Công việc kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không ai có thể dự đoán trước được. Vì vậy, một hệ thống quản lý quy củ không phụ thuộc vào một cá nhân duy nhất là điều cần thiết để đảm bảo cho tương lai của chính bạn và công ty.
Trong nhiều năm trời, tôi đã kể cho mọi người nghe về cuộc hành trình vươn tới thành công của mình. Từ một nhà báo nghèo, tôi đã trở thành một doanh nhân thành đạt trong xã hội. Việc biến mức lương từ 14.000 USD lên sáu chữ số nghe chừng không quá khó khăn và gian nan với tôi.
Nhưng đó đơn thuần chỉ là một câu chuyện marketing, một thứ để thu hút sự chú ý, một thứ mà người ta sẽ dạy cho bạn nói khi làm kinh doanh. Đó không phải là toàn bộ của sự thật. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tôi tới thành công lại bắt nguồn từ chính biến cố này.
Năm tôi 14 tuổi, cha tôi bị đột quỵ. Đó là ngày mà tuổi thơ yên bình của tôi chính thức chấm dứt, theo một cách vô cùng đột ngột. Đó cũng là ngày tôi lĩnh hội được bài học hết sức quý giá mà biết bao doanh nhân đã bỏ qua. Vào ngày ấy, cuộc hành trình của tôi đã bắt đầu.
Từ người điều hành tang lễ đến doanh nhân thành đạt
Cơn đột quỵ đến với cha quá bất ngờ. Vào lúc đó, ông ấy mới chỉ 45 tuổi. Mỗi ngày, ông đều tập bơi lội, ăn uống điều độ và làm việc chăm chỉ. Ba năm trước đấy, ông đã từ bỏ công việc điều hành tang lễ để theo đuổi giấc mơ kinh doanh của mình.
Trong suốt gần hai thập kỷ, cha tôi đã dành toàn bộ tâm huyết của mình vào công việc điều hành tang lễ. Ông là niềm an ủi duy nhất đối với các gia đình đang ngập chìm trong mất mát, đau thương. Thế nhưng, việc ngày ngày phải chứng kiến cảnh “người tóc bác tiễn kẻ đầu xanh”, hay nhìn các gia đình nói lời vĩnh biệt với người thân của mình, lại tạo nên một gánh nặng vô hình trên đôi vai ông.
Dù công việc có khó khăn đến mấy, cha vẫn luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt vì điều này rất có ý nghĩa với ông. Ông nghỉ việc không phải để chạy trốn khỏi cảm giác đau đớn, mất mát. Ông từ bỏ để làm một công việc có ích khác, đó là giúp đỡ mọi người đảm bảo tài chính trong tương lai.
Cha gây dựng công ty hoạch định tài chính của riêng mình từ con số không. Chỉ trong vòng 3 năm, ông ấy đã có hơn 30 khách hàng. Cuộc sống dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Cha cảm thấy vô cùng hạnh phúc, và tình hình tài chính nhà tôi cũng vững chắc hơn bao giờ hết. Cha mẹ thậm chí còn đưa tôi và hai người anh trai đi du lịch tới Alaska bằng du thuyền trong một tuần – điều mà trước đây nhà tôi không dám mơ tới. Nhưng rồi, cuộc vui đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu.
Ảnh minh họa
… và khi cơn đột quỵ tới
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mà mọi thứ diễn ra. Tôi đang chơi Nitendo GameCube trong phòng khách khi bố tôi đi làm về. Thông thường, chúng tôi sẽ ăn tối và xem TV với nhau. Nhưng hôm nay thì khác.
Ông lảo đảo đi vào nhà và kêu lên: “Chúng ta cần đến bệnh viện ngay bây giờ. Cha không còn cảm giác gì từ thân dưới trở xuống.” Những từ ngữ ấy có chút xa lạ đối với tôi. Cha chưa từng cảm thấy đau đớn như vậy trước đây.
Nửa tiếng rồi một tiếng tiếp theo, tất cả mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến tôi không kịp phản ứng. Tôi chẳng thể nhớ nổi điều gì, ngoại trừ cảm xúc khi ấy: một nỗi sợ hãi đến tột cùng, một cảm giác mất mát đang treo lơ lửng trên đầu tôi. Tôi nhớ lại chuyến đi đầy im lặng đến bệnh viện. Cả nhà tôi sốc đến nỗi không nói nên lời.
Tôi chẳng nhớ gì về lúc mà cha được đưa vào phòng cấp cứu. Điều tiếp theo mà tôi nhớ được là giây phút bác sĩ nói ông bị chứng phình mạch não.Tôi lặng người đi vì sợ hãi. Liệu cha tôi có qua khỏi không? Nếu qua khỏi thì liệu ông ấy có còn như trước không?
Từ “ổn định” cho tới “bất ổn”
Lúc ấy, chúng tôi chẳng còn tâm trí gì mà nhớ đến công ty. Chúng tôi chỉ biết hy vọng là cha sẽ khỏe lại. Và thật may mắn thay, ông ấy đã làm được, và đó là tất cả những gì chúng tôi quan tâm.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Công việc kinh doanh của cha có một điểm yếu – chính là bản thân ông ấy.
Các khách hàng bỗng dưng mất đi một chuyên gia tư vấn tài chính mà không có ai thay thế. Người duy nhất hỗ trợ ông ấy ở công ty là một trợ lý. Cha chưa từng nghĩ tới việc bị ốm, nên ông cũng chẳng có một hệ thống hay quy trình nào để ủy quyền cho người khác. Không có kế hoạch dự phòng, việc mọi thứ bung bét chỉ còn là vấn đề thời gian. Chẳng ai có thể tưởng tượng rằng cha tôi sẽ bị phình mạch não cả.
Như thể việc nhìn thấy người anh hùng của đời mình cận kề cái chết là chưa đủ đối với một đứa trẻ 14 tuổi, cơn đột quỵ của cha còn để lại hậu quả nặng nề cho cả gia đình. Khi ông xảy ra chuyện, công việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh minh họa
Bị cầm tù trong chính công việc kinh doanh
Trong những năm tiếp theo, cuộc sống của chúng tôi trở thành một đống hỗn độn. Cha tôi là một người mạnh mẽ, nhưng tiền thuốc cứ ngày một tăng khi các biến chứng xuất hiện nhiều hơn. Ông ấy phải uống thuốc an thần vì bị mất ngủ mỗi tối. Kết quả là nó khiến ông ấy buồn ngủ khi đang lái xe. Và rồi cha gặp tai nạn, phải phẫu thuật như một điều tất yếu. Có lúc, gia đình đã phải thuê y tá để chăm sóc ông khỏi bị nhiễm trùng.
Cha mất đi các khách hàng của mình, từng người từng người một. Họ không thể đóng băng tài chính của mình, và chúng tôi thì chẳng biết nhờ cậy vào ai. Công việc kinh doanh lẽ ra phải cho chúng tôi sự tự do, thì nay lại khiến chúng tôi bị mắc kẹt không còn lối thoát. Một người anh trai của tôi đã phải bỏ học đại học để ở nhà giúp, nhưng anh ấy cũng chẳng thể làm được gì nhiều. Bởi lẽ, cha tôi không xây dựng bất kỳ hệ thống quản lý nào mà giữ mọi thứ trong đầu mình. Bác sĩ thì lại khuyên ông không nên làm việc để tránh căng thẳng đầu óc.
Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi đến mức không thể nhận ra. Đột nhiên, việc đi học ở một trường tư thục cũng trở nên quá tốn kém. Chúng tôi đã mất cả căn nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên. Mẹ tôi phải đi làm trở lại. Tôi ước gì mọi thứ có thể quay trở về như lúc ban đầu, kể cả khi cha tôi quay về làm người điều hành tang lễ một lần nữa.
Cuối cùng, chúng tôi cũng vượt qua được thời kỳ khó khăn ấy, nhờ tinh thần không lùi bước của cả cha và gia đình. Tôi được tốt nghiệp đại học, còn cha tôi đã trở lại như bình thường. Ông quay lại công ty, nhưng là với một đội ngũ, hệ thống, và quy trình quản lý mới. Giờ đây, công việc kinh doanh của cha đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Ông tham gia thuyết giảng tại các buổi hội thảo và thậm chí còn viết một cuốn sách bán rất chạy về hoạch định tài chính.
Công việc kinh doanh không thể chỉ dựa vào một mình bạn
Tôi đã cố quên đi những ký ức về khoảng thời gian này vì không thể đối mặt với nó. Nhưng rồi, lòng kiên trì của cha đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi trở thành một doanh nhân, và nay là CEO của một công ty tư vấn và marketing. Tôi đã học được rất nhiều điều quan trọng để đảm bảo rằng công ty sẽ vẫn vận hành tốt trong tương lai.
Tôi mở khóa học đào tạo kinh doanh không phải để giúp các doanh nhân tránh được vết xe đổ của cha tôi. Đó là một cách để tôi tạo động lực cho bản thân, dù lúc đó tôi vẫn sợ mình không thể biến nó thành sự thật. Giờ đây, tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó, dù phải mất hai năm mới làm được.
Những người cố vấn đầu tiên đã giúp tôi hiểu ra rằng, câu chuyện này không chỉ của riêng cha mà còn là của chính tôi. Tôi dần dần chia sẻ điều này với các khách hàng. Khi tôi nhận ra câu chuyện này có thể thay đổi biết bao nhiêu số phận, tôi biết là tôi phải nắm bắt lấy cơ hội. Đây là một bài học rất đáng để chia sẻ, nhất là nếu tôi có thể giúp người khác tránh được những khó khăn mà gia đình mình đã gặp phải.
Hiện tại, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là giúp đỡ những người làm kinh doanh phát triển một hệ thống có thể tự vận hành công việc mà không quá phụ thuộc vào họ. Việc đầu tiên cần làm là xây dựng một chiến lược. Thiết lập và ghi chép lại những điều bạn làm và cách bạn làm, bao gồm cả một quy trình liên quan đến việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, bán sản phẩm, và phục vụ khách hàng. Với hệ thống quy củ này, bạn có thể thuê thêm nhân viên để thực hiện những phần việc không thuộc chuyên môn của bạn. Nếu chẳng may bạn ốm hay đi du lịch, hệ thống và đội ngũ nhân viên của bạn vẫn có thể hoạt động được mà không cần đến bạn.
Cha tôi đã từng nghĩ rằng mình có đủ thời gian để làm tất cả những điều này sau đó. Nếu bạn chờ cho vấn đề xảy ra rồi mới xây dựng hệ thống thì sẽ là quá muộn, cho dù vấn đề đó là việc bạn bị ốm hay chỉ đơn giản là quá bận rộn. Bạn phải có sẵn hệ thống đó trước khi bạn thực sự cần tới nó.
Cuộc sống và công việc kinh doanh là một cuộc hành trình đầy thú vị, nhưng bạn không thể kiểm soát nó nhiều như bạn nghĩ. Chúng ta chẳng thể biết được điều gì sẽ đến vào ngày mai, thế nên sự an toàn vẫn là trên hết. Một khi bạn giữ cho mọi thứ được ổn định, bạn có thể quản lý cả thế giới này. Bạn cũng có thể sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ, vì gia đình và vì chính bản thân mình.
Bài chia sẻ của Alex Schlinsky – người sáng lập và CEO of Prospecting On Demand™.
Trí Thức Trẻ/Entrepreneur