Bắt đầu và hoạt động kinh doanh riêng là một sự mạo hiểm, khó khăn và thậm chí, bạn có thể “trắng tay” nếu đi lệch hướng. Khi đó, hãy lắng nghe những bài học từ một số các nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghiệp để lấy lại niềm tin.
Steve Jobs
Trong Vision of the World (Tầm nhìn của thế giới), huyền thoại công nghệ của Apple từng chia sẻ: “Khi trưởng thành, bạn có xu hướng nhìn thế giới theo cách riêng và coi cuộc sống của mình chỉ đơn giản là tồn tại trong thế giới này. Bạn cố gắng để không vấp ngã hay gặp khó khăn, cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc, vui vẻ, tiết kiệm một ít tiền. Đó là một cuộc sống rất hạn chế.
Cuộc sống có thể to lớn hơn nhiều nếu bạn phát hiện ra một sự thật đơn giản: Tất cả mọi thứ xung quanh mà bạn gọi là cuộc sống ấy đều được tạo ra bởi con người, họ không thông minh hơn bạn, bạn thừa sức có thể thay đổi và ảnh hưởng đến những điều đó. Bạn có thể xây dựng những thứ của riêng mà mọi người khác có thể sử dụng. Một khi bạn biết rằng, bạn sẽ không bao giờ trở lại như xưa nữa”.
Phần lớn chúng ta đều nghĩ, bản thân không thể hoàn thiện hay tốt hơn được nữa. Cuộc sống gói gọn trong 2 mục đích thông thường là gia đình và tiền bạc, trong khi bao nhiêu điều khác chúng ta có thể làm. Khi bạn cố gắng làm những điều khác biệt, sẽ có người nói bạn không thể, bạn không đủ thông minh hoặc không đủ tài năng – nhưng nhớ rằng, mọi thành công lớn đều bắt nguồn từ những cái nhỏ. Tất cả các bạn thực sự cần là tin tưởng bản thân.
Bill Gates
“Thiên tài không bằng cấp” Bill Gates chính là một trong những minh chứng hùng hồn nhất về thành công trong mọi thời đại. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, ông trùm Microsoft cho biết: “Nếu chúng ta vẫn cố chấp không thuê những người tài giỏi và giúp họ tiến lên, chúng ta sẽ dễ dàng bị tụt lại phía sau và trở thành một công ty tầm thường. Sợ hãi nên hướng dẫn bạn, nhưng đừng thể hiện rõ điều đó. Tôi luôn coi thất bại là những điều thường xuyên có thể xảy ra”.
Theo khái niệm cơ bản này, bạn nên cho phép nỗi sợ hãi hoạt động như một la bàn, nhưng đừng xem nó là yếu tố áp đảo trong quyết định kinh doanh. Nếu không “sợ” sự tầm thường, bạn sẽ luôn trì trệ. Nếu không xem xét thất bại là điều thường xuyên có thể xảy ra, bạn chẳng bao giờ vươn tới được mục tiêu lớn hơn.
Mark Zuckerberg – nhà sáng lập Facebook
Mark Elliot Zuckerberg hiện là chủ tịch, giám đốc điều hành và đồng sáng lập trang mạng xã hội Facebook. Tài sản của anh ước tính tháng 5 năm 2016 đạt 51.8 tỷ đô.
“Tôi luôn nghĩ, bạn nên bắt đầu với những vấn đề mà bản thân đang cố gắng giải quyết, đừng vội với quyết định xây dựng một công ty. Các công ty tốt nhất thường hướng theo những thay đổi xã hội, để kiếm nhiều lợi nhuận, thu hút nhiều nhân lực cho mình và xây dựng thêm những chi nhánh khác theo một số cách”.
Mark Zuckerberg đã phát hiện ra từ rất sớm phương pháp để xây dựng một doanh nghiệp thành công. Nếu bạn muốn làm một cái gì đó thành công, hãy tìm vấn đề và sau đó giải quyết. Tìm cách kiếm nhiều tiền có thể bạn sẽ thất bại – nhưng nếu bạn bắt đầu tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề đó, khả năng rủi ro đa phần là không còn.
Dennis Crowley – Đồng sáng lập Foursquare
Foursquare là một mạng xã hội nổi tiếng chia sẻ địa điểm trên các thiết bị di động hiện đại, giúp người dùng chia sẻ địa điểm hiện tại của mình cùng những nơi thú vị khác xung quanh đó bằng cách “Check-In”.
Lời khuyên đơn giản từ thiên tài công nghệ Dennis Crowley đó là: Bơ đi những người ghét bạn.
“Những kinh nghiệm xương máu mà tôi thu được từ việc xây dựng FourSquare đó là, không để người khác đánh lạc hướng những gì bạn đang làm. Luôn luôn có những người ghét bỏ bạn mà nói rằng: Ý tưởng của bạn là ngu ngốc, tầm thường, không bao giờ thành hiện thực. Đừng bận tâm, bởi vì rất có thể ai đó đang cố hoàn thành giấc mơ của bạn trước bạn” – Dennis cho hay.
Hãy tin vào bản thân, ý tưởng của mình và biến nó thành hiện thực.
Jeff Bezos – CEO Amazon.com
“Khi chúng ta ở tình trạng tốt nhất, sẽ không ngồi yên một chỗ để chờ đợi áp lực từ bên ngoài. Chúng ta “hướng nội” để cải thiện dịch vụ, tăng cường lợi ích và tính năng trước khi bắt buộc phải làm. Theo đó, chúng ta cũng giảm giá và tăng giá trị cho khách hàng. Các khoản đầu tư được thúc đẩy bởi khách hàng chứ không phải do phản ứng cạnh tranh” – Jeff Bezos, Thư gửi cổ đông 2012.
Một trong những sai lầm lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và start-up là cố gắng dự đoán xu hướng hiện tại và điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ. CEO Amazon, Jeff Bezos không tin vào xu hướng dự đoán, họ nhìn thấy toàn bộ cơ sở khách hàng, những gì cần phải được thực hiện chứ không phải dựa theo những gì người khác đang làm.
Trong khi các doanh nghiệp khác tăng giá, Amazon sẽ tìm cách để giảm giá. Trong khi các doanh nghiệp khác đang hạnh phúc với hiện trạng, Amazon luôn cải thiện bản thân, tìm cách để khiến mình tốt hơn, phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Họ tập trung vào khách hàng và ít chú ý đến đối thủ cạnh tranh. Bởi vậy, theo Jeff Bezos, đó là lý do tại sao họ luôn luôn đi trước một bước của cuộc thi.
Brad Smith – CEO Intuit
“Hãy can đảm để chấp nhận rủi ro và phát triển từ những gì học hỏi được, từ những thành công và thất bại. Trích dẫn yêu thích của tôi là “thành công là khả năng di chuyển từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi sự nhiệt tình”. Hãy đối mặt với nó, bài học lớn nhất thường đến từ những điều chúng ta không làm được. Đừng giấu kinh nghiệm – hãy nắm bắt” – Theo Brad Smith: Làm thế nào để thành công trong một nền kinh tế xấu.
Đừng bao giờ để thất bại giữ chân bạn. Trong khi cảm giác thành công luôn tuyệt vời, chúng ta học được nhiều hơn từ những thứ không làm được so với những điều chúng ta hoàn thành tốt. Đừng bỏ cuộc vì thất bại. Ngược lại, sử dụng nó như một bàn đạp cho sự thành công, bằng cách chấp nhận và học hỏi.
Larry Page – Đồng sáng lập Google
“Nhiều lúc bạn tỉnh giấc giữa đêm với một giấc mơ sống động? Không bút chì, không giấy, bạn sẽ hoàn toàn quên hết vào sáng hôm sau. Đôi khi, cần phải thức tỉnh và ngừng mơ ước. Khi một giấc mơ tuyệt vời xuất hiện trong tâm trí, hãy nắm bắt và biến nó thành hiện thực”.
Luôn nhớ, mang theo một cây bút và một mẩu giấy bên người, khi có ý tưởng, lập tức ghi lại. Bạn sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình nếu “ngủ quên”, bạn cần phải thức dậy và biến nó thành hiện thực trước khi nó biến mất.
Trí thức trẻ/CafeF