Kinh doanh quốc tếThế giới
Quá yêu tiền mặt, người Nhật đang khiến nền kinh tế thiệt hại như thế nào?
Khi mà cả người tiêu dùng lẫn các nhà kinh doanh quá thích sử dụng tiền mặt, các ngân hàng cũng không dám thu hẹp hệ thống máy ATM.
Những hàng dài máy ATM của nhiều ngân hàng khác nhau cực kỳ phổ biến tại Nhật – Ảnh: Raw Story
Nếu bạn đi uống rượu với đồng nghiệp ở Nhật, nhiều khả năng cuối buổi nhậu tất cả sẽ cùng chia tiền. Khi chia tiền, tất cả đều thanh toán bằng tiền mặt dù ai cũng có thẻ thanh toán trong ví.
Chính vì quá chuộng tiền mặt như vậy thế nên mỗi năm nước Nhật thiệt hại khoảng hơn 2 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 17,6 tỷ USD, theo khẳng định của báo Nikkei trong bài viết mới đây.
Trong những nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển, người Nhật có lẽ thích tiền mặt nhất. Theo tính toán của Boston Consulting Group, khoảng 65% các giao dịch ở Nhật được thực hiện bằng tiền mặt, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 32% của nhóm các nước giàu.
Lý do rất đơn giản. Khi nhu cầu với tiền mặt ngày một lớn, các ngân hàng phải lắp đặt nhiều máy ATM hơn. Khi điều kiện tiếp cận với tiền mặt càng dễ dàng, người ta càng sử dụng tiền mặt nhiều hơn.
Ở Nhật, ở đâu người ta cũng thấy máy ATM. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Nhật (JBA), tính đến cuối tháng 9/2016, hiện khắp nước Nhật có khoảng 137 nghìn máy ATM do các ngân hàng, tổ chức tín dụng và bưu điện Nhật quản lý. Đó là còn chưa kể đến 55 nghìn máy ATM do các công ty bán lẻ như 7&11 và Aeon quản lý. Như vậy tổng số nước Nhật có đến hơn 200 nghìn máy ATM.
Máy ATM ở Nhật phổ biến bởi các ngân hàng ưu tiên việc khách hàng có thể rút được tiền mặt, đồng thời máy ATM cũng giúp cho người sử dụng thẻ gửi tiền được dễ dàng hơn.
Các ngân hàng ở Nhật cạnh tranh nhau bằng cách làm cho máy ATM ngày một trở nên thông minh hơn, cung cấp được thêm nhiều dịch vụ cho khách hàng. Kết quả, chi phí cho mỗi máy ATM ngày một lớn hơn, gây sức ép lên các ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, trong khi đó, họ cảm thấy rất khó giảm máy ATM. Ngay cả các ngân hàng cũng không muốn cho khách hàng dùng chung ATM. Lý do bởi khi sử dụng dịch vụ tại các cây ATM, ngoài việc dùng thẻ, khách còn có thể sử dụng sổ ngân hàng, và sổ mỗi ngân hàng khác nhau về cả kích cỡ lẫn kiểu dáng và cách sao lưu thông tin tài chính của khách hàng.
Cho đến nay, sổ ngân hàng tại Nhật chưa hề được chuẩn hóa. Chính vì vậy, không ít chuyên gia ngân hàng từng nghĩ đến việc tích hợp máy ATM của các ngân hàng nhưng họ đã từ bỏ ý định đó.
Vào tháng 6/2017, ngân hàng Shinsei đã ngừng hoạt động toàn bộ hệ thống ATM của riêng họ và bắt đầu chia sẻ với ATM của ngân hàng 7&11. Lý do đơn giản bởi Shinsei không phát hành sổ ngân hàng cho khách hàng.
Mỗi chiếc ATM tốn chi phí lắp đặt khoảng 3 triệu yên, ngoài ra có thể kể đến chi phí an ninh, kiểm soát, và nhiều chi phí khác ước chừng khoảng 300 nghìn yên/tháng. Sẽ rất khó để các ngân hàng có thể giảm được chi phí liên quan đến ATM bởi vốn các ngân hàng đã có quan hệ với nhiều nhà cung cấp máy ATM, nhóm nhà cung cấp này lại chính là khách hàng của ngân hàng.
Việc thống nhất được hệ thống máy ATM sẽ rất tốn kém bởi sẽ cần đến các cuộc bàn thảo với quá nhiều bên liên quan. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi mà các ngân hàng lớn cũng không thể chia sẻ ATM.
Mỗi năm, các tổ chức tài chính tại Nhật phải chi khoảng 760 tỷ yên để duy trì hệ thống ATM, theo tính toán của Boston Consulting Group. Nếu tính cả chi phí con người và chi phí chuyển tiền, ngành tài chính Nhật mỗi năm tiêu tốn khoảng gần 2 nghìn tỷ yên để duy trì các dịch vụ liên quan đến tiền mặt.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để giải quyết thực trạng hiện nay bởi chính bản thân nhiều người tiêu dùng cũng chỉ thích dùng tiền mặt, chính vì vậy động lực để các ngân hàng giảm bớt số lượng máy ATM đang hoạt động gần như không có.
TRUNG MẾN