Kinh doanh quốc tếThế giới
Những điều lạ lùng khi đầu tư vào “vương quốc xì gà” Cuba
Cuba nổi danh thế giới với xì gà và được thiên nhiên rất ưu đãi với nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, kinh tế… nhưng đầu tư vào đây không hề dễ dàng.
Hiện phần lớn các mặt hàng tiêu dùng của Cuba đều phải nhập khẩu, do đó Cuba là thị trường rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam xuất siêu sang Cuba
Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cuba tại Châu Á.
Theo số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2012 đạt 175 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 169 triệu USD.
Năm 2013, tổng kim ngạch 2 chiều giảm nhẹ còn 132 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch 2 chiều đạt 207 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 206 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng: gạo, than đá, hóa chất, dệt may, máy tính… Việt Nam nhập về chủ yếu là dược phẩm từ Cuba.
Về đầu tư trực tiếp, Việt Nam đang đầu tư 02 dự án tại Cuba về thăm dò dầu khí của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và 01 dự án đầu tư tư nhân xây dựng nhà máy của tập đoàn Thái Bình.
Các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường Cuba với mục tiêu là “bàn đạp” chinh phục thị trường Mỹ Latinh.
Cơ hội thị trường
Theo tài liệu tại hội thảo “Cuba – Thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, Cuba là một quốc gia nằm ở khu vực Nam Mỹ, có khí hậu nhiệt đới nổi danh thế giới với xì gà và rất giàu khoáng sản như: nikel, đồng, sắt, magan, dầu lửa…
Đất đai tại Cuba cũng rất màu mỡ thích hợp cho canh tác cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc, có nhiều vùng sinh thái và phong cảnh thiên nhiên đa dạng thích hợp cho phát triển mọi loại hình du lịch.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba năm 2015 đạt mức tăng trưởng 4-5%. Đây là một nỗ lực của Cuba trong bối cảnh vẫn chịu nhiều tác động từ chính sách bao vây cấm vận do Mỹ áp đặt từ nhiều thập kỷ qua.
Hiện phần lớn các mặt hàng tiêu dùng của Cuba đều phải nhập khẩu, do đó Cuba là thị trường rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Khác với người Châu Á, người dân La tinh thường không dành dụm mà có nhu cầu tiêu thụ và mua sắm rất lớn. Người tiêu dùng Cuba rất khó tính, yêu cầu hàng hóa phải chất lượng và ổn định lâu dài.
Cuba đang thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực: du lịch, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm…
Cuba có kế hoạch sẽ đầu tư 450 triệu USD để thúc đẩy sản xuất lúa gạo với hy vọng sẽ cung cấp khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ, khi nước này đang tiêu tốn 2 tỷ USD/năm cho việc nhập khẩu lương thực.
Hiện Chính phủ Cuba đang có những bước đi rõ rệt nhằm thúc đẩy kinh tế và chọn lọc thu hút FDI. Hiện Cuba đã công bố Danh mục 221 dự án thu hút đầu tư nước ngoài và 25 dự án tại Đặc khu phát triển (ZEDM). Có rất nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia: Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ý, Nga, Pháp, Canada, Mexico, Brazil đăng ký đầu tư vào Cuba.
Chinh phục không dễ
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Cuba cũng vấp phải rất nhiều thách thức. Đã có những doanh nghiệp Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường Cuba tuy rất muốn đặt mối quan hệ nhưng cuối cùng phải rút chân ra khỏi thị trường này đầy nuối tiếc.
Những rào cản đó là: các doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất hàng vào Cuba phải thông qua doanh nghiệp quốc doanh của nước này và chấp nhận chính sách trả chậm từ 180-360 ngày.
Thời gian giao hàng và thuế quan cũng rất bất lợi. Thông thường một chuyến hàng vận chuyển đường biển từ Việt Nam đến Cuba trung bình 45-60 ngày và hàng của Việt Nam phải chịu thuế quan cao hơn nên tính cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, thủ tục khá phức tạp. Việc xét duyệt hồ sơ đăng ký kinh doanh phải qua ban ngành nên sẽ mất nhiều thời gian. Khi liên doanh, thường các đối tác Cuba muốn đề nghị tỷ lệ 50-50 nhưng họ lại không có đủ vốn để góp.
Đến thời điểm hiện tại, việc chuyển vốn từ Việt Nam đến Cuba vẫn phải qua những ngân hàng trung gian ở Châu Âu. Trong các giao dịch mua bán ở Cuba, các bên sẽ chốt giá bằng đồng USD nhưng đến lúc thanh toán sẽ đổi về giá trị của đồng EUR để chi trả.
Việc thuê lao động ở Cuba cũng khá đặc biệt. Doanh nghiệp nước ngoài cần phải thông qua một công ty quốc doanh chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê lao động. Chi phí trả cho công ty này khoảng 500-600 USD/người/tháng. Tuy nhiên, người lao động chỉ nhận được khoảng 30-40 USD. Cơ chế chi trả như vậy không tạo động lực cho người lao động làm việc và chất lượng lao động không như kỳ vọng.
Về chi phí xây dựng, để xây một nhà máy ở Cuba 15.000m2 tại Việt Nam khoảng 5 triệu USD nhưng tại Cuba lên tới 15 triệu USD, cao gấp 3 lần.
Cuba hiện không cho phép các hoạt động quảng bá trên tivi, báo, đài, tạp chí… nên thực hiện truyền thông tại điểm bán, khuyến mãi, tặng sản phẩm dùng thử để truyền miệng là các biện pháp mà doanh nghiệp xuất khẩu thường thực hiện.
Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường Cuba thành công cần phải có chiến lược lâu dài, cần khảo sát trước thị trường này vì hệ thống phân phối tại Cuba rất phức tạp, tìm hiểu văn hóa kinh doanh của Cuba vì họ coi trọng mối quan hệ cá nhân ở mức độ cao, phải mất thời gian thiết lập, nuôi dưỡng…
HOÀNG ANH