong giới đầu tư, mà còn góp phần tránh ế cho các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) mới, qua đó giúp tiến trình cổ phần hóa đạt hiệu quả tốt hơn cả về chất và lượng.
Kỳ 2: “Thuốc mới” trị bệnh thất hứa lên sàn