Nhân sựQuản trị

Những tính xấu cần có của người làm kinh doanh: Ích kỷ, tham lam, háo danh, ghen tỵ

Làm kinh doanh không phải lúc nào chỉ đúc rút những đức tính tốt mà còn cần phải giữ trong mình một số tính cách như tham lam, ích kỷ, háo danh… Có như vậy, công việc mới có thể phát triển được.

Những tính xấu cần có của người làm kinh doanh: Ích kỷ, tham lam, háo danh, ghen tỵ

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Những tính xấu cần có của người làm kinh doanh” được đăng trên Diễn đàn Quản trị và Khởi nghiệp của tác giả Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.


Bài này tôi viết muốn để chia sẻ với những người có khả năng suy nghĩ cân bằng khách quan chứ không phải người suy nghĩ một chiều phiến diện.

Một đàn anh của tôi trong giới tâm linh, là giảng sư của Giáo hội Phật giáo, người chuyên chấm thi để xem các vị sư có đủ hiểu biết và hạnh để trụ trì các chùa không. Anh có một lớp nhỏ các bạn trẻ muốn tu tập theo gương thầy. Trong nhóm có một vài bạn thỉnh thoảng lại bỏ lớp, đi theo các tà phái bên ngoài. Sau một thời gian, họ quay trở lại, xin lỗi thầy và mong thầy thu nhận mình trở lại.

Nhiều lần anh chấp nhận như thế. Học trò hỏi anh: Thưa thầy thầy có tha thứ cho con được không ạ? Anh nói: “Về Đạo, anh có bỏ thầy cả chục lần nữa thầy vẫn thu nhận. Nhưng về đời, thầy vẫn chưa giác ngộ, vẫn còn cái xác thân con người đây, nên thầy khinh anh lắm!”. Tôi nể anh không chỉ vì anh hiểu biết mà còn vì anh thừa nhận sự xấu xa tồn tại trong bản thể con người của mình.

Như Napoleon từng nói (đại ý): “Muốn quản lý tốt, hãy tận dụng những điều đen tối trong tầm hồn người ta”. Tôi mạo muội nêu ở đây vài tính cách như vậy.

Tính ích kỷ

Ai cũng vì mình đầu tiên, người ta có thể nói mọi điều, nhưng khi nhìn vào một tấm ảnh, ai cũng tìm xem mình đứng ở vị trí nào và trông ra sao trước khi nhìn sang người khác (đấy là nếu họ có nhìn). Khi có chuyện gì không hay xảy ra, người ta luôn nghĩ tới người thân của mình trước những người khác. Vì cớ gì mà chúng ta phải phủ nhận điều này?

Trong các đội ngũ tôi từng quản lý, bao giờ cũng vậy tôi luôn nói: Các anh/chị hãy vì mình trước đã, sau đó hãy tới công ty. Và vì tôi hứa sẽ tăng lương cho họ, vì ích kỷ bản thân, nhân viên của tôi sẽ cố gắng. Không thì họ chiến đấu, nỗ lực vì lẽ gì? Không lẽ vì họ yêu tôi hơn bản thân họ? Kết lại về tính ích kỷ, có một câu của Adam Smith mà tôi hoàn toàn đồng ý: Tư hữu là động lực của mọi hoạt động kinh tế.

Lòng tham

Công ty muốn phát triển tốt, trước hết họ phải chỉ cho nhân viên thấy nếu làm tăng doanh số thì nhân viên được hưởng lợi gì? Nếu không phải là tiền lương tăng lên thì cũng là cơ hội thăng chức xuất hiện. Khi nhân viên sales không có lòng tham, cho anh ta lương cao hơn với điều kiện doanh số phải tăng thì anh ta sẽ không làm. Thậm chí còn lan tỏa trong cả đội một tâm lý rất tệ hại là kiếm như vậy là đủ rồi.

Một lần, một bạn sales trong đội đã bức xúc vì tôi tăng doanh số chỉ tiêu, dù rằng việc đó tôi đã thông báo và lý giải kỹ càng nguyên nhân, tất cả đều đã đồng ý về mặt nguyên tắc và số liệu từ đầu năm. Giữa cuộc họp đầu tháng, bạn đó đứng dậy tuyên bố: “Em chỉ làm cho vui!”. Nếu để nguyên như thế, hiển nhiên sau đó tôi sẽ không còn tăng chỉ tiêu thêm được nữa. Tôi cho biết không đồng ý với quan điểm đó và nếu ai nghĩ như vậy thì nên xin nghỉ vì tôi cần người cần tiền để công ty liên tục phát triển.

Rốt cục, khi làm nhân viên chúng ta cũng đã đủ sống rồi, chúng ta muốn làm quản lý vì ở vị trí đó chúng ta có nhiều tiền hơn. Sau cùng, chúng ta trở thành giám đốc và mở doanh nghiệp vì còn tham hơn thế, muốn có thêm điều kiện để hỗ trợ gia đình mình. Tham là để tạo ra nhiều giá trị hơn, để cuộc sống tốt hơn, tại sao phải chối bỏ tính đó?

Sự háo danh

Tôi muốn người khác khen mình, coi mình là giỏi. Người này thích mình được nhiều người tung hô như là một người thầy. Người khác lại thích người ta coi mình là một ông thánh vì đã hỗ trợ free cho việc gì đó. Không có háo danh chúng ta sẽ không dám thể hiện mình, và vì thế sẽ không thể tạo ảnh hưởng lên người khác.

Tại P&G, chúng tôi được dạy công khai rằng, mỗi vị giám đốc bán hàng được đánh giá dựa trên 70% là nỗ lực thực sự, khả năng vốn có, 30% là khả năng tự “đánh bóng” bản thân trước mặt người khác. Tại sao lại như vậy? Đơn giản thôi, có “đánh bóng” như vậy, thì chúng tôi mới không đi ngược lại lời nói của mình.

Ví dụ, khi tôi vừa mới khoe mình là người giỏi người tài, Sếp tôi chúc mừng và hỏi: Vậy em có dám nhận gia tăng doanh số vùng của em thêm 20% vào tháng sau không? Chẳng nhẽ lúc này tôi lại nói không hay sao? Nhiều người nói họ làm không vì tiền, một phần là vì họ muốn người khác biết tới họ là người tốt và háo danh mà thôi. Có lẽ chỉ có bậc tu hành đắc đạo, đã đạt tới vô ngã mới có thể hết háo danh.

Sự ghen tỵ

Thấy một người có xuất phát điểm như mình, thậm chí kém mình mà giờ vượt qua chúng ta hoặc về khả năng, hoặc về danh hoặc về tiền tài, anh/chị thấy gì? Tôi thì thấy vui mừng cho họ một phần, nhưng một phần là ghen tỵ. Đúng thôi, vì tại sao họ chả khác gì tôi mà giờ lại thành công tới vậy?

Hãy thừa nhận là mình có ghen tỵ, sau đó hãy tìm hiểu kỹ họ làm thế nào mà được như thế để áp dụng trong cuộc đời của mình.

Sự nghi ngờ

Trong đạo Phật có khái niệm Chánh Nghi và Chánh Tinh tấn. Không có Chánh Nghi, tức là sự nghi ngờ hợp lý, muốn tìm hiểu cho kỹ điều mình chưa rõ thì không thể có sự tinh tấn, tiến bộ hàng ngày. Vì nghi ngờ hợp lý và khách quan, tôi nhìn và lý giải thị trường theo cách khác với nhân viên của mình. Và chính vì thế mà tôi đưa ra được nhiều cách tiếp cận và giải pháp hơn các nhân viên của mình.

Tất nhiên, trong phần nghi ngờ này, thì phải tách ra sự nghi ngờ theo kiểu định kiến, thù ghét cá nhân và nghi ngờ theo kiểu logic, khách quan.

Sự ghét bỏ người có tính cách khác mình

Không chỉ cần biết chúng ta có tính cách này, mà còn cần biết rõ mức độ tệ hại của nó tới đâu. Để sau đó khống chế nó và chấp nhận sự đa dạng của các cá tính khác nhau trong tổ chức.

Tôi từng chỉ thẳng vào một nhân viên và nói: Anh không ưa tính của em, nhưng em là người làm tốt và có cố gắng, các chỉ số chứng tỏ điều đó, nên ở đây, em yên tâm không có ai có quyền bắt nạt hay dìm em cả, kể cả anh. Cứ chối là mình không ghét người khác trong khi thực sự mình có tính đó, chỉ là một dạng tự lừa dối bản thân và khiến chúng ta tạo ra hành động mâu thuẫn với lời nói của chính mình.

Các tính xấu này là cần có, vì nó vốn tồn tại từ trước trong tư duy của mỗi người. VẤn đề duy nhất còn lại, là chúng ta tận dụng chúng ra sao để có thể đạt tới mức WIN-WIN là ai cũng có lợi chứ không gây ra thêm mâu thuẫn không cần thiết.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close