Năng lượngThị trường
OPEC cố hạ bất đồng để đạt thỏa thuận giảm sản lượng
Iran đang xem xét đề xuất giảm sản lượng chung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) song chưa công bố bất kỳ cam kết nào về việc hạ hạn ngạch riêng.
Theo Bloomberg, OPEC đang cố gắng chấm dứt nhiều bất đồng về việc chia sẻ gánh nặng giảm nguồn cung trước cuộc họp diễn ra ở Vienna (Áo). Bộ trưởng Năng lượng Nigeria Noureddine Boutarfa vừa đưa ra đề nghị OPEC cắt giảm 1,1 triệu thùng/ngày với người đồng cấp phía Iran, ông Bijan Namdar Zanganeh hôm 27/11. OPEC cũng đang đề xuất mức giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày dành cho các nước không thuộc nhóm này, theo quan chức thuộc Bộ Dầu khí Iran.
Hai bộ trưởng của Iran và Nigeria thảo luận về phần bánh của một nước trong con số cắt giảm được đề xuất. Ông Zanganeh cho hay quốc gia Trung Đông sẽ đánh giá và thảo luận thêm tại cuộc họp ngày 30/11 ở Áo. Dù chưa đưa ra bình luận về quan điểm của Iran trong việc hạ sản xuất, ông Zanganeh bày tỏ sự lạc quan về cuộc họp của OPEC trong tuần tới.
Các cuộc đàm phán của OPEC cho thấy rằng nhóm “có thể đi đến thỏa thuận lâu dài về sản lượng và quản lý thị trường”, ông Zanganeh nói. Bộ trưởng Năng lượng Iran cho biết thêm: “Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, tôi lạc quan rằng giá cả sẽ tăng lên và nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi những điều kiện như thế”.
Ông Boutarfa, kiến trúc sư về thỏa thuận nguồn cung dầu thô đạt được tại Algiers hồi tháng 9, đang tích cực ngoại giao để giải quyết các yếu tố ngăn chặn thỏa thuận chung của OPEC, đặc biệt là câu hỏi liệu Iran và Iraq có sẵn sàng cắt giảm sản lượng.
Chuyện giảm hạn ngạch có thể giúp giá dầu tăng lên 55 USD đến 60 USD mỗi thùng, ông Boutarfa nói. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được tại cuộc họp ở Vienna, giá cả có thể vẫn dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Toàn bộ thành viên OPEC chấp nhận quyết định được đưa ra ở Algiers rằng sản lượng dầu thô của nhóm sẽ được hạ xuống ngưỡng từ 32,5 triệu thùng đến 33 triệu thùng mỗi ngày.
Trước đó, Ả Rập Xê Út bất ngờ rút khỏi cuộc đàm phán với các nhà sản xuất ngoài OPEC, trong đó có Nga, vốn được đặt lịch vào hôm nay 28/11, vì nước này muốn đảm bảo thỏa thuận nội bộ OPEC trước. Cuộc họp trên cuối cùng bị hủy. Việc này cho thấy Ả Rập Xê Út vẫn bất đồng quan điểm với hai đối thủ sản xuất Trung Đông lớn nhất thuộc OPEC là Iran và Iraq.
Theo Thanh Niên