Tài chính - Tiền tệThế giới
ECB gọi Bitcoin và tiền điện tử là lừa đảo kiểu Ponzi
Trong các kế hoạch lừa đảo Ponzi, những nhà đầu tư này hy vọng giá sẽ tăng, họ tin rằng họ sẽ kiếm được một nhà đầu tư khờ khạo hơn để bán trước khi thị trường sụp đổ.
Ảnh: EDDV
Một trong những quan chức quyền lực nhất thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định rằng tiền điện tử không phải tiền và so sánh nó với các kế hoạch Ponzi.
Kế hoạch Ponzi là một hoạt động đầu tư lừa đảo hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp. Mô hình này sẽ mang lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư tham gia từ đầu bằng cách mời gọi thêm nhà đầu tư mới.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn chính sách tiền tệ và các tổ chức tài chính tại London trong ngày thứ Năm, ông Yves Mersch, thành viên ban điều hành ECB, tuyên bố: “Tiền điện tử không phải tiền và trong tương lai tới đây khả năng đó không thể xảy ra.”
Ông Mersch nhấn mạnh đến những yếu tố tốc độ giao dịch chậm, chi phí xử lý giao dịch cao, giá trị biến động bất thường. Tất cả những yếu tố này không phù hợp với định nghĩa về một loại tiền.
Những gì đang diễn ra với các loại tiền điện tử đang xảy ra theo kiểu vào lúc này nếu bạn mua một bó hoa tulip bằng tiền Bitcoin, thế nhưng cho đến khi giao dịch hoàn tất hoa đã héo rồi bởi tốc độ xử lý của hệ thống quá chậm chạp.
Ông khẳng định, theo quan điểm của riêng ông, các loại tiền điện tử hiện nay giống như đang tham gia trong một cuộc đua sắc đẹp trường phái Keynes cổ điển, nơi mà nhà đầu tư mua thứ tài sản mà họ tin rằng trong mắt người khác nó rất có giá trị.
Ông nhấn mạnh: “Và cũng giống như trong các kế hoạch lừa đảo Ponzi, những nhà đầu tư này hy vọng giá sẽ tăng, họ tin rằng họ sẽ kiếm được một nhà đầu tư khờ khạo hơn để bán trước khi thị trường sụp đổ. Trong những điều kiện này, tiền điện tử sẽ biến động mạnh về giá trị bởi đơn giản người ta không thể tin nó sẽ trở thành một công cụ giữ giá trị.”
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) gần đây cũng đều đã liên hệ Bitcoin với những kế hoạch lừa đảo kiểu Ponzi.
Theo ông Mersch, các loại tiền điện tử hiện nay có rất ít mối liên hệ với nền kinh tế thật, tuy nhiên ông cảnh báo về khả năng nếu thị trường này sụp đổ, tác động đến thị trường tài chính thực là có thật bởi ngày một nhiều tổ chức tài chính chính thống đang quan tâm đến loại tài sản này.
Ở hiện tại, một số nước châu Âu như Thụy Sỹ hay Gibratar đã trở thành nơi tập trung nhiều giao dịch tiền điện tử bởi khung chính sách quản lý không quá chặt chẽ.
Cũng theo ông Mersch, khi mà rủi ro lây lan khủng hoảng trên thị trường tài chính ăng cao, cần phải có những giải pháp quản lý trong khi chúng ta đang chờ kết quả của các cuộc bàn thảo của chính trị gia các nước thuộc G20.
Dù ông Mersch không đánh giá cao tiền điện tử thế nhưng ông lại đề cao sự phát triển của công nghệ: “Ban đầu, hệ thống đường sắt có rất nhiều lỗi nhưng cuối cùng nó lại trở thành một loại hình phương tiện giao thông phổ biến hiện nay. Từ London bạn có thể đi tàu trực tiếp đến nhiều khu vực của châu Âu. Đối với mạng Internet, Netscape và AltaVista từng là những tên tuổi hàng đầu trên mạng Internet. Giờ đây các trình duyệt web và công cụ tìm kiếm vẫn đang đi cùng với chúng ta, thế nhưng các tên tuổi nói trên không còn tồn tại. Điều tương tự có thể xảy ra với tiền điện tử. Sau này, những tên tuổi hiện tại có thể biến mất nhưng công nghệ sẽ vẫn tồn tại và phát triển.”
TRUNG MẾN