Câu chuyệnKinh doanh
Samsung, Apple đang mất dần Đông Nam Á vào tay các hãng Trung Quốc như thế nào?
Vivo và Oppo đang cố gắng tiếp cận thị trường Đông Nam Á thông qua sức ảnh hưởng của những “ngôi sao”.
Ảnh minh họa.
Tại Đông Nam Á, trong năm 2017, doanh số bán điện thoại của ba thương hiệu Trung Quốc đã vượt qua doanh số bán của Samsung lần đầu tiên.
Đây có thể coi như tin rất tốt với các hãng điện thoại Trung Quốc bởi các hãng đang cố gắng để tìm thêm hướng phát triển mới khi thị trường điện thoại nội địa đã bão hòa và thị trường Mỹ ngày một khó kinh doanh. Chính vì vậy, họ đang cố gắng tiến sâu hơn vào các thị trường khác của châu Á.
Xu thế này không chỉ diễn ra ở Đông Nam Á. Tại Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc, Xiaomi cũng đang theo đuổi chiến lược giá thấp và trong 6 tháng qua đã vượt Samsung để đứng đầu thị trường.
Tại Indonesia, cuối tháng 3/2018, hãng Vivo Communication Technology cũng đã giới thiệu điện thoại V9 trong một buổi ra mắt hoành tráng. Ngôi đền Phật giáo Borobudur đã được biến từ một điểm di sản thế giới thành một đại lộ hoành tráng cùng với màn trình diễn của ca sỹ Indonesia Agnez Mo. 12 kênh truyền hình đã tường thuật trực tiếp sự kiện này.
Sự kiện có thể coi như một chiến thắng, không chỉ dành cho Vivo mà còn dành cho nhiều hãng điện thoại như Oppo hay Huawei. Trong năm 2017, ba hãng này đã bán được 29,8 triệu điện thoại di động tại 5 thị trường chính ở Đông Nam Á, theo công ty nghiên cứu IDC. Con số này cao hơn mức doanh số 29,3 triệu chiếc của Samsung và cao gấp 20 lần doanh số bán của chính họ tại 5 thị trường này vào năm 2013.
Khu vực Đông Nam Á được coi như một điểm sáng khi mà Mỹ đang đẩy mạnh gây áp lực lên các công ty sản xuất điện thoại di động Trung Quốc. Giới chức liên bang Mỹ đang lập ra một danh sách đen để hạn chế việc Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cho các công ty Mỹ. ZTE đồng thời đang cân nhắc liệu có nên bán đi mảng kinh doanh điện thoại thông minh khi mà Mỹ đang tính cấm bán công nghệ cho Huawei.
Tại Trung Quốc, quy mô thị trường điện thoại thông minh suy giảm 12% trong năm ngoái. Điều này khiến các công ty Trung Quốc tìm đến các thị trường mới nổi nhiều hơn.
Vivo và Oppo đang cố gắng tiếp cận thị trường Đông Nam Á thông qua sức ảnh hưởng của những “ngôi sao”. Tháng 5/2018, Vivo ký hợp đồng để trở thành nhà tài trợ điện thoại thông minh chính thức cho World Cup 2018 và 2011. Xét đến sự phổ biến của bóng đá ở khu vực Đông Nam Á, thỏa thuận tài trợ này chắc chắn sẽ giúp củng cố chỗ đứng cho thương hiệu Vivo.
Cùng lúc đó, những quảng cáo của Oppo đang gần như độc quyền khu vực cửa ngõ dẫn vào trung tâm kinh doanh ở Bangkok cũng như khu vực nhà ga tàu điện ngầm Sukhumvit. Tại khu mua sắm Kuningan ở Jakarta, người ta có thể thấy tràn ngập những biển quảng cáo dành cho sản phẩm của Oppo ở khu vực kinh doanh điện thoại di động, ngoài ra là những biển quảng cáo Vivo.
Một cửa hàng ở trung tâm mua sắm trưng bày khoảng 50 mẫu điện thoại khác nhau, chủ yếu được sản xuất bởi Vivo hay Oppo. Chủ cửa hàng cho biết hai hãng này cung cấp miễn phí hàng trưng bày và đồng thời trả hoa hồng cho quảng cáo.
Theo một nguồn tin thân cận với Samsung, các hãng sản xuất điện thoại di động Trung Quốc không hề tiếc tiền quảng bá sản phẩm, tiền chi tiêu cho quảng cáo của Vivo và Oppo không hạn chế, chính vì vậy người ta không thể tin đây là những công ty tư nhân.
Các công ty Trung Quốc cũng đồng thời đưa ra chế độ khuyến khích bán hàng rộng rãi, trong đó phải kể đến vài USD mỗi sản phẩm cho từng nhân viên bán hàng riêng lẻ. Biên lợi nhuận mà Trung Quốc thu về từ mỗi cửa hàng bán lẻ cao hơn Samsung, theo chuyên gia phân tích thị trường tại ICD, ông Jensen Ooi.
Những chính sách khuyến khích bán hàng trên đang giúp cho doanh số bán điện thoại Trung Quốc tại Đông Nam Á tăng cũng như giúp mở rộng thị phần. Số điểm bán lẻ điện thoại Oppo tại Thái Lan tăng từ mức chưa đầy 2.000 vào năm 2015 lên con số 10.000 ở thời điểm cuối tháng 9/2017.
TRUNG MẾN