CEO Thế giớiNhân vật

Jeff Holden, người hiện thực hóa chiến lược “taxi bay” của Uber

Tại một hội nghị được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, Jeff Holden, Giám đốc Sản phẩm của Uber, đã tiết lộ với báo chí tầm nhìn đầy tham vọng về mạng lưới “ô tô bay theo yêu cầu” của Uber, nằm trong dự án xây dựng hệ thống máy bay nhằm giải quyết vấn đề tắc đường trong thành phố mà hãng này đang nghiên cứu.

Theo đó, trong bản kế hoạch chi tiết dài tới 97 trang của mình, Jeff Holden đã chỉ ra những lợi ích, cũng như thách thức của việc tạo ra dịch vụ hàng không theo yêu cầu.

Chiếc “ô tô bay” của Uber sẽ được sử dụng công nghệ VTOL (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng) để chuyên chở khách hàng trong các chuyến bay ngắn, giúp họ tránh được việc phải tham gia vào hệ thống giao thông tắc nghẽn trên mặt đất. Theo Jeff Holden, loại máy bay VTOL này có cánh cố định, dễ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên nóc các tòa nhà văn phòng, không cần đến đường băng.

“Hàng không theo yêu cầu có khả năng cải thiện tình trạng lưu thông của đô thị, giúp người dân tiết kiệm được thời gian di chuyển”, Holden nói và cho biết: “Một mạng lưới máy bay nhỏ, chạy bằng điện và có thể cất cánh/hạ cánh theo chiều dọc sẽ giúp việc vận chuyển trở nên hiệu quả giữa ngoại ô và thành phố, thậm chí chỉ ở trong thành phố”.

Khác với máy bay trực thăng, những chiếc máy bay VTOL của Uber sẽ ít phát ra tiếng ồn hơn, và sẽ “sử dụng công nghệ tự động để làm giảm đáng kể lỗi điều hành”, Holden cho biết.

Khó khăn lớn của hệ giống giao thông trên không này, đó là cần có sự quản lý chặt chẽ để tránh tai nạn va chạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế, một chiếc máy bay tự lái còn được đánh giá là an toàn hơn so với một chiếc ô tô tự lái trên mặt đất. Lý do là bởi, hầu hết máy bay thương mại hiện nay đều được điều khiển bởi một thiết bị lái tự động trong phần lớn thời gian bay, ngoài ra còn có hệ thống kiểm soát không lưu, các cơ quan chính phủ có thể theo dõi đường bay để đảm bảo máy bay tự lái không bị va chạm. Trong khi đó, nguy cơ va chạm xảy ra trên đường phố lại lớn hơn nhiều đối với ô tô tự lái.

“Những chiếc máy bay này sẽ giúp mọi người có thêm tùy chọn để đi lại trong thành phố. Dự án sẽ bắt đầu được thương mại hóa trong khoảng 1 thập kỷ tới”, Holden tuyên bố. Khi đó, việc di chuyển ở những thành phố đông dân sẽ nhanh hơn rất nhiều, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Điều này hoàn toàn có thể thành sự thật, nếu Uber giữ đúng phương châm “nói được, làm được” như nhiều dự án trước đây.

Hồi đầu tháng 9, Uber đã khiến cả thế giới công nghệ phải trầm trồ khi ra mắt chiếc xe tự lái đầu tiên của mình tại thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania (Mỹ), tức chỉ vài năm sau khi CEO Travis Kalanick đề cập tới khả năng ứng dụng công nghệ này. Và Giám đốc sản phẩm Jeff Holden chính là nhân vật chủ đạo trong việc triển khai dự án. Các sản phẩm tự lái của hãng Ford đã được Uber lựa chọn để tham gia một chương trình thử nghiệm. Những chiếc xe này được tích hợp các tính năng cảm biến, camera, radar, hệ thống định vị GPS…, cho phép tự xử lý các tình huống.

Là một chuyên gia công nghệ lão luyện, từng điều hành chuỗi cung ứng của Amazon và Groupon, Jeff Holden nói rằng: “Mảng kinh doanh vận tải của Uber vẫn còn rất non trẻ. CEO Kalanick không vội vàng khoe khoang những thứ chưa xảy ra. Anh ấy chỉ muốn nói về những việc đang thực sự được tiến hành”.

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển đang ngày càng trở nên khốc liệt. Các công ty xuất hiện trên thị trường ngày càng đa dạng, từ những cái tên mới như Instacart, Deliv, cho đến những gã khổng lồ như Amazon, eBay, Google. Bên cạnh đó, Lyft – đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong thị trường xe chia sẻ của Uber tại Mỹ – cũng đang triển khai dịch vụ vận chuyển nhanh của riêng họ. Ngay cả với ý tưởng triển khai dịch vụ hàng không theo yêu cầu, Uber cũng không phải là đơn vị duy nhất muốn thực hiện. Gần đây, Airbus cũng tiết lộ kế hoạch khai thác các máy bay cỡ nhỏ, dùng cho việc đi lại và vận chuyển cá nhân được kết nối bởi một ứng dụng từ smartphone.

Rõ ràng, nếu muốn đứng vững và vươn xa hơn nữa trong thị trường vận tải đầy tính cạnh tranh, Uber sẽ luôn cần đến những ý tưởng táo bạo và tầm nhìn xa trông rộng. Nếu như bài toán kinh doanh cần sự linh hoạt của CEO Travis Kalanick, thì những đột phá về kỹ thuật chính là thách thức lớn đối với cương vị giám đốc sản phẩm của Jeff Holden.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close