Kinh tế vĩ môThời sự
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017: Có quá khó?
Nhiều chuyên gia cho rằng với bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay, mục tiêu GDP 6,7% là rất khó thực hiện. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến lại bày tỏ lạc quan về con số này.
Quốc hội mới đây đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 với mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.
Sau khi kế hoạch được thông qua, nhiều chuyên gia cho rằng với bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay, mục tiêu này là rất khó thực hiện. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến lại bày tỏ lạc quan về con số này.
Trao đổi với TS. Võ Trí Thành – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam nói: Việc đặt mục tiêu 6,7% thể hiện những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Đằng sau đó cũng là câu chuyện của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, đó là rất cần có tốc độ phát triển nhanh để giải bài toán là thu nhập, việc làm…
Tuy nhiên, ông Thành nhận định mục tiêu này không dễ thực hiện trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam lại đang trong quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc. Rất nhiều chuyên gia, dự báo đã đưa ra dự báo GDP năm 2017 sẽ ở mức thấp hơn mục tiêu trên.
“Việt Nam rất cần ổn định kinh tế vĩ mô, để đảm bảo rằng tăng trưởng dài hơn thì cần sự bền vững. Trong bối cảnh thế giới rất nhiều ổn định rủi ro hiện này thì bài toán lại càng phức tạp hơn”, ông Thành nói.
Theo quan điểm của ông Võ Trí Thành, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đó là sự ổn định, cải cách và hội hập hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, ông Thành cho rằng Chính phủ cần có những điều hành, giải pháp linh hoạt hơn…
Trong khi đó, bàn về mục tiêu này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lại cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 là có thể đạt được”.
“Năm nay dự kiến sẽ tăng được 6,3 – 6,5%. Chỉ còn 2 tháng nữa, Chính phủ đang điều hành các chính sách sao cho đạt được mức cao nhất”, ông Phước cho biết, sang đến năm 2017, chúng ta phấn đấu để đạt mức 6,7%. Đây là mức tương đối cao.
“Nhưng chúng ta cũng phải thấy Chính phủ đang điều hành các chính sách để làm sao khơi thông các dòng chảy nhằm phân bổ các nguồn lực có hiệu quả nhiều hơn.
Những nỗ lực của Chính phủ đã có những tác động ban đầu, thông qua các nghị quyết của Chính phủ, tạo lập môi trường kinh doanh làm sao cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng để cho tăng trưởng kinh tế”, ông Phước nói.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội vừa thông qua, nhất là tăng trưởng 6,7%, ông Phước cho rằng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2, trong đó tái cơ cấu về nợ công, doanh nghiệp nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại.
Khi xử lý được những vấn đề cốt lõi như là nợ công, nợ xấu, cùng với đó tạo ra 1 môi trường khởi nghiệp, những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy được lợi thế thì khả năng đạt được 6,7% là có thể, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định.
N.MẠNH