Khởi nghiệpKinh doanh

Nhà giàu châu Á và xu hướng đầu tư vào startup công nghệ

Tại Hong Kong, Matthew Tai đầu tư một phần tài sản của gia đình (do cha và những người chú bác của mình tạo ra) vào một chuỗi các công ty startup số.

Tai cho biết, ông đã đầu tư nền tảng FundHive – một nhà sản xuất màn hình LCD siêu mỏng gọi là Organo-Circuit và trang web tuyển dụng Freeboh. Khoảng 15% trong số tài sản 70 triệu USD của gia đình ông được đầu tư vào công nghệ, so với con số không 2 năm trước đây. “Ngành kinh doanh truyền thống của gia đình tôi là về phát triển của đất đai. Nhưng đó là lịch sử. Thế giới mới đang ở trong thế giới ảo”, Tai nói.

Theo Công ty tư vấn Capgemini, tài sản của các gia đình giàu có trong khu vực châu Á đã lên hơn 17 nghìn tỷ USD. Một phần trong số tiền đó đang chảy vào các công ty startup công nghệ trong khu vực và ở nước ngoài, khi những người thừa kế của các gia đình giàu có ưu thích công nghệ. Họ hy vọng những khoản đầu tư mới này sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn và hiện đại hóa các đế chế đã tồn tại hàng thập kỷ.

“Cơn lũ tiền” của châu Á hứa hẹn sẽ làm tăng giá trị cho những công ty có triển vọng nhất trong lĩnh vực công nghệ. Quỹ Tầm nhìn SoftBank trị giá 93 tỷ USD và các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng tham gia vào các hoạt động kinh doanh mới này, cũng như các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Dưới sự cạnh tranh gay gắt, nhiều gia đình châu Á đang đầu tư vào những startup ở giai đoạn đầu tiên, tương phản với cách tiếp cận truyền thống của các thế hệ trước, tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản và sản xuất.

Ozi Amanat – người sáng lập Ozi Amanat tại Singapore – cho biết: “Việc thuyết phục người lớn tuổi đầu tư vào công nghệ thông thường không phải là chuyện dễ dàng”. Ozi người đã gọi được 183 triệu USD để giúp các gia đình giàu có đầu tư vào công nghệ thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm K2 Global. “Thuyết phục người trẻ giống như là rao giảng để họ chuyển đổi. Họ biết rằng hiện không có ngành kinh doanh nào có thể tồn tại nếu không có mối quan hệ khách hàng trực tuyến”, Ozi nhận định.

Matthew Tai

Tại Malaysia, cha của Jo Jo Kong đã trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất nước này bằng cách thành lập một công ty dịch vụ tang lễ trong những năm 1980 và sau đó mở rộng sang bất động sản. Bây giờ, người con 26 tuổi của ông đang mạo hiểm vào công nghệ.

Kong – giám đốc của công ty phát triển bất động sản của gia đình – đã trở thành đối tác của RHL Ventures, cũng là một công ty đầu tư được thành lập bởi những người con của các gia đình kinh doanh nổi tiếng khác của Malaysia. Các khoản đầu tư của RHL bao gồm Sidestep ở Los Angeles – nơi có một ứng dụng cho phép người sử dụng có thể mua các sự kiện âm nhạc trên mạng trực tuyến và GameOn (của San Francisco) – một ứng dụng trò chuyện thể thao.

“Chúng ta cần phải hiểu được không gian công nghệ cao. Chúng ta cần biết sử dụng nó như là lợi thế của chúng ta để giữ nó có liên quan, cho dù đó là bất động sản hay các dịch vụ tang lễ”, Kong nói. Gia đình cô đã bắt đầu áp dụng công nghệ trong kinh doanh, sử dụng máy bay không người lái thay vì trực thăng để khảo sát các đồn điền dầu cọ của họ.

Các gia đình châu Á đang tìm kiếm thêm nguồn tăng trưởng sau khi chứng khoán Mỹ đã tăng trong 8 năm đã đẩy cổ phiếu lên mức cao mới, trong khi chỉ số MSCI Asia Pacific Index đã tăng hơn gấp đôi so với mức thấp của năm 2009. Trong khi đó, lợi suất cực thấp cho thấy có rất ít cơ hội tăng giá cho trái phiếu.

Chua Kee Lock – Giám đốc điều hành của Vertex Venture Holdings Ltd (một chi nhánh công ty đầu tư Temasek Holdings.) cho biết, “vẫn còn nhiều cơ hội trong không gian startup với mức giá hợp lý ở Đông Nam Á”.

Các gia đình đang đóng góp vào làn sóng tiền thông qua các công ty đầu tư hoạt động trong khu vực.

Jeneration Capital – một công ty có văn phòng Hong Kong, đã gọi được vốn từ các giám đốc điều hành công nghệ cao của Trung Quốc cũng như các nhà tài trợ khác, đã từng là nhà đầu tư tại Meituan-Dianping – dịch vụ mua và kiểm tra nhà hàng của Trung Quốc từ năm 2015, theo một nguồn tin thân cận với Bloomberg. Năm ngoái, công ty này đã đầu tư thêm vào vào các công ty như Uxin Ltd. – một công ty Trung Quốc chuyên mua bán xe ô tô đã qua sử dụng, cũng như Grab.

Theo một nguồn thông tin thân cận với Bloomberg, Công ty Hong Kong Composit Capital Management (được lãnh đạo bởi David Ma) đã đầu tư 50 triệu USD vào Công ty Zoox Inc. – một công ty mới thành lập ở California hoạt động trong lĩnh vực ô tô tự lái, vào quý IV năm ngoái. Các đại diện của Composite và Jeneration Capital từ chối bình luận.

Tuy nhiên, đầu tư vào các startup là một quyết định khó khăn bởi vì chỉ một phần nhỏ những startup này thành công. Han Kim – một đối tác của Menlo Park – công ty đầu tư mạo hiểm Altos Ventures tại California cho hay, những người mới đến có thể đẩy định giá của các startup này lên ngất trời – nơi mà các nhà đầu tư hy vọng lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các công ty này với định giá cao như vậy có thể khiến nhà đầu tư dễ bị tổn thương.

Những startup thành công sẽ tăng giá. Điều sống còn là phải chọn ra những công ty tiềm năng như vậy. “Để có được những khoản đầu tư thích hợp, bạn cần có nhiều chuyên môn. Bạn không cần phải biết rất nhiều người, chỉ cần biết đúng người thôi”, ông Chua của Vertex Venture nói.

Tại Singapore, Satveer Singh Thakral đang chuyển hướng cơ nghiệp 112 tuổi của gia đình mình vào công nghệ. Bắt đầu ở Thái Lan như một hoạt động kinh doanh hàng dệt may vào năm 1905, ngành kinh doanh chính hiện nay của tập đoàn này là bán lẻ, bất động sản, hậu cần và khách sạn. Thakral đã thành lập Singapore Angel Network cùng với cha mình để thông qua đó đầu tư tiền của gia đình vào khoảng 100 công ty startup.

“Thế hệ đầu tiên thường bắt đầu đầu tư vào các loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, vàng. Các thế hệ sau này bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư rủi ro hơn”, Thakral nói.

MẠNH ĐỨC (theo Bloomberg)/NCĐT (tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close