Kinh doanh quốc tếThế giới

Hàng “Made in Japan” lên ngôi khi công ty Nhật rời Trung Quốc, Đông Nam Á?

Đã từng có thời doanh nghiệp Nhật đua nhau chuyển sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm chi phí, xu thế đó nay đang đảo ngược khi mức lương lao động tại châu Á tăng quá nhanh.

Hàng “Made in Japan” lên ngôi khi công ty Nhật rời Trung Quốc, Đông Nam Á?Ảnh: Inside Asia

Trong bối cảnh đồng yen giảm giá và mức lương lao động tại châu Á nhìn chung tăng cao, các doanh nghiệp Nhật đang dần chuyển hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở về Nhật, theo khẳng định của bài báo mới được Nikkei đăng tải.

Trong quý Một vừa qua, giá trị hàng hóa nhập khẩu ngược (hàng hóa mà các công ty Nhật nhập về từ chi nhánh ở nước ngoài) giảm 13% xuống 2,59 nghìn tỷ yên (23,7 tỷ USD), thấp hơn rất nhiều nếu so với mức đỉnh vào quý Ba năm 2015, theo số liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật.

Ngoài ra, thị trường Nhật cũng cho thấy họ đang giảm phụ thuộc vào hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, tỷ lệ tiêu dùng hàng hóa loại này giảm khoảng 5% trong tháng Sáu vừa qua.

Ngày một nhiều công ty Nhật chuyển sản xuất về các nhà máy tại nội địa để giúp sản phẩm của họ có tính cạnh tranh cao hơn, ngoài ra cũng bởi chi phí lao động ở nước ngoài tăng cao khiến việc sản xuất ở nước ngoài không còn nhiều sự hấp dẫn như trước.

Xu thế trên không cho thấy rằng các công ty Nhật có nhiều hoạt động ở nước ngoài đang để mất thị trường Nhật mà nó chỉ nói lên rằng ngày một nhiều công ty Nhật đang co hẹp bớt hoạt động sản xuất ở nước ngoài bởi mức lương người lao động châu Á tăng nhanh.

Số liệu từ Hiệp hội xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) cho thấy mức lương tại các nhà máy ở nhiều thành phố của Trung Quốc đã tăng 20,30% trong khoảng năm năm gần đây. Tất yếu, giá trị hàng hóa nhập khẩu ngược từ Trung Quốc trong quý Một năm nay đạt 1,91 nghìn tỷ yên, giảm 18% so với trước đó một năm rưỡi.

Tỷ lệ hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc và được tiêu thụ trên thị trường Nhật giảm xuống mức 42% từ mức 50% của trước đó năm năm.

Mức lương lao động đăng tăng nhanh khắp châu Á. Tại Malaysia, nhiều nhóm công đoàn đang vận động để gây sức ép tăng lương tối thiểu thêm đến một nửa vào năm sau.

Phần lớn những hàng hóa mà các công ty Nhật giảm nhập khẩu ngược lại thị trường Nhật trong thời gian qua tập trung vào nhóm sản phẩm như thiết bị điện tử hay thiết bị gia dụng.

Cuối năm 2015, hãng sản xuất hàng điện tử JVC Kenwood đã chuyển việc sản xuất một số thiết bị định vị phục vụ cho thị trường Nhật từ các nhà máy tại Indonesia và Trung Quốc sang nhà máy sản xuất tại tỉnh Nagano, Nhật. Trước đó, gần như tất cả các thiết bị định vị của hãng được sản xuất ở nước ngoài.

Chuyển hoạt động sản xuất về nước, các doanh nghiệp Nhật tránh được biến động về tỷ giá. Trong năm 2016, hãng sản xuất các sản phẩm điện tử Canon sản xuất khoảng 56% sản phẩm tại Nhật. Hãng có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên mức 60% vào trong thời gian tới, trong đó hoạt động sản xuất máy ảnh sẽ được tập trung hơn vào nhà máy ở tỉnh Oita.

Xu thế này cũng đang dần trở nên phổ biến với các công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Một đại diện của công ty chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng giá rẻ vốn rất nổi tiếng của Nhật, Daiso, cho biết: “Cho đến nay, phần lớn các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở nước ngoài, thế nhưng chúng tôi cũng đang tính chuyển bớt hoạt động sản xuất về nước.”

Còn công ty sản xuất hàng tiêu dùng Iris Ohyama đang đầu tư 10 tỷ yen để mở nhà máy mới bắt đầu từ tháng Một năm tới bởi công ty dự báo nhu cầu sẽ tăng cao trước thêm Olympic Tokyo 2020.

Casio Computers cũng đã lên kế hoạch đầu tư mở nhà máy sản xuất đồng hồ đeo tay tại tỉnh Yamagata, tuy nhiên vẫn sẽ cử các nhân sự cấp quản lý đi khắp châu Á để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhìn chung, ngày một nhiều doanh nghiệp Nhật quan tâm đến chuyển hoạt động sản xuất quay trở lại Nhật để tối ưu hóa các cơ hội phát triển dựa trên các tính toán hợp lý về chi phí.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close