Tư duy

Người Nhật đối xử với nghề giáo như thế nào để tạo ra những người thầy khiến cả thế giới ngưỡng mộ?

Cả thế giới ngưỡng mộ sự tận tâm và chuyên nghiệp của các giáo viên người Nhật trong việc dạy dỗ trẻ em, giúp hình thành nên những công dân luôn nổi bật và tài năng.

Người Nhật đối xử với nghề giáo như thế nào để tạo ra những người thầy khiến cả thế giới ngưỡng mộ?

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến gần, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả chùm bài viết về nghề giáo & các câu chuyện liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Mời quý độc giả đón đọc.

Bài viết dưới đây nói về nghề giáo viên ở Nhật Bản. Tác giả bài viết là một thạc sĩ có 4 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Nhật.


Tôi từng có nhiều năm sống trong khá nhiều cộng đồng sinh viên quốc tế. Theo kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy nếu so trong riêng nhóm các sinh viên châu Á với nhau, sinh viên Nhật dù không phải những sinh viên “nhiều lời”, thích tranh luận, thích thể hiện quan điểm của cá nhân nhưng khi làm việc thể hiện tinh thần nghiêm túc và tính tập thể, kỷ luật cao độ.

Gần như chưa bao giờ trong suốt những năm học và làm việc trên đất Nhật, tôi chưa từng thấy người Nhật nào đến muộn hoặc chưa làm xong phần việc của mình trước khi đến họp nhóm. Dù chất lượng có thể cao, thấp tùy năng lực của từng người, vì không ai nhất thiết cũng khá như ai, nhưng họ làm việc rất nghiêm túc và cầu thị.

Từ các cuộc tiếp xúc với các bà mẹ nước ngoài có con đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học hay trung học ở Nhật. Tất cả đều rất hài lòng với sự tận tâm, tử tế của các giáo viên Nhật và họ cũng không khỏi chán ngán khi nhìn lại hệ thống giáo dục của nước họ khi so sánh với Nhật.

Chị Phan Thúy Quỳnh, một mẹ Việt có con gửi tại thành phố Osaka, từng chia sẻ câu chuyện như sau:

“Mình có con nhỏ học tại trường tiểu học ở Osaka khoảng 3 năm. Trong khoảng thời gian ở đây, các cô giáo dạy dỗ con của mình dường như không thể cẩn thận hơn được nữa. Cháu bị bầm tím một vết ở đùi. Vì bận quá mình cũng không kịp nhìn ra và con cũng không nói với mình, cô giáo đã nhắc mình phải cẩn thận để cháu không bị ngã lần nữa như vậy. Sau này khi mình trình bày ý định chuyển trường mình còn thấy ngạc nhiên hơn nữa.

Khi mình đến trường nói về ý định và lý do chuyển trường sang thành phố Kobe vì chồng chuyển công tác, thầy hiệu trưởng đã hết sức vui vẻ. Thầy dành cho mình tận 45 phút để nói về những trường mà theo thầy có chất lượng giảng dạy tốt nhất ở Kobe, kèm theo thông tin về chi phí, trợ cấp. Thầy bảo mình về nhà suy nghĩ rồi chỉ cần báo lại thầy sau đó 3 ngày.

3 ngày sau, mình đến báo lại với thầy. Sau đó, chính thầy đích thân hoàn thiện mọi thủ tục ở trường mới cho con mình, mình chỉ cần cầm một tờ giấy, sang trường mới ở Kobe và thế là con mình có chỗ học. Thật chẳng biết dùng từ nào để nói lên sự biết ơn đối với nhà trường và thầy hiệu trưởng nữa.”

Trên thực tế, còn vô cùng nhiều câu chuyện khác do các bà mẹ nước ngoài có con theo học ở Nhật kể lại để cho thấy tính chuyên nghiệp vượt bậc của các giáo viên Nhật. Cũng theo tìm hiểu của người viết, rất hiếm khi có giáo viên Nhật nào tham gia dậy thêm trong khi họ đang theo giảng dậy ở trường công.

Dù ở Nhật có rất nhiều trung tâm dậy thêm cho học sinh, nhưng việc học hoàn toàn tự nguyện và chủ yếu do giáo viên trường tư hoặc một số giáo viên độc lập có đủ các chứng chỉ sư phạm cần thiết tham gia giảng dậy chứ giáo viên trường công không bao giờ tham gia.

Đồng ý rằng tinh thần và kỷ luật làm việc của người Nhật đã làm nên những người giáo viên tận tậm với nghề đến vậy. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chế độ đãi ngộ của chính phủ Nhật dành cho giáo viên đã giúp họ có thể chuyên tâm vào công việc mà không phải lo lắng quá nhiều về cuộc sống.

Cuối năm 2014, tại Nhật đã bùng lên cuộc tranh cãi về lương của các giáo viên. Dựa trên đề xuất của một nhóm nghiên cứu, Bộ Tài chính Nhật cho rằng đã đến lúc cần phải tăng quy mô của lớp học trường cấp 2 tại Nhật từ 35 lên 40 học sinh/lớp.

Nhìn từ góc độ kinh tế, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 4.000 giáo viên mất việc và vì vậy tiết kiệm được 8,6 tỷ yên cho ngân sách chính phủ. Dù vậy, Bộ Tài chính Nhật khẳng định họ đưa ra quan điểm chính sách đó dựa trên mục tiêu nâng cao chất lượng ngành giáo dục chứ không phải vì tiền.

Quy mô lớp học tại Nhật từng là 40 học sinh, sau đó đã được điều chỉnh xuống 35 để giảm đi tình trạng bắt nạt học đường, nhưng trên thực tế, số lượng các vụ bắt nạt lại tăng lên sau khi quy mô lớp học giảm xuống nên nhìn chung cũng chẳng thay đổi được gì.

Bộ Tài chính Nhật phản bác lại các quan điểm trái chiều với ý kiến của mình bằng cách tuyên bố số tiền tiết kiệm được từ giảm số lượng giáo viên cấp 2 sẽ được dành cho các trường mầm mon, bởi Bộ muốn miễn giảm học phí mầm non hoàn toàn cho những đối tượng gia đình quá khó khăn.

Cũng theo lý giải của Bộ Tài chính, lương giáo viên Nhật hiện nay đang quá cao, cao hơn so với gần như tất cả các nước khác thuộc nhóm OECD bao gồm 35 nền kinh tế phát triển và giàu có nhất thế giới. Mức lương trung bình của giáo viên trường công ở tuổi 45 tại Nhật hiện đang là 7 triệu yên/năm, tương đương khoảng 1,4 tỷ đồng Việt Nam.

Còn theo khảo sát độc lập của OECD, con số này rơi vào ngưỡng khoảng 44.337 USD, tức khoảng hơn 1 tỷ đồng Việt Nam. Lương giáo viên Nhật như vậy cao hơn khoảng 7.000 USD so với ngưỡng trung bình của tất cả các nước thuộc OECD.

Giáo viên Nhật được nhận lương như vậy để làm việc bao nhiêu giờ mỗi tuần? Cũng theo khảo sát đó của OECD, mỗi giáo viên phổ thông Nhật làm việc trung bình 52 giờ mỗi tuần, họ được hưởng chế độ nghỉ theo người đi làm doanh nghiệp, không có các kỳ nghỉ dài hàng tháng như các nước phương Tây. Có nghĩa là dù không có lớp nhưng họ vẫn buộc phải đến trường tham gia các hoạt động khác.

Trong trường hợp này, hãy coi như giáo viên là nghề bình đẳng như các nghề khác, và xét trong mặt bằng giá cả cuộc sống ở Nhật, mức lương trên hoàn toàn đủ sống mà giáo viên không phải cần đến sự hỗ trợ tài chính nào khác.

Tôi từng có cuộc tiếp xúc với một số giáo viên ở Nhật. Họ chia sẻ mức lương nhận được từ trường công hoàn toàn giúp họ đủ sống. Ngoài ra, chính phủ Nhật còn tổ chức được cho giáo viên rất nhiều các chương trình đào tạo và chế độ trợ cấp khác ngoài lương.

Dù không thể nói nghề giáo viên ở Nhật là việc nhàn lương cao, nhưng nhìn chung cũng mang lại cho các giáo viên cuộc sống tương đối đủ đầy. Ở Nhật, rất hiếm khi nghe thấy những lời phàn nàn của các giáo viên về chế độ đãi ngộ, đặc biệt tại các trường công. Một khi đã hài lòng với mức lương, đãi ngộ, họ cũng có đủ điều kiện để tập trung vào chuyên môn và chăm sóc học sinh.

Lương giáo viên phổ thông đảm bảo cho giáo viên đủ sống, còn lương và các đãi ngộ tài chính khác của các giáo sư đại học Nhật thậm chí giúp họ có cuộc sống dư dả cả cuộc đời. Chi tiết về lương và chế độ của giáo sư đại học tại Nhật xin được bàn đến trong bài viết tiếp theo.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ngọc Thanh

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close