Câu chuyệnKinh doanh
Lời nguyền “không ai giàu ba họ” ám ảnh các gia đình giàu nhất Hồng Kông
Việc con cháu của những tỷ phú Hồng Kông có phá vỡ được lời nguyền ba thế hệ hay không là thách thức cực kỳ lớn mà các tập đoàn gia đình này phải đương đầu.
Cuộc chuyển giao quyền lực trong gia đình ông Lý Gia Thành đã êm thấm, ít nhất đến hiện tại – Ảnh: Strait Times
Người Trung Quốc thường hay nói với nhau: “Sự giàu có không kéo dài đến ba thế hệ”.
Sau khi ông Lý Gia Thành về hưu vào tháng 5/2018, người sáng lập ra ba tập đoàn gia đình nổi tiếng còn lại cũng sẽ rời khỏi chức vụ đứng đầu tập đoàn mà họ sáng lập ra (tỷ phú Lee Shau-kee đã tuyên bố về kế hoạch “truyền ngôi” cho người thừa kế tập đoàn Henderson Land Development).
Việc con cháu của những tỷ phú này có phá vỡ được lời nguyền ba thế hệ hay không là thách thức cực kỳ lớn mà các tập đoàn gia đình này phải đương đầu.
Dù người thừa kế tập đoàn có năng lực đến đâu đi nữa, kế hoạch chuyển giao công việc cho thế hệ kế tiếp nếu không được chuẩn bị kỹ càng sẽ có thể khiến tập đoàn gia đình thiệt hại rất nhiều.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình tại INSEAD, ông Morten Bennedsen, nhận xét: “Quá trình chuyển giao từ nhà sáng lập…là thách thức lớn nhất mà các tập đoàn kinh doanh phải đối mặt đến hiện tại”.
Không giống nhiều doanh nghiệp gia đình ở Mỹ và châu Âu thường thuê quản lý chuyên nghiệp để điều hành doanh nghiệp, các gia đình châu Á tham gia nhiều vào công việc quản lý hàng ngày, theo ông Morten Bennedsen. Và sự thật rằng khi các nhà sáng lập quản lý công việc cho đến tận khi họ già khiến cho những người quản lý kế tiếp khó có thể tự quyết định được công việc của mình.
“Thông thường, văn hóa Trung Quốc rất trọng nam, và luôn đề cao vai trò của người lớn tuổi. Những người trẻ thường không dám trái lời người cao tuổi hơn”, ông Bennedsen nhấn mạnh.
Một khi những nhà tỷ phú quyền lực rời đi, nhiều vấn đề liên quan đến quản trị sẽ nhanh chóng phát sinh, tranh chấp gia đình nhiều khi tác động đến cả hoạt động của ban quản trị.
Trước khi ông Kwok Tak-seng, người đứng đầu tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai Properties, qua đời vì bệnh tim vào năm 1990 ở tuổi 79, ông vẫn còn tham gia rất nhiều vào SHKP, công ty do ông sáng lập.
Dưới thời ông Kwok, ba con trai của ông cùng hợp tác xây dựng nên một trong những đế chế kinh doanh bất động sản lớn nhất châu Á. Thế nhưng từ năm 2008, gia đình này vướng vào một cuộc chiến cay đắng.
Con trai lớn của nhà sáng lập, ông Walter Kwok Ping-sheung đã bị hất ra khỏi ban quản trị sau khi lèo lái công ty trong 18 năm. Cả hai em trai của ông sau đó đều bị cáo buộc có liên quan đến một vụ việc đưa hối lộ. Ông Thomas Kwok Ping-kwong đã bị kết án và phải ngồi tù 5 năm, chỉ còn người con trai nhỏ tuổi nhất có tên Raymond điều hành công việc kinh doanh.
“Ba anh em gia đình nhà Kwok đều rất giỏi quản lý công việc kinh doanh. Vấn đề là ở chỗ họ không biết cách phải làm việc với nhau như thế nào và không thể dàn xếp được tranh chấp khi cha qua đời”, giáo sư Fan của CUHK chỉ ra. Câu chuyện này cũng tồn tại ở nhiều gia đình kinh doanh khác ở Trung Quốc.
Con cái của những nhà tài phiệt thường không có được “tài sản vô hình” của thế hệ đi trước, trong đó phải kể đến hoài bão, uy tín và những mối quan hệ chính trị cần thiết.
Kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài có thể giúp cho những người kế thừa tập đoàn kinh doanh dễ đa dạng hóa hoạt động hơn, không chỉ hoạt động tại Trung Quốc mà còn mở rộng ra thị trường các nước phát triển, giống như trường hợp ông Victor Li, con trai của tỷ phú huyền thoại Lý Gia Thành.
Tỷ phú Lý Gia Thành đã chuyển một số khoản đầu tư ra nước ngoài để giúp cho con trai ông dễ quản lý tập đoàn hơn. Ông Victor Li tốt nghiệp từ đại học Stanford và làm việc ở Canada trong vài năm trước khi ông trở về Hồng Kông năm 1990.
Khi nhà sáng lập nhận ra rằng họ không thể chuyển giao những tài sản vô hình, sẽ hợp lý hơn nếu họ chuyển trọng tâm sang những lĩnh vực, khu vực mà người kế vị có kiến thức và tiềm năng phát triển tốt hơn, giống như ông Lý Gia Thành đã làm.
Việc ông Lý Gia Thành về hưu đã không khiến giá cổ phiếu của hai công ty niêm yết thuộc tập đoàn bị ảnh hưởng, thế nhưng trường hợp này rất hiếm, giáo sư Fan nhấn mạnh. Nghiên cứu của giáo sư Fan thực hiện với khoảng 217 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở các sàn chứng khoán khắp châu Á cho thấy giá trị thị trường của 217 doanh nghiệp này mất 60% trong lần chuyển giao quyền lực đầu tiên sau khi nhà sáng lập về hưu.
Còn theo một chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn CLSA, thách thức đối với thế hệ tiếp theo chính là môi trường kinh doanh đã trở nên toàn cầu và cạnh tranh hơn rất nhiều so với thời mà thế hệ trước lập nghiệp, nếu họ chỉ rập khuôn những gì cha họ làm, họ sẽ không thể thành công bởi thế giới đã thay đổi rồi.
TRUNG MẾN