Tài chính - Tiền tệThế giới
Lo ngại đường cong lợi suất nghịch tái xuất hiện
Đường cong lợi suất nghịch (Inverted Yield Curve) là hiện tượng xảy ra khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài.
Điều này hiếm khi xảy ra trong điều kiện kinh tế bình thường, khi lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn lợi suất của trái phiếu ngắn hạn, do các nhà đầu tư kỳ vọng lợi suất phải cao hơn khi đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn dài hơn.
Hiện tượng đường cong lợi suất nghịch thường có ý nghĩa như một chỉ báo về suy thoái và khủng hoảng sắp đến, lúc đó các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rót tiền vào trái phiếu kỳ hạn dài dù phải nhận mức lợi suất thấp hơn, vì lo ngại về sự bất ổn định của nền kinh tế trong thời gian tới.
Điều này được giải thích là khi nhà đầu tư tin rằng một cuộc suy thoái đang đến gần, ngân hàng trung ương có thể sẽ giảm lãi suất để cứu vãn tình thế và điều này làm giảm nhu cầu mua trái phiếu ngắn hạn, nên lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn đi lên.
Ngược lại, trước bối cảnh sự không chắc chắn trong nền kinh tế tăng lên, các kênh đầu tư khác có thể ảnh hưởng và sụt giảm, thì nhu cầu rót vốn vào trái phiếu dài hạn để đảm bảo an toàn và có được mức sinh lời ổn định tăng lên khiến giá trái phiếu tăng, do đó lợi suất trái phiếu dài hạn bị giảm và thậm chí rớt về thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn.
Điều này xảy ra trong cuộc khủng hoảng gần đây nhất bắt nguồn từ thị trường Mỹ. Từ tháng 9/2006, lợi suất của tín phiếu 3 tháng đã lên cao hơn 0,14% so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm và xu hướng này duy trì cho đến tháng 6/2007, với mức chênh có lúc lên đến 0,44% vào tháng 3/2007. Kết quả là đến cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào khủng hoảng và suy thoái diễn ra từ tháng 9/2008 kéo dài cho đến tháng 12/2009, với tăng trưởng GDP rớt xuống mức âm cao nhất ở -4,06% vào tháng 6/2009.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), hiện tượng đường cong lợi suất nghịch có thể dự báo một cuộc suy thoái trước từ 2 cho đến 6 quý. Và khi xảy ra hiện tượng này, các ngân hàng trung ương thường không muốn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, mà có xu hướng nới lỏng, như đã nói.
Diễn biến này gần đây có vẻ như đang lặp lại, khi quyết định tăng lãi suất vừa qua của FED đã bị một số chuyên gia kinh tế phản đối, với lo ngại chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Mỹ dài hạn và ngắn hạn đang bị co hẹp lại và có thể rơi vào tình trạng đường cong nghịch bất cứ lúc nào.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng rủi ro lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ lẫn thị trường trái phiếu hiện nay không phải là lộ trình tăng lãi suất hay những tranh luận qua lại giữa FED và Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà chính là khả năng đường cong lợi suất nghịch có thể tái xuất hiện.
Khi đường cong lợi suất nghịch xảy ra, nó không chỉ hàm ý nhà đầu tư đang lo ngại cho triển vọng kinh tế trong thời gian tới, mà còn là tín hiệu cho thấy khả năng sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Do hoạt động của hầu hết ngân hàng là huy động vốn ngắn hạn đem cho vay dài hạn, và kiếm lợi từ sự chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và lãi suất dài hạn, nhưng nay nếu như lợi suất ngắn hạn lên cao hơn dài hạn thì biên lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị thu hẹp hoặc thậm chí rớt xuống mức âm.
Và trong môi trường lãi suất như thế, các ngân hàng sẽ lỗ khi cho vay. Tuy không nhất thiết trên tất cả các khoản vay, nhưng nó làm cho một số khoản vay không khả thi và một số khác có ít lợi nhuận hơn, buộc các ngân hàng phải cắt giảm các khoản vay, do đó gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường tín dụng mà doanh nghiệp cần để phát triển kinh doanh.
Khi việc vay vốn trở nên khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ hủy bỏ hoặc trì hoãn các dự án kinh doanh, và ngày càng suy yếu hơn. Hệ quả là các đợt sa thải nhân công do thu hẹp hoạt động sẽ xảy ra, khiến nền kinh tế sớm muộn gì cũng rơi vào suy thoái.
Để ngăn chặn đường cong lợi suất nghịch, ngoài giải pháp ngừng tăng lãi suất ngắn hạn, thì ngân hàng trung ương có thể bơm một lượng lớn trái phiếu kho bạc dài hạn đang nắm giữ ra thị trường để kéo giá trái phiếu dài hạn đi xuống, từ đó giúp lợi suất dài hạn tăng cao hơn so với ngắn hạn.
LÊ GIA