Sách haySống

Khái lược văn minh luận: nền tảng lý luận để Nhật thoát nghèo thành cường quốc

Fukuzawa Yukichi – nhà tư tưởng khai sáng Nhật Bản thời kỳ Duy tân – vạch ra những điều quan trọng để dân tộc Nhật vươn lên hàng cường quốc.

Khái lược văn minh luận: nền tảng lý luận để Nhật thoát nghèo thành cường quốc

Ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân

Thoát Á, Phúc Ông tự truyện, Khái lược văn minh luận, Khuyến học, Minh Trị Duy tân, Nhật Bản chuyển mình… là những từ khóa liên quan tới một người được coi là “người Cha” của Nhật Bản hiện đại – Fukuzawa Yukichi. Ông là nhà tư tưởng của công cuộc Duy tân Minh Trị, người suốt cuộc đời viết sách, dịch sách, làm báo, lập trường dạy học chỉ nhằm tập trung khai sáng đất nước và con người Nhật Bản, hướng tới văn minh phương Tây.

Khái lược văn minh luận là cuốn sách quan trọng của Fukuzawa Yukichi. Tác phẩm được xem là nền tảng làm thay đổi thế giới quan của người Nhật, lúc đó vẫn còn tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo. Sách có 10 chương, được chia làm sáu quyển kèm theo hai phần phụ lục nhỏ với văn phong sáng rõ, giản dị.

Từ chương một đến chương ba, sách bàn về cơ sở lý luận của việc thiết lập cho phương pháp tiến tới văn minh, đặt nền tảng cho việc hiểu về cách tiếp cận thế giới văn minh cũng như xác định lấy văn minh làm trọng tâm, mục tiêu phấn đấu. Tác giả bàn về bản chất của văn minh qua hai khía cạnh: hình thức bên ngoài dễ thấy, bản chất bên trong thì không thể chỉ ra rõ ràng.

Chương bốn và năm bàn sâu về tri thức và đạo đức của người dân một nước, mối tương quan tới môi trường của một nước, và mỗi cá nhân trong đất nước đó. Nếu nước đó là văn minh, tiến bộ thì dù người dân có chút khiếm khuyết thiệt thòi về trí lực, trí tuệ vẫn có thể phát triển tối đa khả năng của mình và được hưởng lợi từ nền văn minh đó. Ngược lại, dù người có trí lực, đạo đức vẹn toàn nhưng sinh ra ở tại một nước chưa phát triển hay đang phát triển, thế nào cũng có những hạn chế nhất định trong việc bộc lộ hết khả năng bản thân. Điều này cho tới ngày nay vẫn còn rất đúng đắn và thực tiễn.

Ở chương sáu và bảy, tác giả bàn về tri (tri thức) và đức (đạo đức) và mối quan hệ của chúng với sự phát triển nhân cách, trí lực của một người. Một người có trí tuệ siêu việt nhưng không có đức độ, khó trở thành một người giỏi giang có thể giúp mình, giúp đời, và đôi khi còn ngược lại. Cũng như thế, một người có trí lực dồi dào trong việc nghiên cứu kinh bang tế thế, đi rao giảng khắp thiên hạ nhưng lại không thể nào lo liệu ổn thỏa cho gia đình nhỏ của mình, cũng không thể nào hoàn hảo được. Những ví dụ điển hình kiểu như vậy trong chương này rất nhiều và đa dạng. Từ phân tích về đức, trí mà tác giả bày tỏ những bàn luận về Thần, Nho, Đạo, Phật, Chúa… cũng như cách nhìn nhận của ông về một mẫu người có thể đóng góp công trạng để hoàn thành mục tiêu cho cuộc đời mình và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

khai-luoc-van-minh-luan-02-3177-15248248

Trong chương tám và chín, tác giả bàn luận và nhận định về nguồn gốc văn minh phương Tây và Nhật Bản. Ở phần nhận định về văn minh phương Tây, tác giả nêu ra sự ảnh hưởng của Giáo hội Thiên chúa giáo với xã hội phương Tây, nguồn gốc của chính quyền dân chủ, chế độ quân chủ, tinh thần độc lập tự do của phương Tây, tới những cuộc cải cách tôn giáo và những dấu hiệu của văn minh… Phần này là tóm tắt của sách Lịch sử văn minh châu Âu của Francois Guizot được xuất bản tại Nhật Bản vào năm 1829, và tác giả đọc ấn bản năm 1842.

Phần nhận định về nguồn gốc văn minh Nhật Bản, ngoài việc nêu ra cơ bản những đặc tính của văn minh Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi còn nêu bật những khác biệt to lớn giữa hai nền văn minh này, từ đó chỉ ra những điểm yếu của văn minh Nhật Bản khi muốn phát triển.

Tác giả nêu ra một nhận định về Nhật Bản đáng quan tâm, đó là: “Học vấn không có quyền lực mà chỉ tiếp tay cho chuyên chế”, tức là học vấn chỉ dành cho một tầng lớp trên, dân chúng không được tiếp cận. Ngoài ra, phương Tây chú trọng học vấn ở mặt thực nghiệm và phổ biến cho toàn dân từ đó khiến cả xã hội được phát triển. Ngược lại, học vấn ở phương Đông chỉ dùng cho chính quyền, cho vua quan, tầng lớp trên. Thế nên, tuy Nhật Bản giàu có về tài nguyên, sản vật, người dân lại thiếu tri thức khôn ngoan để quản lý và khai thác tài nguyên đó.

Từ những nhận định trên, tác giả kết thúc cuốn sách bằng việc bàn luận về nền độc lập của dân tộc Nhật Bản. Ai ai cũng lo lắng cho vận mệnh của đất nước nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu cả trong bối cảnh các nước phương Tây hùng mạnh, và các nước xung quanh khu vực của Nhật đều bị nước ngoài lăm le, đe dọa và đã bị chiếm đóng như Ấn Độ, Trung Quốc…

Để có được độc lập, con đường đi không phải là co vào vỏ ốc, mà là vượt qua gian khó giao tế được với nước ngoài, mở rộng tri thức, hiểu biết, phát triển giao thương với họ, từ đó xây dựng độc lập bằng cách tiến lên văn minh.

Muốn tác phẩm của mình phổ biến rộng rãi, Fukuzawa dùng văn phong sáng rõ và giản dị nhưng không kém phần sâu sắc. Ngoài ra, sách còn có hai phần phụ lục, bài Thoát Á luậncủa Fukuzawa và Những lời dạy thường ngày của ông dành cho các con.

Thoát Á luận do Nguyễn Đức Hùng dịch từ năm 2005, cơ bản nêu lên sự khẳng định của Fukuzawa rằng con sóng văn minh phương Tây tràn đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới và Nhật Bản nên tiếp nhận cũng như lợi dụng điều này để phát triển. Từ quan điểm này, Fukuzawa chủ trương “Thoát Á”. Sau khi nêu ra vị trí địa lý của Nhật Bản ở gần Trung Quốc, Triều Tiên, chịu ảnh hưởng của nền Nho học trì trệ, kém phát triển, dẫn tới việc Nhật Bản kẹp giữa hai nước láng giềng đó. Về cơ bản, ông nhận định nếu Nhật Bản không tìm cách vượt lên, sẽ cùng chung số phận cay đắng bị chia năm xẻ bảy như hai nước trên. Fukuzawa cho rằng tốt nhất Nhật Bản nên tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây.

Phụ lục thứ hai là những lời dạy của Fukuzawa dành cho các con, gồm chín điều ghi nhớ và 15 lời dạy. Phần này rất ngắn nhưng cho thấy Fukuzawa coi trọng giáo dục tư chất đạo đức trong sáng, lành mạnh, coi trọng sự khác biệt, đề cao việc đọc sách, tự lực, tự học, tự vươn lên cho các con mình. Những lời dạy còn hé lộ một cốt cách khiêm cung, giản dị với trái tim trong sáng, thương yêu gia đình và mọi người, trọng các giá trị gia đình. Fukuzawa là một người rất Nhật Bản dù cả đời hướng tới và vận động cả nước Nhật hướng tới văn minh phương Tây.

Sau 150 năm gạn đục khơi trong và phát triển, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, vượt xa những nước láng giềng Á châu về mức độ phát triển cả về kinh tế, xã hội và văn minh. Tinh thần ham học hỏi điều mới lạ và tốt đẹp của thế giới vẫn không ngừng ở dân tộc Nhật Bản. Điều Fukuzawa mong muốn – Nhật Bản sẽ hướng tới để trở thành một quốc gia văn minh – đã thành hiện thực từ lâu.

Hơn thế nữa, Nhật Bản không chỉ học hỏi thế giới mà còn quay trở lại gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời của họ, tiếp thu văn minh nhân loại nhưng cũng đồng thời gìn giữ và phát triển tiếp những giá trị truyền thống kiến tạo nên khí chất, tinh thần người Nhật hiện đại.

(Theo Vnexpress)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close