Cách sốngSống

Đừng cố tỏ ra hạnh phúc, cứ sống thật với bản thân rồi hạnh phúc sẽ đến

Hạnh phúc không phải thứ gì đó có thể đạt được hay giành giật được, nó là kết quả của một chuỗi những hoạt động trong cuộc sống, thứ mà chúng ta có thể xây dựng được.

Đừng cố tỏ ra hạnh phúc, cứ sống thật với bản thân rồi hạnh phúc sẽ đến

Nếu bạn cố tỏ ra ngầu, bạn sẽ chẳng bao giờ ngầu được, nếu bạn cố để hạnh phúc, tất nhiên bạn chẳng thể có được hạnh phúc. Vấn đề hiện tại của con người là họ cố quá nhiều, gượng ép quá nhiều những thứ mình chưa thể hoặc không thể có.

Hạnh phúc, giống với những cảm xúc khác, không phải là một “thứ” có thể đạt được hay giành giật được, nó giống với một cái gì đó ẩn trong cơ thể, tất nhiên rồi vì nó là cảm xúc mà.

Khi bạn bực tức và đập đầu vào tường, bạn không định hình được mức độ tức giận của mình. Bạn cũng chẳng nghĩ trong đầu là “Tôi đang tức đúng không? Những thứ gì tôi sắp làm có đúng không?”, tất nhiên chẳng ai nghĩ được thế, bạn đang ba máu sáu cơn cơ mà. Bạn làm cho sự tức giận được giải toả, chính bạn.

Một người tự tin không bao giờ thắc mắc rằng anh ta có tự tin hay không, một kẻ hạnh phúc cũng không bao giờ thắc mắc xem mình có hạnh phúc hay không. Đơn giản vì nó là bản chất của họ.

Hạnh phúc không phải là thứ có thể tự xuất hiện, tự đạt được mà nó xuất hiện với tư cách là hiệu ứng của một chuỗi những hành động, trải nghiệm cuộc sống. Rất nhiều người nhầm lẫn với điều này, đặc biệt khi hạnh phúc là thứ được người ta quảng bá trở thành mục đích sống, lý tưởng ai cũng nên theo đuổi.

Sự thoả mãn là khi được ngủ lúc buồn ngủ, đó không phải hạnh phúc.
Sự thoả mãn là khi được ngủ lúc buồn ngủ, đó không phải hạnh phúc.

Khi con người kiếm tìm hạnh phúc, thực chất họ chỉ đang tìm kiếm sự thoả mãn, một món ăn ngon? nhiều tiền hơn? ngủ nhiều hơn? các vật phẩm đắt tiền? hay đơn giản là có được những phút giây thư giãn…

Sự thoả mãn rất tuyệt, thế nhưng nó không giống với hạnh phúc. Sự thoả mãn có liên quan tới hạnh phúc, nhưng nó không phải là nguồn gốc của hạnh phúc. Các nhà khoa học đã từng chứng minh rằng những người tập trung năng lượng và của cải vào những thứ giúp họ thoả mãn dễ gặp phải căng thẳng, tâm lý bất ổn và suy cho cùng là kém hạnh phúc hơn. Sự thoả mãn là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người vì thế nó rất dễ đạt được.

Có một thực tế là con người hiện đại không hạnh phúc như trước đây. Lý do đơn giản thôi, với mỗi người, họ luôn là số 1, là một Bill Gates mới của tương lai hay người sẽ thay đổi lịch sử loài người. Công nhận đi, đây là thứ mà ai cũng từng nghĩ tới, chúng ta đặc biệt, chúng ta khác thường và chúng ta rất to lớn.

...

Thế nhưng, rồi Facebook, mạng xã hội cùng những giao tiếp ảo xuất hiện, chúng ta nhận thấy rằng mình chẳng là gì, không phải là “con giời” như cha mẹ vẫn tiêm vào đầu. Thực tế, chúng ta kém xa nhiều người trên mạng xã hội, kém giàu hơn, kém giỏi hơn, đến đẹp trai cũng kém, đời quả là buồn!

Mặc dù vậy, không phải lúc nào điều trên cũng đúng. Đôi khi hạnh phúc đơn giản hơn thế nhiều.

Lấy ví dụ thế này, tôi có một cô bạn mở một quán ăn be bé ở một con phố mà nhìn thôi cũng biết rằng chẳng nên cơm cháo gì. Cô ta đốt toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào đó và thất bại, tất nhiên rồi. Thế nhưng thay vì buồn chán mệt mỏi như nhiều người thất bại vẫn thường, cô bạn dở hơi này lại vui vẻ hơn vì những kinh nghiệm có được, lạ thật.

Cô ấy cho rằng sự thất bại kia đã cho cố ấy nhiều vài học về những thứ mình muốn hay không muốn trong cuộc sống. Thế rồi những bài học ấy đã mang lại cho cô những thành công mới ở một mô hình kinh doanh khác nhỏ hơn. Cô ấy có thể nhìn lại khoảng thời gian thất bại kia và tự hào vì đã thực hiện nó chứ không ngồi một chỗ mà nghĩ rằng sẽ ra sao nếu cô thành công.

Thế đấy, sự thất bại trong việc đạt được những kì vọng bản thân chẳng có gì liên quan tới hạnh phúc và nếu trước đây ai nói với tôi rằng việc thất bại rồi trân trọng nó để tạo nên thành công, tôi sẽ cạch mặt người đó, giờ khác rồi.

Nếu bạn vừa tốt nghiệp đại học đã có được công việc lương cả chục nghìn USD mỗi tháng, lái một chiếc BMW bóng lộn thì bạn sẽ gặp rắc rối nhiều hơn là hạnh phúc. Vì sao ư? Vì những thứ khiến bạn hạnh phúc sẽ bị giới hạn, những thứ bình thường khiến người khác vui giờ không còn khiến bạn vui nữa và khi gặp khó khăn, bạn sẽ là người ngã đau nhất.

Niềm hạnh phúc trong cuộc sống không phải là có được một công việc lương chục nghìn USD, hạnh phúc là khởi đầu từ bàn tay trắng sau đó cố gắng để có được mức lương chục nghìn và rồi cố gắng để có mức lương cao hơn thế nữa.

Hãy học tập từ thất bại, chung sống với nó, hãy trở thành một cái cây, mà không phải, một cái mầm cây thôi và mọc lên từ những khe nứt của sự thất bại. Những thứ tuyệt vời nhất đều nảy mầm trong thất bại, trong sự tối tăm và tuyệt vọng của con người.

Nước mắt rơi chắc gì đã khổ, đây cười mà lệ đổ trong tim

“Nước mắt rơi chắc gì đã khổ, đây cười mà lệ đổ trong tim”

Khả năng là trong cuộc sống bạn sẽ gặp những người lúc nào cũng vui, vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Không giống với người phê thuốc hay ảo tưởng đâu mà họ vui thật sự ý. Thế nhưng lúc nào cũng vui chẳng phải đã tốt, lảng tránh những thứ tiêu cực dẫn tới sự tiêu cực lớn hơn và những rối loạn trong cảm xúc.

Thực tế đơn giản lắm, chuyện không hay xảy ra, mọi thứ không theo ý muốn, bạn bè người thân xa lánh, sai lầm nối tiếp sai lầm và những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy. Chả sao cả, cứ tự tin mà sống. Những cảm xúc tiêu cực là thứ cần thiết và nó quan trọng để hình thành nên sự hạnh phúc, một chuẩn mực hạnh phúc của con người.

Có 2 cách để đối phó với những cảm xúc tiêu cực, cách đầu là thể hiện nó ra với cách chấp nhận được cùng với cách thức thể hiện không làm người khác khó chịu. Cách tiếp theo là thể hiện nó ra theo hướng có lợi cho giá trị bản thân.

Khó hiểu không? Nghe giải thích này, ví dụ như giá trị bản thân của bạn là không bạo lực. Vì thế, khi tức tối một người nào đấy, bạn sẽ thể hiện sự tức giận của mình, thế nhưng cũng bằng cách nào đó thể hiện với kẻ kia rằng bạn sẽ không đấm vào mặt hắn. Thực tế đúng không? Nói mà.

Có rất nhiều người tôn thờ chủ nghĩa “luôn tích cực”, những người này bạn nên tránh xa, cùng với cái đám lúc nào cũng thở ra câu “đời là bể khổ và tôi là con cá trong bể”… Mỗi người nên có một ranh giới hạnh phúc, nếu ranh giới của bạn là lúc nào cũng hạnh phúc, không kể điều kiện thì có lẽ bạn đã xem quá nhiều phim Hàn Quốc rồi, đi kiểm tra đầu óc đi. (Đừng lo bác sĩ không cắn đâu)

Luôn luôn tích cực là thứ được tiêm nhiễm vào đầu chúng ta thông qua các phương tiện giải trí, nhìn các chương trình truyền hình với người dẫn lúc nào cũng cười, các tấm hình trên tạp chí với người mẫu người, đi chụp ảnh cưới cũng bắt bị cười, thế đấy, trông có vẻ hạnh phúc nhưng thực sự đâu phải thế. Đời lúc nào cũng muốn chúng ta vui, tích cực, đời màu hồng nên mọi thứ xung quanh đều có xu hướng như vậy.

Hoặc đơn giản chỉ là chúng ta quá lười biếng, chúng ta muốn có được thứ mình cần mà không phải làm công việc khó khăn. Thôi, đọc đến đây cũng dài rồi, đi vào phần chính, vậy thứ thực chất tạo nên hạnh phúc là gì?

Thắng một trận đấu thể thao vui, hạnh phúc hơn nhiều so với việc ăn hết một bát cơm. Nuôi một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc hơn nhiều so với việc phá đảo một trò chơi điện tử. Mở một mô hình kinh doanh với bạn bè sau đó chật vật kiếm tiền vui hơn nhiều so với cảm giác có được khi mua cái điện thoại mới…

Những hành động nảy sinh hạnh phúc phía trên đều được liệt vào dạng khó chịu và yêu cầu chúng ta thất bại, khổ sở rất nhiều để thực hiện. Thế nhưng, đó lại là những hành động có nghĩa nhất trong cuộc sống mỗi người. Trong mỗi hành động ấy là những cung bậc cảm xúc khác nhau và khi hoàn thành, chúng ta nhìn lại những gì đã làm trong hạnh phúc.

Tại sao?

Bởi vì những hành động như trên giúp chúng ta trở thành một con người lý tưởng. Hành động theo đuổi lý tưởng bản thân (bản thân lý tưởng) mang tới hạnh phúc cho con người, mặc cho những đau đớn, khổ sở, mặc cho những cảm xúc tiêu cực có thể có.

Đó là lý do vì sao nhiều người rất hạnh phúc dù họ đang tham chiến và có những người lại buồn tủi trong đám cưới của chính mình. Đó là lý do vì sao có những người rất buồn bực khi đi làm và có những người lại rất hạnh phúc khi đi chơi… Hơi ngược, hạnh phúc khi đi làm và buồn khi đi chơi mới đúng. Lý do cơ bản là vì họ được thoả mãn và trở thành con người lý tưởng họ vẫn ao ước trở thành.

Kết quả cuối cùng không khẳng định một con người lý tưởng. Dành chức vô địch Olympic không khiến chúng ta hạnh phúc, thứ làm chúng ta hạnh phúc là quá trình tập luyện để đạt được nó. Và khi đứng trên bục vinh quang, nghĩ lại quá trình tập luyện khổ sở và đạt thành quả, đó mới là thứ khiến ta hạnh phúc đến phát khóc.

Tất cả những điều phía trên một lần nữa khẳng định lại lúc nào cũng cố vui sẽ khiến ta bất hạnh. Vì sao, vì ta cố trở thành một con người lý tưởng ta chưa thể, vì ta nhìn vào cái đích mà bỏ quên bất quá trình. Sau tất cả, chúng ta chỉ đang “diễn” để trở thành con người lý tưởng mà ta vẫn mong muốn, và ta mất đi nhu cầu để được hạnh phúc.

Hạnh phúc luôn chờ đợi chúng ta ở cuối con đường. Không quan trọng ta đang ở đâu trong lịch trình cuộc sống, luôn có một thứ nữa ta cần làm để có được sự hạnh phúc đỉnh-hơn-tuyệt-vời-đặc-biệt.

Một con người lý tưởng, bản thân tuyệt vời vẫn chờ chúng ta ở cuối con đường, ta mơ trở thành một vận động viên và khi ta trở thành vận động viên tài năng, ta mơ trở thành một đạo diễn và trở thành một đạo diễn có phim đạt giải mâm xôi vàng, ta mở trở thành tỷ phú và trở thành một tỷ-tỷ phú… Thứ quan trọng ở đây không phải là cái đích mà là quá trình từng bước một đạt được cái đích, ngày qua ngày, tuần qua tuần, năm qua năm. Những cái đích sẽ còn tiếp tục thay đổi và chúng ta sẽ còn tiếp tục chạy theo con người lý tưởng đến suốt cuộc đời.

Có lẽ lời khuyên đúng nhất cũng là lời khuyên đơn giản nhất cho những người muốn hạnh phúc: Hãy tưởng tượng ra bạn muốn trở thành gì và từng bước hiện thực hoá nó.

Không quan trọng rằng bạn có đạt được mơ ước của mình hay không giống như một người bạn của tôi ước mơ trở thành ngựa một sừng… Thế nhưng, hãy cứ mơ đi, hãy cứ làm đi, đừng cố để có được hạnh phúc mà hãy đạt được nó.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close