Abby Wolfe, tác giả của The Muse, trang web việc làm có trụ sở tại New York cho biết, nhiều người vẫn nghĩ mình đang phải làm việc với những vị sếp tồi mà không chịu nhìn lại bản thân trước khi phê phán người khác.
Khi nói tới vấn đề thích hay không thích công việc đang làm, cảm nhận của bạn về sếp có thể là nhân tố quyết định. Một khảo sát gần đây chỉ ra 50% nhân viên từ bỏ công việc vì lý do xuất phát từ sếp.
Điều này đúng với tôi. Tôi đã làm việc với những người quản lý giỏi, rất giỏi nhưng cũng có những người khiến tôi luôn trong tình trạng vò đầu bứt tại. Có một người thậm chí còn khiến tôi luôn cảm thấy khốn khổ và tìm mọi chiến lược rút lui càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên sau khi trải qua nhiều công việc, có điều này tôi thật sự muốn nói với bạn: Đổ lỗi cho sếp có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn nhưng vấn đề thực sự nhiều khi nằm ở bản thân bạn. Chính là bạn, đúng thế đấy.
Bạn không nói vì cho rằng sếp có thể tự hiểu mình nghĩ gì
Hai năm trước, tôi và phó chủ tịch cao cấp của công ty tôi có một cuộc thảo luận riêng về một số vấn đề khó khăn mà nhóm tôi đang trải qua. Vì chúng tôi có mối quan hệ khá tốt trước đây, ông ấy đã không ngại ngần đi thẳng vào vấn đề
“Nghe này. Tôi không thể đọc tâm trí của cô, tôi không biết cô nghĩ gì. Nếu cô cần gì, cô hãy nói ra”.
Tôi đã nhắc lại lời khuyên này cho bản thân mình và người khác rất nhiều lần, vì tôi nhận thấy nó rất thực tế.
Sếp không phải là một nhà tâm lý học, ông ấy cũng không ngồi yên một chỗ chỉ để cố gắng giải mã mọi động thái của bạn. Dĩ nhiên quản lý bạn là một phần trách nhiệm, nhưng ông ấy cũng có nhiều việc khác cần giải quyết.
Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy đề nghị. Nếu bạn cảm thấy quá sức, hãy nói ra. Nếu bạn thất vọng vì không được lên chức, hãy thảo luận với sếp những gì bạn có thể làm để đạt được cơ hội thăng tiến trong lần tới. Đừng chờ đợi sếp sẽ đến và chủ động trò chuyện với bạn. Nếu chỉ ngồi im và không dám nói, bạn sẽ cảm thấy thất vọng và khó chịu hơn thôi.
Bạn không coi sếp là một thành viên của nhóm
Ngay sau khi bắt đầu một công việc mới, tôi đã có cuộc trò chuyện không mấy vui vẻ với quản lý trực tiếp của mình. Nguyên nhân là do giám đốc bộ phận không cảm thấy hài lòng với chất lượng công việc của tôi, và than phiền với quản lý.
Sau khi nghe câu chuyện từ phía tôi, quản lý cũng chia sẻ và thấu hiểu phần nào. Nhưng tôi biết cô ấy cảm thấy khá hoang mang. Vì trong những lần trò chuyện trước đó, tôi đều nói với quản lý rằng mọi chuyện ổn cả, nhưng sự thật cô ấy nghe được từ cấp trên lại khác.
Nếu bạn là trưởng nhóm, bạn sẽ thấy khó chịu nếu mọi chuyện đang bị xáo trộn nhưng các thành viên không chia sẻ gì và bạn phải tiếp nhận sự thật từ một người khác.
Hãy tưởng tượng nếu thay vào câu khẳng định “mọi chuyện đều ổn”, tôi đã nói: “Tôi đang đấu tranh với điều này,” hoặc “Tôi chỉ muốn cho cô thấy chúng ta đang gặp vấn đề này”, quản lý của tôi sẽ có sự chuẩn bị trước những lời than phiền sắp ập tới và chúng tôi có thể tránh được cuộc hội thoại lúng túng sau này.
Nếu bạn là một thành viên trong nhóm, không nên coi quản lý hay trưởng nhóm là người ngoài. Hãy trình bày bất cứ vấn đề gì (dù còn đang tiềm ẩn) với quản lý của mình. Nếu vấn đề không nghiêm trọng thì cũng chẳng sao, nhưng nếu nó thực sự nghiêm trọng, bạn nên để quản lý biết được càng sớm càng tốt.
Hiệu suất làm việc của bạn không tốt
Bạn cảm thấy sếp luôn đối xử bất công và tìm cách trù dập mình.
Ông ấy mất niềm tin vào bạn và không chỉ định bạn vào các dự án mới. Ông ấy cho bạn vào danh sách nhân viên cần cố gắng, không bao giờ tăng lương hay thưởng thêm cho bạn. Tệ hơn, ông ấy còn tìm cách để giáng chức bạn.
Không có kịch bản nào ở trên là vui vẻ, hay thú vị. Nếu bạn rơi vào một, hoặc thậm chí tất cả trong số ấy, bạn sẽ không ngừng cằn nhằn và cho rằng sếp thật khủng khiếp.
Nhưng hãy nhìn lại mình xem? Bạn có luôn chậm deadline? Chỉ hoàn thành một nửa số công việc được giao? Có những ngày đến công ty không làm gì và chỉ ngồi chơi? Nếu đúng thế thì lỗi đâu phải tại sếp, lỗi là tại bạn.
Hãy nhìn nhận lại mình một cách khách quan. Có điều gì bạn có thể làm tốt hơn hay cần phải cải thiện không. Nếu bạn thay đổi, sếp có thể bắt đầu phản ứng tích cực hơn và biết đâu bạn sẽ nhận ra bạn không ghét sếp như trước nữa.
Bạn để cảm xúc cá nhân điều khiển quá nhiều
Sự thật là, bạn không phải là một người hợp với sếp. Bạn thấy ông ấy luôn quát tháo quá nhiều, giao tiếp theo lối cục cằn hay bà sếp suốt ngày mang cá cho bữa trưa, làm mùi cả văn phòng.
Vì bạn không thích sếp nên những gì sếp làm, dù đúng dù sai, bạn đều cảm thấy khó chịu. Cái email tuần trước sếp gửi cho nhân viên hoàn toàn đáng đọc, nhưng vì là sếp gửi, nên bạn cho rằng “thật lãng phí thời gian”.
Tốt nhất, bạn nên tách biệt giữa cảm xúc và công việc. Việc bạn không muốn buổi đi chơi cuối tuần có sếp tham gia hoặc mời sếp dự buổi tiệc sinh nhật của mình, khác hoàn toàn với việc sếp là một người quản lý tồi.
Bạn sẽ chỉ hủy hoại bản thân mình nếu tiếp tục nhìn sếp qua ống kính hà khắc và phán xét. Hãy tháo nó ra đi.
Kết luận
Quan hệ giữa sếp và nhân viên vốn dĩ là quan hệ khó khăn, nhưng có những yếu tố bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và thay đổi. Trước khi ghi tên sếp vào danh sách kẻ thù, hãy đảm bảo rằng bạn không mắc bất cứ lỗi nào trong những lỗi trên.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế