Thế giớiThời sự

Cuộc đàm phán lịch sử: Phái đoàn Triều Tiên nổi đóa khi Hàn Quốc đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa

Người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên trong cuộc hội đàm hôm 9/1 đã tỏ thái độ tiêu cực khi vấn đề phi hạt nhân hóa được đề cập trong các cuộc thảo luận.

Cuộc đàm phán lịch sử: Phái đoàn Triều Tiên nổi đóa khi Hàn Quốc đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa

Hai đoàn Triều Tiên, Hàn Quốc gặp nhau ở khu phi quân sự, 9/1/2018.

Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý tổ chức đối thoại quân sự, theo một tuyên bố chung phát ra sau khi hai miền Triều Tiên có cuộc đối thoại chính thức hôm thứ Ba, 9/1, lần đầu tiên trong vòng hơn hai năm, VOA đưa tin.

Triều Tiên cũng đã quyết định cử một đoàn cấp cao và một đội cổ vũ dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc vào tháng tới, nhưng người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên trong cuộc hội đàm hôm 9/1 đã tỏ thái độ tiêu cực khi vấn đề phi hạt nhân hóa được đề cập trong các cuộc thảo luận, chính phủ Hàn Quốc cho hay trong một tuyên bố.

Thỏa thuận này được đưa ra trong cuộc đối thoại cấp cao liên Triều hiện đang diễn ra nhằm mở đường để Triều Tiên tham gia vào Thế vận hội, và tìm cách giảm căng thẳng đã gia tăng liên quan đến các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ri Son Gwon, người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên kiêm chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Triều Tiên, đã tạo không khí lạc quan cho cuộc họp.

Ông nói: “Chúng tôi đến với cuộc họp hôm nay với thái độ nghiêm túc và chân thành, và với ý nghĩ mang lại cho những người anh em của chúng tôi, những người có nhiều hy vọng về cuộc đối thoại này, những kết quả vô giá như là món quà đầu tiên của năm nay”.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, người dẫn đầu đoàn đại biểu nước ông trong cuộc đối thoại, bày tỏ hy vọng rằng cuộc họp chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên trong vòng hai năm sẽ dẫn đến đối thoại và hợp tác hơn nữa.

Tại cuộc hội đàm, Triều Tiên đã đồng ý cử một phái đoàn các quan chức cao cấp, các vận động viên, một đội cổ vũ, một đội trình diễn Taekwondo và một số nhà báo đến dự Olympic.

Seoul đề xuất rằng các đội Olympic từ hai miền Triều Tiên diễu hành cùng nhau trong lễ khai mạc.

Hàn Quốc cũng đề xuất thực hiện thêm các cuộc hội đàm để tổ chức các cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ trùng với Thế vận hội.

Đối thoại liên Triều về Thế vận hội đã thành công trong việc mở lại kênh liên lạc trực tiếp giữa Seoul và Bình Nhưỡng, vốn đã bị cắt đứt vào đầu năm 2016 sau một cuộc thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên.

Cuộc đối thoại liên Triều đang diễn ra ở phía nam khu phi quân sự (DMZ).

Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ thận trọng đối với cuộc đối thoại liên Triều và đồng ý hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc cho đến sau kỳ Thế vận hội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này đã gọi cuộc đối thoại mới là “một việc tốt”, và Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc hội đàm “vào thời điểm thích hợp”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng lo ngại rằng Bình Nhưỡng “có thể đang cố gắng chia rẽ” giữa Washington và Seoul và làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ buộc Triều Tiên phải từ bỏ việc phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công vào Hoa Kỳ.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 9/1 cũng hoan nghênh Triều Tiên quan tâm tới việc tham gia Thế vận hội Pyeongchang, nhưng cũng nhắc lại rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng trên thế giới, và các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng phải tiếp tục được thực thi nghiêm túc.

CÔNG MINH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close