CEO ViệtNhân vật

Doanh nhân Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Thép Việt: Muốn thành công, phải đi lên bằng ý chí

Cuộc đời doanh nhân Đỗ Duy Thái là một chuỗi khát vọng lớn dần theo năm tháng, bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt và ý chí xuyên suốt: Phải xây dựng bằng được một ngành thép cho đất nước mang tên Thép Việt.

 

Từ một xưởng sản xuất cao su nhỏ bé, trải qua 2 lần liên doanh để có được nhà máy thép Pomina đầu tiên với công suất 300.000 tấn/năm, sau đó chính thức được gọi tên Thép Việt, hiện nay, doanh nhân Đỗ Duy Thái là chủ dự án nhà máy thép xây dựng với công suất 500.000 nghìn tấn/năm và dự án đầu tư xây dựng nhà máy tôn 600.000 tấn/năm.

Khát vọng xây dựng nền công nghiệp của người Việt

Nói về Thép Việt, doanh nhân Đỗ Duy Thái khẳng định khát vọng: “Tất cả đều bắt nguồn từ một ‘ngọn cờ đào’. Chính sức mạnh tinh thần ấy đã giúp tôi tập hợp lực lượng và cuốn chúng tôi đi với một nỗ lực bất khuất. Nỗ lực của chúng tôi là đóng góp cho đất nước những sản phẩm thép chất lượng cao, với công nghệ tiên tiến cùng trách nhiệm bảo vệ môi trường cao nhất. Bên cạnh đó là nỗ lực hướng đến sự hoàn thiện trong dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm thỏa mãn cao nhất yêu cầu của khách hàng”.

Chu-tich-Thep-Viet-Pomina-Do-D-9835-1444

Doanh nhân Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Thép Việt. Ảnh: QH

Trong lộ trình hướng đến mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế, Pomina đã nhập khẩu từ châu Âu toàn bộ dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại để trang bị cho nhà máy tôn. Trong đó, có 1 dây chuyền tẩy rỉ, 2 dây chuyền cán nguội, 2 dây chuyền mạ kẽm, 1 dây chuyền mạ màu. Giai đoạn 1 của dự án được khởi công trong năm 2017, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018 với công suất 200.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2020 nâng tổng công suất nhà máy lên 600.000 tấn/năm.

Ở đất nước nào cũng vậy, nếu gạo là lương thực của toàn dân, thì thép là lương thực của ngành công nghiệp và là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lấy bài học từ Hàn Quốc, Nhật Bản làm kinh nghiệm quý để chọn cho mình con đường đầu tư dài hạn, ông Đỗ Duy Thái cho rằng để Việt Nam phát triển, trước hết cần phải thay đổi tư duy của nhà đầu tư, thay đổi cái nhìn của chính phủ về công nghiệp nặng.

Ông Thái chia sẻ: “Văn hóa ‘chuộng ngoại’ đưa đến bất bình đẳng trong đầu tư, và trong tương lai, làm sao có được nền tảng công nghiệp nặng của người Việt? Làm sao có được những thương hiệu thép toàn cầu? Nếu tư duy về đầu tư chưa thay đổi thì đất nước sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai. Và, thực sự, chúng ta đã phải trả giá quá đắt. Formosa là một nỗi đau dài đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai, và còn nữa những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, gây tổn thất vô cùng lớn đến đời sống người dân quanh vùng…”.

Hiện thực hóa giấc mơ bằng văn hóa “trọng thị người tài”

Hiếm thấy một chủ doanh nghiệp nào xác định cho mình văn hóa nền tảng rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt như ông. Xây dựng tinh thần đoàn kết, tôn vinh, trọng thị đối với người giỏi, coi trọng giá trị đạo đức chuẩn mực và tinh thần tích cực của toàn đội ngũ. Ông luôn nhấn mạnh chữ “trọng thị người tài” nên đã xây dựng một cơ chế minh bạch cao trong công ty, để tạo nên một doanh nghiệp đạo đức, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Cơ chế nào cũng có những kẽ hở, ông Thái chủ trương lấp đầy những kẽ hở ấy bằng những con người có đạo đức thực sự, biết đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi đất nước, công ty. Ông chia sẻ: “Phẩm chất quan trọng nhất đối với người theo đuổi ngành công nghiệp nặng chính là cái nhìn tích cực”. Và, ông bộc lộ phẩm chất này trong cả cách làm, cách hành xử với cuộc đời, với nghề nghiệp, và với chính mình.

Ngay từ khi bước chân vào công ty, thông điệp này đã được truyền đạt cho mỗi người, để cùng đi với nhau trên đường dài. Nếu ai đó không chấp nhận, nếu ai đó đi lệch, dù là người tài, cũng sẽ bị loại bỏ khỏi đội ngũ. Bằng chứng là một số người tài nhưng không có đức đã phải ra đi…

“Tôi không cho phép nhà đầu tư công nghiệp làm sai, có hại cho môi trường, cho dân, cho nước về lâu dài. Như việc xả nước thải xuống sông của một số công ty vừa qua khiến xung quanh lún sạt hết do axit rửa đổ ra, người dân kiện thưa hoài vẫn chưa xử lý. Trong dự án làm nhà máy tôn nguội của tôi với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, 8 triệu USD dành cho khẩu xử lý nước thải. Đó là một chuẩn mực đạo đức của người làm công nghiệp”, ông nói.

Hạnh phúc là làm được điều mình muốn

Xuất thân trong một gia đình trí thức bình dị, cha mẹ ông là người kinh doanh nhỏ với một trại chăn nuôi và xưởng sản xuất trà mang tên Thiên Hương. Từ đồng vốn nhỏ của gia đình, ông gầy dựng sự nghiệp, làm đủ mọi thứ từ lốp xe lam, xe Honda, nút chai cho ngành y tế, đến rulo chà lúa cho máy xát gạo… bởi ông thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân thời đó cái gì cũng thiếu.

Niềm say mê công nghiệp bắt đầu lớn dần khi kinh doanh ngày một phát triển. Trong thời điểm rất khó khăn của cơ chế bao cấp, ông phải chia nhỏ xưởng của mình ra ở nhiều quận khác nhau để không bị… “kết tội” là “con buôn”, là “tư sản”. Một kỷ niệm mà ông nhớ đời là lần nghiên cứu làm rulo chà lúa. Hồi đó làm gì có rulo ngoại nhập, rulo “nhái” làm hạt lúa bị bể hết. Chìm trong dầu mỡ, máy móc, ông mày mò cả năm trời mà không tìm ra nguyên nhân.

Loay hoay mãi không được, ông tìm đến hai ông thầy để làm cố vấn cho mình, đó là tiến sĩ Phước và tiến sĩ Lành. Nhờ sự tiếp sức của hai người thầy, ông phát thiện ra rulo không sử dụng cao su nguyên chất, mà phải làm bằng cao su nhân tạo. Lấy miếng cao su nhân tạo về xưởng và thức suốt đêm ép ra cục rulo mới, đến 4 giờ sáng ông nóng lòng mang ra nhà máy chà lúa Phú Lâm. Ngồi chờ đến hơn 6 giờ sáng nhà máy mở cửa, đưa vào thử nghiệm.

Một tiếng sau người thợ trả lời: “Giống như rulo của Nhật!”. Tự nhiên nước mắt ông chảy tràn! Mọi người trong xưởng lúc đó đều ngạc nhiên “Trời ơi thành công rồi sao ông lại khóc?”. “Thật sự người làm công nghiệp phải rất “máu” mới cảm nhận được hết niềm vui làm được điều mình muốn.

Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong những rủi ro liên tục. Suốt 10 năm đầu tôi đã phải thông qua liên doanh, mất quá nhiều thời gian, mà thời gian là vàng bạc. Chân lý này tôi đã học được từ người anh, người thầy của mình, đó là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông hấp dẫn tôi bởi luôn nhìn rất rõ khó khăn của ngành công nghiệp nặng, nhưng vẫn mạnh mẽ đi tới bằng sự dũng cảm và một tâm hồn lớn, chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho đất nước, gầy dựng nền sản xuất thép để đủ lương thực cho ngành công nghiệp.

Một lần ông bị bệnh, tôi lo lắng vô cùng, cất công tìm mua cho ra vài lạng sừng tê giác và đến thăm ông. Khi gặp ông, hai thầy trò nói chuyện say sưa, nhưng tôi ngại ngùng mãi không biết có nên đưa cho ông món quà nhỏ. Tôi không muốn điều gì làm mờ đi dù chỉ là một chút sự trong sáng, thanh bạch đã có giữa hai chúng tôi. Có những con người mà cái thần của họ khiến mình không thể làm điều gì khuất tất, dù đó là một chăm sóc chân thành. Cho đến giờ tôi vẫn giữ mấy lạng sừng tê giác đó như lời nhắc nhở về nhân cách con người”, ông chia sẻ.

Kinh nghiệm từ những năm tháng lăn lộn với những ngành sản xuất nhỏ, hiểu từng bulon, đinh ốc trong một cỗ máy, cảm nhận chính xác về chọn lựa đầu tư ban đầu đã giúp ông rèn luyện được lòng kiên nhẫn, bền chí, xuất phát từ niềm vui nghề nghiệp.

“Tôi cũng học được bài học hợp tác với ai là rất quan trọng. Phải xem quan điểm người đó có phù hợp với mình không, cả về trí tuệ, nội lực và tầm nhìn. Đau khổ nhất là khi bỏ tiền hùn hạp làm ăn mà người ta chỉ nghĩ cá nhân mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền.

Nói về giàu có mà chỉ nghĩ đến vật chất là điều sai lầm. Mục tiêu của tất cả mọi người là sống và nỗ lực đạt được điều mình muốn, và điều đó có ích cho xã hội, cho con người, cho môi trường, đó mới là giàu có thực sự. Xã hội nào đặt tiền bạc lên trên vị trí cao nhất thì không thể phát triển lành mạnh và hạnh phúc được.

Vừa rồi gặp lại đám bạn bè thời trung học, người trở thành nhà nghiên cứu, chuyên gia, người dạy học, người làm công chức bình thường…Có bạn nói với tôi “Lớp mình chẳng ai thành công như Thái”. Tôi nghĩ không phải vậy, thành công có nghĩa là làm được điều mình muốn, chứ đâu phải có nhiều tiền, địa vị này kia. Người đi tu hay nhà giáo, công chức mẫn cán cũng hạnh phúc như nhau bởi họ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình, tìm thấy thiên đường ngay trần gian, mà đâu phải cần nhiều tiền. Nghĩ thế thì dù đời sống có khó khăn đến đâu cũng vẫn vui, vẫn lạc quan, yêu đời…”, ông cho biết.

Nỗ lực đầu tranh cho lẽ phải trong những lúc tưởng chừng… tuyệt vọng!

Năm 1999, Pomina ra đời, sở dĩ ở thời điểm này ông không dám gọi tên là thép Việt bởi lúc ấy trong suy nghĩ nhiều người, từ “con buôn” vẫn còn ám ảnh. Chuyện đầu tư mấy chục triệu USD cho một nhà máy luôn bị đặt dấu hỏi “lấy tiền đâu ra?”. Trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp tư nhân chỉ là những kẻ ăn chơi trác táng. Ông phải nghĩ ra cái tên khác, để lỡ có mất đi thì tên “ruột” vẫn còn.

Tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế, ai cũng khuyên ông chưa nên đầu tư lớn, vì chưa đúng thời điểm. Vụ án Minh Phụng đã làm tắt đi ngọn lửa của bao doanh nghiệp mới được nhóm lên. Nhưng ông vẫn quyết định phải làm, phát triển trên suy nghĩ bền vững. Quyết định này là sự chấp nhận rủi ro rất lớn mà chỉ riêng thuyết phục cổ đông cũng đã quá mệt mỏi.

Trải qua hai lần phải làm “anh hùng núp”, đến 2005, lá cờ đào mang tên Thép Việt mới được công khai phất lên. “Sự thay đổi trong suy nghĩ người dân Việt và Nhà nước là nhờ báo chí rất nhiều. Từ khi công nhận “Ngày doanh nhân Việt Nam”, Chính phủ đã góp phần thay đổi văn hóa của cả một dân tộc trong suy nghĩ về người tư sản.

Chuyện khổ vì cơ chế thì kể hoài không hết. Tôi nhớ ngày đó, khi còn làm xưởng cao su, mỗi lần công an khu vực đi ngang qua lại cảnh cáo tôi với giọng đầy nghiêm trọng: “Tôi thấy xưởng của anh phát triển ngày càng đông công nhân đấy nhé, như vậy là anh bóc lột giá trị thặng dư rất nhiều đấy!”. Thế là tôi lại phải dúi vào túi anh ta một bì thư để được yên.

Một ngày nọ mất điện, phải đốt than để làm cao su, đang đau đầu vì không làm sao tìm ra cách cho khuôn nóng đều để đổ cao su vào thì anh ta tới. Thấy tôi người ngợm đầy dầu mỡ đen thui, anh ta chẳng động lòng gì, lại tiếp tục câu nói cũ. Tôi bực quá nói luôn: “Thôi lần sau anh thay đổi bằng một câu nói khác đi, tôi sẽ tăng tiền bồi dưỡng cho anh. Nghe riết câu này tôi mệt quá rồi”, ông nhớ lại.

Tôi biết, mỗi thời điểm lịch sử đều có những khó khăn riêng của nó, chứng kiến hết sự thăng trầm của kinh tế đất nước cũng đào luyện cho mình tính kiên định, sức chịu đựng, để không dễ “chào thua” trước khó khăn”, ông kể. Một kỷ niệm đau buồn mà ông nhớ mãi. Ngày đó đồng tiền mất giá mỗi ngày, sau khi thanh toán hợp đồng, nếu không mua vàng ngay rồi mới bán từ từ để mua vật tư trở lại sẽ mất cả vốn lẫn lời, mà quy định của nhà nước lúc đó lại cấm mua bán vàng.

Một hôm, mới 2 giờ sáng, công an kinh tế ập vô thu hết hơn 800 cây vàng. Đó là tài sản của bà con, anh em, những người cùng làm ăn với ông chứ đâu phải riêng ông. Bàng hoàng trước nguy cơ mất trắng, ông cương quyết tranh luận với công an, trình bày với họ mình trữ vàng vì công việc chứ không phải là mua bán, đây chỉ là cách bảo vệ đồng tiền của mình để phục vụ kinh doanh. Biên bản tịch thu lại chỉ ghi “kim loại màu vàng”, ông đấu tranh bằng được để họ phải ghi là “vàng”. Suốt một tháng trời gõ cửa cầu cứu khắp các nơi, cuối cùng ông cũng lấy lại được tài sản của mình.

“Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã nỗ lực đấu tranh cho lẽ phải trong những lúc tưởng chừng tuyệt vọng, vì tôi tin mình là người đàng hoàng, mình có thể làm được”, ông khẳng định.

Còn nhớ khi hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đã lan tới Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng đặt ra nhiều nghi vấn về nguồn thải độc từ công nghiệp, nhất là từ sản xuất thép gây ra, ông đã cùng những doanh nghiệp thép làm ăn chân chính trong Hiệp hội Thép TP.HCM gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ, cảnh báo thẳng thắn về việc khuyến khích công nghệ lò cao khi cho thuế xuất quặng tới 40%.

“Chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực đóng cửa hàng loạt các lò cao luyện thép từ quặng. Trong khi đó, chính sách của Việt Nam lại vô tình khuyến khích và dành ưu đãi bất hợp lý cho doanh nghiệp theo đuổi công nghệ ô nhiễm này. Các doanh nghiệp đi đúng hướng đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất từ tái chế phế liệu như các nước phát triển cảm thấy họ đang bị trừng phạt, không còn cơ hội phát triển, buộc phải thu hẹp quy mô, sa thải lao động và thậm chí đóng cửa. Với những chính sách sai lầm như vậy, định hướng phát triển sản xuất trong môi trường xanh và khả năng cung cấp các sản phẩm cơ khí đòi hỏi chất lượng cao cũng không thể tồn tại.

Hơn nữa, khi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh bị phá vỡ, các đơn vị trong ngành không còn phát triển dựa vào năng lực nội tại mà chỉ dựa vào chính sách, làm giảm năng suất và năng lực cạnh tranh trong ngành thép, từ đó giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Chúng tôi chỉ có một mong muốn đơn giản, đó là được kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Đó là cơ chế và động lực giúp chúng tôi yên tâm bỏ gia sản của mình vào kinh doanh và đóng góp cho xã hội để tiếp tục phát triển dựa trên chính năng lực của bản thân, góp phần tạo sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho xã hội Việt Nam”, ông Thái cho hay.

Tầm nhìn của “nhà tương lai học”

Gọi ông là nhà tương lai học quả không quá lời, bởi hơn ai hết, ông nhìn rõ giấc mơ của mình, và biết cách truyền cho đội ngũ để mọi suy nghĩ, hành động đều phục vụ cho mục tiêu đó. “Nếu không còn mơ, thì cuộc đời… kể như chấm dứt. Tôi là người mơ mộng thật sự, sống bằng niềm hy vọng về một xã hội tiến bộ hơn. Trở thành khu công nghiệp liên hợp cũng là một giấc mơ bài bản, hiện thực, tình cảm.

Đầu tư ngành thép là không có điểm dừng, con đường phía trước còn thênh thang quá. Cứ hình dung một ngày nào đó cầu cảng 700 tấn hoàn tất, tàu cặp vô thổi quặng lên lò cao cán ra thép tấm là thấy… đã đời. Giấc mơ này tôi nhìn rất rõ. Và tôi vui khi thấy bạn bè mình cũng cảm thông với giấc mơ ấy”, ông chia sẻ.

Rồi ông kể về người bạn vong niên của mình là ông Địa Cầu, một người giàu có cùng làm cao su với ông thời tuổi trẻ. “Ông Địa Cầu cũng rất đam mê công nghiệp, theo đuổi nghề cao su. Là kỹ sư công chính, ông Cầu gặp trở ngại lớn về hóa cơ bản, và quyết tâm theo học để làm bằng được mối nối cho dây curoa để khi chạy không bị bung ra.

Bao nhiêu tiền ông ấy cũng dồn hết cho mong ước này, nhưng kết quả bất thành. Ông ấy bị phá sản, hết sạch tiền, phải tha phương cầu thực đất Campuchia, chết cũng không còn một manh chiếu để chôn. Hơn ai hết tôi hiểu đeo đuổi công nghiệp sẽ phải trả cái giá rất đắt, nếu đam mê mà không có kế hoạch, không đầu tư ngân sách để lấy ngắn nuôi dài, thì sẽ sớm thất bại. Cái chết của ông Địa Cầu luôn là lời nhắc nhở tôi rằng đam mê quá lớn dễ làm cho người ta mù quáng, ông ấy cứ nghĩ mình đúng, nhưng thực tế không cho phép.

Tôi cũng bỏ công nghiên cứu cuộc đời của những doanh nhân nước ngoài, tìm sự đồng cảm và niềm động viên từ họ, để xác quyết con đường mình đi. Tôi không thích đầu tư vào những gì mang tính thương vụ, ngắn hạn, mà nghĩ đến cái lợi chung. Nhiều lúc anh em bạn bè thấy tôi có tiền cũng rủ rê hùn hạp mua đất, xây chung cư cao cấp, vì cái lợi có ngay tức thì, nhưng tôi kiên quyết từ chối”, ông nói.

Gia đình ông có 12 anh em, tất cả đều làm việc trong công ty, và giữ nhiều vị trí chủ chốt. Ở một tầm vóc mới, Thép Việt đang chuyển từ quản trị gia đình sang quản trị khoa học. Ông chia sẻ: “Mọi thành viên hội đồng quản trị đều quyết tâm cùng nhau xây dựng một môi trường không cho phép bất cứ ai tư lợi vì mục đích cá nhân. Nếu chỉ vì mục đích cá nhân thì không thể nào là ngọn cờ đào, đây là điều khó nhất, và cũng là một nét đẹp trong văn hóa công ty.

Suy nghĩ “cùng nhau” đã giúp Thép Việt quy tụ được nhiều đội ngũ chuyên gia kinh tế, kỹ sư lành nghề, nhà quản lý cấp cao giỏi để làm nên nghiệp lớn. Hiện thế hệ thứ hai sau khi du học nước ngoài về cũng đang bổ sung vào đội ngũ kế thừa, tạo nên một luồng sinh khí mới cho Thép Việt”.

Cách dạy con của ông cũng hoàn toàn khác biệt. Ông cho rằng quyết định thông minh nhất của Bill Gates là chỉ dành cho con ngân sách đủ để học hết đại học. “Cái chết của hai đứa con trai ông chủ Huyndai là một bài học đau xót với tất cả doanh nhân. Nếu chúng ta để lại cho con cái quá nhiều của cải mà không chuẩn bị cho con bản lĩnh sống để có thể chịu đựng những cơn bão giật cấp 10, cấp 12 như chúng ta, thì con sẽ “bung” ngay. Cách để con trưởng thành là dạy con biết lao động, biết đổ mồ hôi để tạo nên chất xám”, ông Thái nói.

Hiện con gái ông, Đỗ Duy Hiếu, sau khi du học nước ngoài về đã kế nghiệp cha trong vai trò giám đốc điều hành. Sau một thời gian dài đi từ vị trí thấp nhất, đến nay có thể tự tin nói rằng Hiếu đã là “hậu duệ tử tế” đầy tự hào của ông.

Hỏi ông làm thế nào để tạo nên những thương hiệu phát triển bền vững cho ngành thép nói riêng và ngành công nghiệp nói chung, ông chia sẻ: “Phải có lòng tự trọng, dân tộc và một quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói mới giúp chúng ta cùng nhau đoàn kết xây dựng vương quốc hùng mạnh như Honda, Toyota…

Nguyên tắc để có thể hợp tác, đi đường dài được với nhau là tìm kiếm đối tác có tính cộng đồng cao, quyết tâm tìm đến cái đúng, những giá trị tinh thần, chứ không cục bộ, cá nhân. Tôi tin ngành thép nếu cạnh tranh sòng phẳng thì chẳng có gì đáng lo.

Bài học đầu tiên mà Chính phủ phải làm là bảo vệ thị trường trong nước bằng luật chơi quốc tế, như thế hiệu quả hơn là mình đi thưa kiện người ta tại sao không cho mình nhập vào. Các nước gần mình như Malaysia, Ấn Độ đều có chương trình bảo vệ thị trường trong nước, áp thuế 20% với thép nhập. Thép Trung Quốc không nhập được vào thị trường Mỹ, vì thuế suất rất cao (50%).

Những thông điệp mạnh mẽ của “Chính phủ kiến tạo” đang mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp, chính từ đó Pomina mới quyết tâm đầu tư đầu tư tiếp nhà máy công suất 600 ngàn tấn tôn mạ kẽm, mạ màu và nhà máy 500 ngàn tấn thép xây dựng”, ông cho biết.

(Theo Bizlive – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close