Thế giớiThời sự

Kịch bản điên rồ nhất cho ngày đại cử tri Mỹ bỏ phiếu

Cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn gần như chắc chắn cho ra kết quả giống ngày bầu cử 8/11. Nếu không, nước Mỹ sẽ đối diện với những kịch bản phức tạp để tìm tổng thống mới.

Kịch bản điên rồ nhất cho ngày đại cử tri Mỹ bỏ phiếu

40 ngày sau khi tỷ phú Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, nhiều người quên mất rằng ông vẫn chưa chính thức là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Tổng thống Mỹ phải do các đại cử tri bầu ra và ngày 19/12 mới là thời điểm các đại cử tri họp lại để bỏ phiếu.

Về lý thuyết, đại cử tri không bị bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng viên mà cử tri bang họ đã chọn. Căn cứ Tu chính án số 12 của Hiến pháp Mỹ về tiến trình bầu tổng thống, rất nhiều kịch bản có thể xảy ra nếu ông Trump không giành đủ 270 phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống.

Kịch bản bất khả thi cho Clinton

Kịch bản hiển nhiên nhất là việc không đại cử tri nào của ông Trump “bất tuân” để quay sang bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton. Nếu vậy, Trump sẽ giành được ít nhất 308 phiếu đại cử tri và nghiễm nhiên đắc cử.

Giả thiết thứ hai là tất cả các đại cử tri đảng Dân chủ bầu cho bà Clinton, cộng thêm ít nhất 37 đại cử tri Cộng hòa khác cũng ủng hộ bà.

Từ ngày 8/11 đến nay, một số đại cử tri đảng Dân chủ đã lên kế hoạch vận động các đại cử tri Cộng hòa quay lưng lại với Trump. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 đại cử tri đảng Cộng hòa đồng ý không bỏ phiếu cho ứng viên đảng mình trong khi bà Clinton cần thêm 37 phiếu đại cử tri nữa mới thắng được ông Trump.

Trong lịch sử Mỹ chưa từng có trường hợp kết quả bầu cử bị lật ngược vì các đại cử tri “bất tuân”.

CNN lý giải điều này trước hết nằm ở cơ chế lựa chọn đại cử tri. Đại cử tri các bang được chọn thông qua đại hội đảng hoặc hội đồng đảng ở cấp bang. Chính vì vậy, họ thường là các đảng viên năng nổ và trung thành. Phản bội ứng viên tổng thống của đảng mình chính là phản bội các đồng sự trong đảng đã tin tưởng họ.

Lý do thứ hai, dù không có luật nào ngăn cản được các đại cử tri trở nên “bất tuân” – tức là dù họ bỏ phiếu cho ai, lá phiếu của họ vẫn được kiểm, 29 bang có luật lệ để trừng phạt các đại cử tri đó. Họ có thể bị phạt hoặc truất quyền đại cử tri.

Khả năng thứ ba trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri là không ứng viên nào giành đủ quá 270 phiếu để chiến thắng. Điều này có thể xảy ra vì ngoài ứng viên từ 2 đảng lớn Dân chủ và Cộng hòa còn có các ứng viên độc lập hoặc các đảng thứ ba.

Lần cuối cùng một ứng viên từ đảng thứ ba có phiếu bầu của đại cử tri là George Wallace của đảng Độc lập Mỹ. Ông giành được 46/538 phiếu.

Nước Mỹ trong thế bế tắc

Cuộc bầu cử năm nay sẽ đi đến những kịch bản rất không tưởng khi cả Trump lẫn Clinton đều không giành đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết.

Quyền quyết định đầu tiên được trao vào tay Hạ viện. Cơ quan này sẽ lựa chọn giữa 3 ứng viên giành được nhiều phiếu đại cử tri nhất cho đến khi tìm được tổng thống. Nếu đến ngày 20/1/2017 kết quả cuối cùng vẫn không có, phó tổng thống mới sẽ tạm nắm quyền.

Tu chính án số 12 không nêu rõ phó tổng thống mới sẽ phải giữ quyền tổng thống đến bao giờ nếu sau 20/1 mà Hạ viện vẫn chưa thể chọn được tổng thống.

Lần duy nhất Hạ viện phải bỏ phiếu “giúp” Đại cử tri đoàn là năm 1824.

Nhưng ai sẽ là phó tổng thống mới nếu từ Đại cử tri đoàn đến Hạ viện không thể chọn được tổng thống mới?

Khi Joe Biden quyền lực hơn Barack Obama

Câu trả lời là mỗi đại cử tri sẽ bỏ 2 lá phiếu riêng biệt, phiếu bầu tổng thống và phiếu bầu phó tổng thống. Một đại cử tri không được bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống và phó tổng thống đều từ bang nhà của mình. Ngoài ra, không có điều luật nào ràng buộc đại cử tri phải chọn tổng thống và phó tổng thống là người trong một đảng.

Vì vậy, về mặt lý thuyết, Đại cử tri đoàn hoàn toàn có thể chọn ra tổng thống từ đảng Cộng hòa và phó tổng thống từ đảng Dân chủ, hoặc ngược lại.

Trong lịch sử nước Mỹ, cuộc bầu cử duy nhất chọn ra tổng thống và phó tổng thống từ hai đảng đối lập là vào năm 1796 nhưng với một cơ chế bầu cử khác hiện nay. Vào năm đó, ứng viên giành nhiều phiếu đại cử tri nhất sẽ đắc cử tổng thống, người có số phiếu đứng thứ hai làm phó tổng thống.

Kết quả là John Adams của đảng Liên bang (giải thể năm 1824) trở thành tổng thống trong khi “phó tướng” của ông lại là đối thủ Thomas Jefferson từ đảng Dân chủ – Cộng hòa (tiền thân của đảng Dân chủ bây giờ).

Trong trường hợp Đại cử tri đoàn không thể chọn ra phó tổng thống, Thượng viện sẽ được quyền bỏ phiếu giữa 2 ứng viên phó tổng thống có nhiều phiếu đại cử tri nhất.

Nếu Thượng viện, với 100 phiếu của 100 thượng nghị sĩ, không thể quyết định trong 1 lần bỏ phiếu, người được chọn phó tổng thống mới sẽ là phó tổng thống đương nhiệm, trong trường hợp này là ông Joe Biden. Phó tổng thống Mỹ, đồng thời là chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ lá phiếu quyết định để phá vỡ thế bế tắc.

Lần duy nhất Thượng viện Mỹ bỏ phiếu bầu phó tổng thống là năm 1837. Các đại biểu của Washington DC tại Thượng viện và Hạ viện không tham gia cả hai cuộc bầu cử trên.

Theo Phương Thảo-Hiền Đức

Zing

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close