Câu chuyệnKinh doanh

Mama Fanbox, cửa hàng, tự phục vụ, Đào Khánh Hiệp

Dù cửa hàng đầu tiên đã đóng cửa do bị thu hồi mặt bằng, mô hình vẫn được chàng trai 8x Đào Khánh Hiệp tiếp tục duy trì và phát triển.

Mô hình cửa hàng tự phục vụ của 8X Việt: Không nhân viên, khách tự chọn đồ, quét mã vạch và tự trả tiền vào hộp

Với mặt tiền rộng khoảng hơn 2m, Mama Fanbox nằm lọt thỏm trên con phố Lê Duẩn của Hà Nội. Bước vào trong, khách hàng cũng không khỏi bất ngờ khi quán được thiết kế khá đơn giản, chỉ có 2 cái tủ lạnh đựng đồ, một bộ thiết bị máy tính để thanh toán tiền, một vài chiếc ghế gỗ con, điểm xuyết là những chậu cây nhỏ, những tấm giấy nhắn treo trên tường.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Mama Fanbox nằm ở chỗ quán không có nhân viên phục vụ, khách đến mua hàng chỉ cần bấm chuông là cửa tự động mở. Sau khi tiến hành chọn lựa các đồ uống ưa thích, mỗi người tự quét mã vạch sản phẩm như khi mua sắm trong siêu thị, in hóa đơn, cất tiền vào hộp có sẵn và từ từ thưởng thức.

 Không gian bên trong của Mama Fanbox.

Không gian bên trong của Mama Fanbox.

 Hệ thống máy tính tiền đi kèm camera và thiết bị quét mã vạch.

Hệ thống máy tính tiền đi kèm camera và thiết bị quét mã vạch.

 Hòm đựng tiền

Hòm đựng tiền

 Những lời nhắn nhủ từ phía khách hàng.

Những lời nhắn nhủ từ phía khách hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đào Khánh Hiệp, người sáng lập Mama Fanbox cho biết anh nảy sinh ý tưởng mở cửa hàng tự phục vụ sau khi đọc một bài báo nói về văn hóa Nhật Bản.

Tại một số vùng của Nhật, có những cửa hàng không người quản lý gọi là “mini shop”. Ban ngày chủ cửa hàng vẫn đến công sở làm việc bình thường, người giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được đóng gói, dán giá và có thùng tiền để bên cạnh. Khách hàng chỉ việc lựa chọn rồi bỏ tiền vào thùng. Cuối giờ, trên đường đi làm về, người chủ sẽ ghé qua thu tiền.

“Mình nhận thấy như thế thì hiệu suất nâng gấp đôi, người ta vừa có thể bán hàng nhưng vẫn làm được việc khác. Mình bắt đầu nghĩ tại sao không thử mô hình này ở Việt Nam”, Hiệp cho biết.

 Anh Đào Khánh Hiệp, người sáng lập mô hình Mama Fanbox.

Anh Đào Khánh Hiệp, người sáng lập mô hình Mama Fanbox.

Tháng 5/2016, chàng trai sinh năm 1983 cho ra mắt cửa hàng Mama Fanbox đầu tiên tại 24, Liễu Giai (Hà Nội). Khó khăn tương đối nhiều vì mô hình hoàn toàn tự động, khách hàng không biết sử dụng thế nào nên tình trạng mất khách diễn ra thường xuyên. Sau này, Hiệp chuyển mô hình sang dạng bán tự động, vừa hỗ trợ online với những người chưa biết, còn những người biết rồi thì không cần hướng dẫn nữa. Dần dần, hệ thống khắc phục được khó khăn và đi vào hoạt động ổn định.

Đến nay, dù cửa hàng đầu tiên tại Liễu Giai đã đóng cửa do bị thu hồi mặt bằng, Mama Fanbox vẫn xây dựng được hai cơ sở khác trên địa bàn Hà Nội và một cơ sở tại Hải Phòng.

Vì những cửa hàng này có diện tích khá nhỏ nên chi phí đầu tư ban đầu chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Mỗi tháng Hiệp mất thêm 7 triệu để duy trì nên doanh thu mang về tương đối tốt. Anh tiết lộ “thường chỉ qua một mùa Valentine là đã thu hồi vốn”.

Một điểm đáng chú ý là mô hình hoạt động tốt tại thị trường Việt Nam, khiến cho Hiệp cũng khá bất ngờ. Trong một vài nghìn đơn hàng bán ra, tỷ lệ mất chỉ khoảng 1-2 đơn, thường rơi vào các bạn học sinh là chủ yếu.

“Mình nghĩ các em học sinh cũng chỉ tò mò xem mất có sao không. Mình biết nhưng mình chưa xử lý vì nếu xử thì sẽ rất nặng”.

Với các trường hợp khách hàng quên thanh toán hoặc thanh toán thiếu, Mama Fanbox có hệ thống camera lưu lại thông tin. “Lần sau các bạn đến, cửa sẽ không tự động mở nữa”, Hiệp cho biết.

Trong thời gian tới, Mama Fanbox sẽ triển khai thêm cơ sở số 4 tại phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội). Mô hình vẫn tiếp tục hoạt động theo hình thực tự phục vụ nhưng có diện tích rộng hơn, đi kèm một số trải nghiệm mới như có khu vực tự nấu ăn đơn giản, ghế nằm nghỉ, máy in ảnh miễn phí…

Hiệp cho biết bài học quý nhất anh nhận ra khi khởi nghiệp với Mama Fanbox là bài học về cho đi và nhận lại.

“Hầu hết người kinh doanh, khi quảng cáo, đều muốn khách hàng tin mình nhưng họ không dám tin khách hàng. Khi mình để cho khách hàng tự phục vụ, nghĩa là mình đã cho đi niềm tin và mình cũng nhận lại niềm tin từ phía khách hàng. Mình đã gặp rất nhiều người tốt. Nhiều người coi Fanbox giống như ở nhà, họ đến quét sàn, lau nhà, tưới cây… làm mình cảm thấy rất vui”, chàng trai 8x hào hứng chia sẻ.

Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close