CEO Thế giớiNhân vật

CEO của Dell và lý do từ bỏ đại chúng hóa doanh nghiệp

Chỉ vài tuần sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập khổng lồ của công ty mình với Tập đoàn công nghệ EMC, CEO Michael Dell cho biết, ông đang tiếp tục lên kế hoạch cho các thương vụ mua lại và đầu tư khác, tận dụng “sự tự do” để đặt cược dài hạn cho lợi ích của Công ty.

Theo CEO Michael Dell, Dell Technologies đang bước vào một giai đoạn mới, sau khi hai giao dịch lớn được thực hiện trong vài năm qua. Trong đó, giao dịch đầu tiên là vào cuối năm 2013, khi tỷ phú Micheal Dell quyết định mua lại cổ phần của cổ đông với giá 24,9 tỷ USD và đưa Dell trở lại làm công ty tư nhân, cho phép hãng này bán máy tính với giá thành rẻ hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Còn giao dịch thứ hai là vào hồi giữa tháng 9 năm nay, khi Dell Technologies công bố hoàn tất thương vụ mua lại EMC, hình thành nên công ty công nghệ tư nhân lớn nhất thế giới với giá trị 74 tỷ USD.

Thương vụ này đã góp phần tạo nên một đại gia đình doanh nghiệp độc đáo, với khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các tổ chức để xây dựng tương lai kỹ thuật số, đổi mới môi trường công nghệ thông tin và bảo vệ tài sản quan trọng nhất của khách hàng là thông tin.

Dell Technologies kết hợp giữa sức mạnh thị trường khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Dell với sức mạnh thị trường khách hàng doanh nghiệp lớn của EMC và trở thành một công ty hàng đầu thị trường trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong cuộc phỏng vấn trên Bloomberg vào hôm thứ Tư vừa qua, CEO Michael Dell tiết lộ rằng, Công ty sẽ tiếp tục triển khai thương vụ thứ ba, tuy nhiên từ chối cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch của mình. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Michael Dell cho rằng việc đưa Dell trở lại làm một công ty tư nhân mang tới nhiều cơ hội thuận lợi.

“Là một công ty tư nhân, tự nắm quyền kiểm soát, giới hạn về thời gian cho bạn sẽ rất khác. Bạn có thể bắt đầu định hình lại toàn bộ doanh nghiệp của mình. Bạn sẽ được phép tính toán chuyện kinh doanh trong nhiều năm, thậm chí là trong nhiều thập kỷ. Việc này cho phép bạn thay đổi cách thức đầu tư cũng như thay thế những hạng mục ưu tiên của mình”, Michael Dell phát biểu.

Bên cạnh đó, việc thoát khỏi áp lực từ các nhà đầu tư, không bị ràng buộc vào kết quả kinh doanh cũng sẽ đặt Dell Technologies ở vị thế tốt hơn so với các công ty cổ phần ở chỗ tránh được “cái bẫy” của chu kỳ quản lý theo từng quý, CEO Michael Dell giải thích.

Và trong khi không phải công bố cụ thể tình hình tài chính của mình với bất cứ ai, Dell cho biết, Công ty đã tận dụng nguồn lực tài chính để tập trung vào nghiên cứu và phát triển, nộp nhiều bằng sáng chế hơn bao giờ hết với tổng số lên tới 8.000 bằng sáng chế.

Giống như nhiều tỷ phú khác của làng công nghệ thế giới, Micheal Dell từng bỏ dở việc học tại trường Đại học Texas để thành lập Tập đoàn máy tính Dell – tập đoàn công nghệ phát triển nhanh nhất Hoa Kỳ. Tập đoàn Máy tính Dell ra đời năm 1984 với số vốn ban đầu 1.000 USD và một ý tưởng chưa từng có trong ngành kinh doanh máy tính, đó là bỏ qua khâu trung gian, bán hàng trực tiếp cho cá nhân có nhu cầu. Ngay sau đó, Dell đã trở thành một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ với doanh số 6 triệu USD trong năm hoạt động đầu tiên.

Vào năm 1988, khi mới chỉ 23 tuổi, Michael Dell đã quyết định phát hành cổ phiếu lần đầu cho Dell và thu về 30 triệu USD. Cũng nhờ đó, tổng giá trị tài sản của Dell tăng thêm 18 triệu USD. Sự phát triển nhanh chóng của hãng máy tính Dell đã đưa Michal Dell trở thành tỷ phú.

Năm 1992, Dell đạt doanh thu 2 tỷ USD. Đây cũng là năm mà Michael Dell trở thành CEO trẻ nhất thế giới khi đưa công ty của mình lọt vào danh sách Fortune 500. Tuy nhiên, đến năm 2013, Michael Dell đã chi 24,9 tỷ USD để đưa Tập đoàn Dell trở lại làm công ty tư nhân.

Kể từ đó đến nay, có thể thấy Dell vẫn đang thực hiện đúng hướng phát triển của mình sau khi trở thành công ty tư nhân. Tương lai đầy triển vọng đã được dự đoán trước, nhưng bên cạnh đó, hãng cũng cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như thanh toán nợ từ các thương vụ “khủng”, lường trước và đối phó với sự phát triển của các đối thủ như HP, IBM, Cisco và cả Huawei.

Mai Thảo (Theo báo chí nươc ngoài)/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close