CEO ViệtNhân vật

Doanh nhân Lê Anh: Tôi có nhiều may mắn trong đời

Hãng xe BMW hiện có 172 huấn luyện viên trên toàn thế giới, trong đó số người ở châu Á chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện có hai người ở Malaysia, một người ở Singapore và Lê Anh là huấn luyện viên duy nhất ở Việt Nam. Vì vậy, người ta thường biết đến anh là đại diện của một hãng xe nổi tiếng Đức hơn là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực xây dựng.

Gặp Lê Anh tại Triển lãm ôtô xe máy Việt Nam năm 2016 mới đây, trông anh thật tự tin khi thuyết trình trước đám đông cũng như khi trò chuyện với những đối tác nước ngoài. Cách nói chuyện hài hước của anh thường khiến người đối diện bật cười thích thú. Anh cho biết:

Trước đây, tôi là một người rụt rè, kém tự tin và không thể nói chuyện trước nhiều người. Còn nhớ trong buổi tiệc cuối năm, tôi không thể phát biểu được gì trước toàn công ty. Nhân viên còn trêu là tôi uống… nhầm thuốc cười nên chỉ biết đứng cười và gãi đầu gãi tai như “gà mắc tóc”.

Tôi nhận ra điểm yếu của mình và quyết tâm thay đổi. Cứ mỗi cuối tuần, tôi tập họp nhân viên lại và bắt họ ngồi nghe tôi nói. Có lẽ ban đầu họ cũng thấy chán nhưng dần dần, tôi thấy những câu chuyện của mình bắt đầu thu hút nhân viên. Sau đó, nhiều người còn khẳng định rằng tôi có khả năng thiên bẩm vì tôi có khả năng thuyết phục người khác bằng lối nói chuyện pha trò mà không chuẩn bị trước. Câu chuyện mà tôi mới thuyết trình cho hãng BMW trong triển lãm lần này cũng vậy. Tôi chỉ là một “người ngoại đạo” trong ngành xe hơi, cũng không phải người làm lâu năm của hãng nhưng tôi vẫn nói chuyện rất “sung” dù chỉ kịp đọc kịch bản trước đó khoảng 30 phút.

* Khái niệm về huấn luyện viên của một hãng xe ở Việt Nam còn khá mới, xin anh nói rõ thêm, huấn luyện viên có giống như thầy dạy lái xe không?

– Đã có rất nhiều người hỏi tôi câu này. Hiện chỉ có các hãng xe nổi tiếng của Đức như Mercedes, BMW, Porsche… mới có huấn luyện viên chuyên nghiệp. Họ là những chuyên gia lái xe được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp về kiến thức về thương hiệu, các tính năng của xe và phải thật điêu luyện trong các kỹ thuật điều khiển xe, khó nhất là kỹ thuật drift (cố tình làm trượt bánh sau trong khi vẫn điều khiển xe theo hướng mong muốn ở tốc độ cao).

Nhiều người cho rằng mình lái xe rất hay, không cần đến huấn luyện viên. Thực tế, thầy dạy lái đôi khi còn bị sai về kỹ thuật. Huấn luyện viên không chỉ hướng dẫn các kỹ thuật đúng mà còn sẽ giúp người lái biết cách xử lý khi xảy ra sự cố bất ngờ, chẳng hạn như khi chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ, hay việc chỉnh ghế đúng cách để bảo vệ lưng, đầu, cổ khi xảy ra tai nạn… Huấn luyện viên thường là những người có nhiều năm làm việc tại hãng. Tôi là một trường hợp hiếm có vì không làm trong ngành xe hơi mà kiến thức thương hiệu cũng rất hạn chế.

* Vậy anh đã làm thế nào để có được danh hiệu này?

– Để có danh hiệu này tôi đã vượt nhiều thử thách tại khóa huấn luyện ở Đức vào tháng 5 năm nay, thậm chí có lần nản chí đến muốn bỏ cuộc. Năm ngoái, tôi là người chiến thắng trong hai cuộc đua của hãng BMW tại Việt Nam và Indonesia. Sau lần trò chuyện với người đứng đầu dòng xe MINI Đông Nam Á, tôi đã có được cơ hội thử sức với khóa huấn luyện viên.

Khi đi tôi tự tin bao nhiêu thì thực tế làm tôi thất vọng bấy nhiêu. Học viên của khóa huấn luyện có chín người, họ từng tham gia chế tạo xe BMW, các tay đua vô địch giải ở châu Âu hoặc không dưới mười năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, chỉ có tôi là không biết gì về ngành xe.

Năm ngoái, tôi là người lái xe nhanh nhất trong hai cuộc đua tại Việt Nam và Indonesia. Nhưng khi lái cùng các tay đua người Đức, tôi bị bỏ lại ở một khoảng cách khá xa. Tôi không khỏi hoa mắt khi phải đọc và nhớ cả một “rừng” thông số kỹ thuật xe. Mọi người đều không hiểu gì khi tôi thuyết trình. Tệ hơn, tôi còn chịu sự kỳ thị khắc nghiệt từ những học viên người Đức. Chỉ sau hai ngày đầu, tôi chán nản đến mức không muốn học tiếp. Nhưng lúc này, tôi như một người đã lỡ leo lên lưng cọp, không thể leo xuống được nữa, chỉ còn cách phải bước tiếp.

Thật may, có một người bạn Đức đã giúp tôi khá nhiệt tình. Chúng tôi tập hợp thành một nhóm nhỏ để tôi tập thuyết trình và những người khác sửa từng lỗi nhỏ. Nhờ vậy mà tôi tiến bộ từng ngày. Cuối cùng, tôi đã làm cả lớp bất ngờ với cách thuyết trình sôi nổi và hài hước của mình. Đến nỗi, thầy giáo nói: “Anh không phải là người nói tiếng Anh chuẩn nhất và anh lái xe cũng không giỏi nhưng cách thuyết trình thì xuất sắc nhất”.

* Phần thuyết trình đã qua, còn những phần khác thì anh đã vượt qua bằng cách nào?

– Thì cứ… thi thôi. Tôi có trí nhớ rất tốt, thường có thể nhớ số điện thoại của một người chỉ sau hai lần gọi. Tôi hay hình dung mỗi người gắn với một con số nên khi nhắc tên người đó, số điện thoại sẽ hiện ra. Nhờ trí nhớ tốt và biết cách chọn lọc nội dung chính nên tôi có thể “nạp” hết lý thuyết cần thuộc sau vài lần đọc. Tôi còn được trời thương nên thi đâu đậu đó dù không chăm học. Tôi từng thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, thi đạt bằng C tiếng Anh dù không ôn luyện bao nhiêu.

* Đến lúc nào thì anh mới thôi ham chơi?

– Có lẽ là khi bắt đầu đi làm cho Công ty ATC Project (Singapore). Tôi còn nhớ vị giám đốc người Singapore đã dành cả tiếng đồng hồ để phỏng vấn các ứng viên khác còn với cậu sinh viên chưa có kinh nghiệm và tiếng Anh bập bẹ như tôi thì chỉ khoảng ba phút. Vậy mà tôi đậu! Sau này, khi nói về lý do tôi được chọn, ông nói rằng nhìn tôi có tố chất, chịu học hỏi và có thể thành công.

Tôi mang ơn vị giám đốc này vì ông đã dạy cho tôi nhiều bài học quý về nghề nghiệp lẫn cách sống. Dù tôi chỉ là một cậu bé ít tuổi và thiếu kinh nghiệm, ông vẫn cho tôi theo hầu hết các cuộc họp đối tác quan trọng của mình. Với trình độ tiếng Anh hạn hẹp thì tôi trong các cuộc họp như “vịt nghe sấm”. Rồi ông bắt tôi phải làm và đọc biên bản sau mỗi cuộc họp, một chuyện có vẻ ngoài khả năng của tôi.

Mỗi lần đi họp với tôi như một cực hình, vừa nghe đoán vừa tốc ký bằng cả tiếng Anh lẫn phiên âm tiếng Việt. Nhưng ông là một người sếp chịu khó và kiên nhẫn, sẵn sàng bỏ một tiếng mỗi ngày để chỉnh sửa biên bản họp tôi làm. Cứ như thế, bỗng một ngày tôi đã nghe được toàn bộ cuộc họp bằng tiếng Anh. Điều khó tin này đã trở thành hiện thực sau một tháng căng thẳng!

Tôi còn nhớ, khi kết thúc khóa huấn luyện viên của hãng BMW, thầy giáo nói với tôi: “Trong mấy chục năm đào tạo huấn luyện viên tôi chưa từng gặp trường hợp nào như anh. Ban đầu anh không biết gì và tôi nghĩ anh không thể hoàn thành khóa học. Thế nhưng cuối cùng anh đã làm được rất tốt”. Cuộc đời tuy không phải lúc nào cũng màu hồng nhưng tôi tin cứ sống tử tế rồi điều tốt đẹp sẽ đến. Tôi luôn có xuất phát điểm rất thấp nhưng lại có những kết quả khả quan vào phút chót.

* Có vẻ như câu chuyện của cuộc đời anh rất giống Adam Khoo, người triệu phú trẻ tuổi nhất Singapore xuất thân từ một cậu bé lười học…

– Đúng vậy. Có vẻ sự so sánh này hơi khập khiễng vì tôi chưa thành công được như Adam Khoo, tuy nhiên khi đọc cuốn sách về ông, tôi thấy giữa chúng tôi có những nét tương đồng về xuất phát điểm. Khi 12 tuổi, Adam Khoo từng bị coi là một đứa trẻ lười biếng, chậm tiến và không có hy vọng.

Ở trường tiểu học, cậu bé ghét đọc sách, chỉ thích chơi game và xem tivi nên thường xuyên bị điểm xấu. Vào cấp 2, Adam phải vào học ở những trường tệ nhất và thường xuyên bị giáo viên than phiền. Nhưng cuối cùng, ông tìm thấy triết lý “Điều duy nhất kìm hãm chúng ta là những niềm tin sai lầm và thái độ tiêu cực”. Từ đó, ông liên tục đặt ra mục tiêu và đạt được những mục tiêu đó, từ một điểm A cho đến mục tiêu trở thành một trong 25 triệu phú dưới 40 tuổi của Singapore…

Tôi cũng vậy, từ nhỏ đã thích chơi hơn đi học. Nhưng khi đã đặt ra mục tiêu thì tôi sẽ nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu đó. Tôi thường xuyên “cúp học” nhưng vẫn tốt nghiệp đại học loại ưu, hoặc vượt qua khóa huấn luyện viên vô cùng khó khăn mà ngay cả nhân viên lâu năm của hãng phải thi ba lần mới đậu. Cuộc sống vốn có nhiều điều thú vị và mỗi con người đều có những tố chất để có thể phát triển và khẳng định mình.

Vấn đề là chúng ta chỉ nên làm những việc mà mình có thể làm tốt. Tôi có thể làm tốt công việc quản lý nhưng việc giấy tờ, hồ sơ không giỏi. Tôi thường làm mất cây bút vì ít quan tâm mấy chuyện chữ nghĩa. Thậm chí tôi quyết tâm mua một cây bút hiệu Mont Blanc để tự nhắc mình nhưng cũng không giữ được bút. Thế nên tôi chọn cách tìm một người giỏi về hồ sơ để giúp mình. Và điều quan trọng là tìm đúng nơi, đúng chỗ để có thể phát huy hết tố chất của bản thân.

* Theo anh thì trong môi trường nào chúng ta có thể dễ dàng phát huy tố chất của mình?

– Theo tôi là hãy làm việc cho những giám đốc có nhân cách tốt. Một người sếp tốt thường không tạo khoảng cách với nhân viên và không bo bo nghĩ về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Họ không giấu nghề mà tìm cách làm cho nhân viên tốt lên và tạo cơ hội cho cấp dưới phát triển. Thời mới về làm cho CBC, anh giám đốc luôn dặn tôi là người quản lý giỏi phải biết sắp xếp nhân viên của mình vào đúng thế mạnh để họ phát huy năng lực, xây dựng thương hiệu cá nhân vì đây là yếu tố làm nên thành công dù ở bất cứ vị trí nào. Nhờ có thương hiệu cá nhân nên tôi đã ký được hợp đồng trị giá 100 tỉ đồng khi còn là một nhân viên kinh doanh. Đối tác người Ấn Độ nói rằng ông quyết định mua dự án vì tin tưởng tôi chứ không cần biết đến doanh nghiệp làm dự án. Câu nói này khiến tôi vô cùng cảm kích!

* Anh đã xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?

– Bằng sự trung thực. Sai lầm của hầu hết nhân viên kinh doanh hiện nay là chỉ chăm chăm thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, thậm chí cả khi sản phẩm bị lỗi. Tôi thì luôn nói rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm của sản phẩm, của doanh nghiệp để khách hàng quyết định lựa chọn. Tôi tự rèn giũa khả năng nói chuyện của mình từ “thô” đến mượt mà, trau chuốt hơn nhưng không bao giờ mất đi tính chân thật.

Còn nhớ trong sáu tháng về làm việc cho Công ty CBC, tôi không bán được một dự án nào. Tôi đã chán nản đến muốn xin nghỉ việc. Anh giám đốc ôn tồn bảo: “Việc bán được dự án không quan trọng. Hãy ở lại và tiếp tục cố gắng, anh tin em là người tốt và có tiềm năng”. Kết quả là chỉ trong mấy tháng cuối, tôi đã bán được đến sáu dự án, chủ yếu là nhờ được khách hàng… thương vì sự nhiệt tình trong công việc.

* Nhiều người cho rằng bàn chuyện làm ăn trên bàn nhậu có vẻ dễ hơn, anh thấy đúng không?

– Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, muốn ký được hợp đồng cũng không nhất thiết phải biết nhậu. Tôi thường chỉ uống một vài lon bia, hiếm khi uống rượu và quan tâm đến chuyện giữ gìn sức khỏe. Dù làm trong ngành xây dựng hay bất cứ ngành nào thì tôi cũng không lạm dụng rượu bia trong việc tạo mối quan hệ làm ăn.

* Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, cha mẹ là những doanh nhân thành đạt, thật lạ là anh lại phải tự kiếm tiền từ những năm 16, 17 tuổi?

– Tôi may mắn được cha mẹ cho tôi cơ hội tự lập, tự kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhờ vậy mà tôi biết quý giá trị đồng tiền. Tôi mê xe hơi từ nhỏ, nhưng muốn có tiền mua xe, “độ” xe, tôi phải tự kiếm lấy. Mẹ tôi là một doanh nhân giỏi nên có lẽ tôi cũng được thừa hưởng một phần kinh nghiệm thương trường. Từ những năm học cấp 3, mẹ tôi đã cho con trai cơ hội nói về kế hoạch kiếm tiền bằng việc mua bán nhà đất. Nếu kế hoạch khả thi, mẹ tôi sẵn sàng cho mượn tiền để đầu tư còn nếu không, bà sẽ nói là mẹ… hết tiền rồi!

Việc cha mẹ chấp nhận để con thử sức là một yếu tố giúp con thành công vì chỉ khi va chạm thực tế thì người trẻ mới dễ trưởng thành từ khó khăn, thất bại. Cha mẹ tôi hầu như không ép buộc con cái phải làm gì theo ý mình. Đó là bài học cho tôi hôm nay. Tôi không cố bắt con viết chữ đẹp theo lời chê trách của cô giáo mà chỉ tạo môi trường để con phát huy sự nhanh trí, nhớ lâu và khả năng ngoại ngữ.

Nếu lạm bàn một chút về giáo dục thì hiện nay, nhà trường chưa có sự định hướng rõ ràng cho sinh viên. Muốn thành công trong xã hội thì các kỹ năng mềm là quan trọng nhất, nhưng yếu tố này lại không có trường lớp nào dạy. Tương lai của sinh viên khi ra trường chỉ là “hên xui”. Vì vậy, khi có thời gian, tôi hay tham gia một cách hào hứng những buổi nói chuyện về sự cải tiến, đổi mới (innovation) cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

* Những buổi nói chuyện này liệu có giải quyết được vấn đề khi mà sinh viên vẫn phải học những chương trình thiếu đổi mới trong trường?

– Quan trọng nhất là thay đổi tư duy, để các bạn trẻ có động lực vươn lên trong cuộc sống, như tư duy làm giàu chẳng hạn. Ngày xưa, tôi được ba tôi dạy rằng muốn giàu có thì phải thông minh, ngoại giao giỏi và làm việc chăm chỉ, cần cù. Nhưng không ít người lại cho rằng người giàu thường keo kiệt, tham lam, giành giật của cải trong xã hội. Ngay cả trong các câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích Việt Nam, hình tượng người nhà giàu cũng thường được xây dựng gắn với những ông quan tham lam, độc ác, thiếu trung thực. Nếu tư duy không đúng như vậy thì các bạn trẻ khó mà cố gắng làm giàu một cách ngay thẳng.

Người giàu mua xe hơi cao cấp cũng vậy, đó không phải là cách khoe của hợm hĩnh. Đối với thương gia, giá trị thương hiệu luôn khẳng định đẳng cấp và phần nào tạo sự tin tưởng trong các mối quan hệ làm ăn. Nhân viên kinh doanh của các thương hiệu cao cấp cần phải hiểu điều này mới có thể tiếp cận được giá trị của khách hàng, nhất là các hãng xe hơi mắc tiền.

* Lại nói về xe, tốc độ hẳn là niềm đam mê lớn cho những tay đua như anh?

– Đúng vậy. Niềm đam mê tốc độ đến từ cảm giác chinh phục. Những người mê tốc độ thường cảm thấy hạnh phúc thăng hoa mỗi lần vượt qua những giới hạn tốc độ cũ, nhưng vẫn đảm bảo giới hạn an toàn.

* Làm sao để có thể giữ vận tốc trong giới hạn an toàn khi đang ở trong một cuộc đua đầy phấn khích?

– Người đua phải luôn có một cái đầu lạnh, “biết mình biết ta” và nhận thức được đâu là giới hạn an toàn của bản thân. Những tay đua chuyên nghiệp đều hiểu rõ điều này nên họ rất ít khi gây ra tai nạn trên đường đua.

Tôi thấy chuyện kinh doanh và đua xe cũng có nét tương đồng, đó là cần sự tỉnh táo khi đưa ra quyết định. Tại một khúc cua trên đường đua, người lái xe sẽ quyết định phải tăng tốc để vượt lên hay giảm tốc để an toàn. Trên thương trường, người làm kinh doanh phải có những quyết định mạo hiểm cần thiết để bứt phá hay cần lùi một bước để giữ ổn định cho bộ máy. Đây quả là một hành trình phải “học, học nữa, học mãi” mà thành.

* Qua cách nói chuyện và tư duy tích cực, có thể thấy anh là người luôn lạc quan…

– Tôi không phải người mê bói toán nhưng tôi tin mình có “quới nhân” phù trợ. Bất cứ lúc nào tôi gặp khó khăn cũng có người giúp đỡ. Tôi được tiếp xúc, làm việc với những nhân vật tầm cỡ nên học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu. Tôi mê xe và được làm trong ngành mình thích.

Dù việc bận rộn đến đâu hằng ngày tôi vẫn có thời gian dành cho gia đình, nơi tôi cảm thấy ấm áp nhất và cuối tuần tôi vẫn có thời gian làm những chương trình cùng BMW, MINI cũng kết hợp đào tạo cho Green leaf, một công ty cho thuê xe danh tiếng tại TP.HCM. Quả thật, tôi thấy mình có quá nhiều may mắn. Tôi sẽ cố gắng tạ ơn đời bằng cách truyền cảm hứng sống vui và thành công cho nhân viên, sinh viên và bất cứ ai có cơ duyên gặp nhau trong đời.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị. 

XUÂN LỘC/DNSGCT

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close