Vấn nạn sống cô lập, tách biệt đang diễn ra với một bộ phận dân số không nhỏ tại Nhật, kể cả với những người đang còn đi làm.
Ảnh: KyodoNews
Ngày một nhiều người ở Nhật đang sống một mình, trong số đó có nhiều người đàn ông gần như không có mối liên hệ nào với cộng đồng xung quanh họ. Nhiều người trong số đó già cả và cô đơn, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, Japantimes viết.
Không ít trong số họ vẫn đang thuộc độ tuổi đi làm thế nhưng họ đã trì hoãn hoặc bỏ hẳn ý định kết hôn, giờ đây họ nhận ra rằng họ đang đối diện với một tương lai buồn khi ngày một già đi và không có ai bên cạnh.
Nhật chính là ví dụ tiêu biểu của một xã hội thực sự cần đến một hệ thống an sinh xã hội có quy mô vượt ra khỏi khuôn khổ hiện nay, chăm lo nhiều hơn đến cuộc sống của nhiều đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Một người đàn ông Tokyo 90 tuổi có người vợ đã mất cách đây 10 năm có thể coi như minh chứng rõ ràng nhất cho việc điều gì có thể xảy ra khi con người ta bị bỏ lại một mình.
Sau khoảng 5 đến 6 năm sống một mình, ông bắt đầu có hội chứng mất trí nhớ. Dù ông được xếp vào diện cần được hỗ trợ, thế nhưng ông luôn khăng khăng rằng ông muốn ở một mình ngay cả khi nhân viên hỗ trợ cộng đồng đến nhà ông thuyết phục ông nhận chế độ hỗ trợ y tế.
Ông từ chối đến bệnh viện và rồi sau đó máy trợ tim của ông bắt đầu hỏng. Ông ngừng gặp gỡ hàng xóm, né tránh dần các hoạt động chung của khu phố mà ông vẫn thường đến khi ông còn khỏe mạnh.
Không có con cái, ông cảm thấy mình hoàn toàn bị cô lập. Ông không tắm đã nhiều năm, thậm chí không buồn thay quần áo. Ông thiếu dinh dưỡng trầm trọng bởi thói quen ăn kiêng, chính vì vậy chứng bệnh mất trí nhớ còn tồi tệ hơn. Ông sống lay lắt vật vã cho đến khi cuối cùng ông cũng chịu vào trại dưỡng lão vào tháng 11/2017.
Người ta có thể nhìn thấy những câu chuyện tương tự ở khắp nơi trên đất nước Nhật. Trưởng phụ trách bộ phận quản lý các bệnh nhân nam tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng, ông Yoko Shimazaki, khẳng định rằng việc theo dõi những bệnh nhân sống một mình cực kỳ khó khăn.
“Với những người sống một mình, chúng tôi cảm thấy mình không thể nắm bắt được họ. Thường khó để biết những gì đã xảy ra với họ”, ông Shimazaki nhận xét.
Vấn nạn sống cô lập, tách biệt đang diễn ra với một bộ phận dân số không nhỏ tại Nhật, kể cả với những người đang còn đi làm. Một người đàn ông 40 tuổi tại tỉnh Tottori nói: “Khi tôi nghĩ đến tuổi già, tôi cảm thấy sợ hãi, tôi cảm thấy bóng tối vây quanh mình.”
Người đàn ông này tốt nghiệp từ một trường đại học uy tín vùng Kansai thế nhưng sau đó ông đã không thể giữ được việc làm tại một công ty tốt trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng quá yếu. Rồi ông cũng kiếm được việc tại công ty nhỏ hơn, thế nhưng mức đãi ngộ tất nhiên quá thấp.
Từ đó đến sau này, ông làm loanh quanh các việc bán thời gian và giờ đây cũng chỉ làm việc bán thời gian cho một cơ quan chính phủ. Ông cũng cố gắng kết hôn, thế nhưng khi đối tác tương lai của ông biết số tiền ông kiếm được hàng tháng, họ từ chối.
Kết quả khảo sát thực hiện bởi Viện dân số và an sinh xã hội Nhật cho thấy tỷ lệ người Nhật không kết hôn trước tuổi 50 giờ đang tăng chóng mặt. Tỷ lệ này lên đến 23% với nam giới và 14% với nữ giới.
Xã hội Nhật không thiếu những người như ông, họ sống trong thời trẻ với mức lương thấp, thu nhập không tăng làm họ cũng không dám kết hôn, và tình trạng đó cứ kéo dài mãi đến già.
Số liệu của chính phủ Nhật cho thấy, mỗi năm có khoảng 3.700 cái chết trong cô đơn ở Nhật, tuy nhiên nhiều nguồn tin khác lại cho rằng con số thực tế lên đến 30 nghìn người mỗi năm, tức là tương đương với con số tự tử chính thức mỗi năm của nước Nhật.
Theo các nhà điều tra xã hội học, có nhiều lý do khiến tình trạng chết một mình trở nên ngày một tồi tệ. Trước tiên đó là việc mối liên kết gia đình ngày một mất dần, ngày một nhiều người già Nhật không sống trong gia đình nhiều thế hệ mà thay vào đó họ chọn sống riêng. Và bởi thói quen của người Nhật là không can thiệp vào cuộc sống của nhau nên việc hỏi thăm nhau nhiều trong gia đình cũng bị coi là làm phiền.
TRUNG MẾN