Kinh tế vĩ môThế giới
GDP các nước kinh tế mới nổi sẽ tăng thêm 3,7 tỷ USD nhờ công nghệ
Các nước đang phát triển sẽ giàu hơn rất nhiều nếu người dân quản lý được tiền bạc qua điện thoại.
Tài chính điện tử đã làm biến đổi các nước phát triển, nơi người dân coi việc thanh toán hóa đơn trên mạng, gửi tiền cho người thân và bạn bè qua điện thoại di động là hết sức bình thường. Nhờ thế họ không còn phải tốn thời gian giao dịch ở các ngân hàng nữa.
Tuy nhiên ở các nước đang phát triển, có đến 2 tỷ người (tức gần một nửa dân số trưởng thành ở các nước đang phát triển) không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản như tài khoản tiết kiệm hoặc tín dụng trực tuyến.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Toàn Cầu McKinsey, nếu những người này được tiếp cận với các dịch vụ tài chính bằng smartphone và máy tính thì GDP của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng thêm đến 3,7 tỷ USD vào năm 2025, ngang với mức tăng trưởng 6%.
6% tăng trưởng kinh tế sẽ là kết quả của năng suất lao động tăng lên nhờ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử thay vì tiền mặt, bên cạnh đó là những bản ghi điện tử chứ không phải giấy tờ như hiện nay. Phần còn lại của tăng trưởng GDP đến từ đầu tư khi các doanh nghiệp được cung cấp với một hệ thống tài chính chuẩn mực và các dịch vụ tín dụng trở nên dễ tiếp cận hơn.
Bản báo cáo (công bố vào 21/09/2016) của McKinsey cho rằng lợi ích của tài chính điện tử còn mở ra thêm một thị trường nữa cho ngành tài chính. Đưa các dịch vụ cơ bản này đến với nhiều người hơn sẽ giúp giảm bất công, nghèo đói và thậm chí cả tham nhũng. Nó còn có thể tạo ra đến 95 triệu việc làm mới.
“Phát triển kinh tế thường là một chặng đường dài, nhưng các giải pháp tài chính điện tử có thể đẩy nhanh quá trình này một cách đáng kể, và với chi phí khá hợp lý”, bản báo cáo cho biết. Các hình thức thanh toán trên điện thoại có thể làm giảm chi phí cho các dịch vụ tài chính đến 90%. Điều này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tiếp cận được nhóm khách hàng có thu nhập thấp và vẫn có lợi nhuận.
Hiện nay ở các nước đang phát triển, 90% các giao dịch thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Trong khi đó các giao dịch điện tử chiếm tỉ lệ đến 49% ở Mỹ và 55% ở Anh.
Theo nghiên cứu này, những nước nghèo nhất (như Ethiopia, Ấn Độ và Nigeria) có thể tăng GDP của mình đến 12% vì họ bắt đầu từ một nền tảng tài chính rất thấp. Các nước giàu hơn một chút như Trung Quốc và Brazil cũng có thể thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế thêm 5%.
McKinsey ước tính người Ấn Độ mất hơn 2 tỷ USD mỗi năm cho thời gian dành để đến ngân hàng và đi về.
Lợi ích cho các doanh nghiệp là rất lớn. Tài chính điện tử có thể tạo ra nền tảng để lấp đầy khoảng cách trị giá 2.200 tỷ USD giữa khoản tín dụng mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận, với nhu câu của họ. Nó còn có thể đưa vào hệ thống tài chính 4.200 tỷ USD tiền gửi, và một phần trong đó có thể được sử dụng để cho các doanh nghiệp ngay tại các quốc gia này vay.
Thanh toán và các bản ghi điện tử cũng giúp các chính phủ tiết kiệm được khoảng 110 tỷ USD mỗi năm vì tránh được thất thoát tiền dành cho các dự án chi tiêu công hoặc các khoản thuế khóa.
“Hàng tỷ người ở các nền kinh tế mới nổi đều sở hữu các thiết bị cầm tay có khả năng kết nối trực tiếp vào hệ thống thanh toán quốc gia”, bản báo cáo cho biết. “Họ đang chờ đợi các doanh nghiệp và chính phủ kết nối cơ sở hạ tầng và tạo ra các sản phẩm/dịch vụ họ cần”.
Theo Trí Thức Trẻ/Qz