Ngay cả khi không thích sôcôla, chúng ta cũng khó chối cãi thực tế là nó giúp gợi lên cảm xúc về tình yêu, niềm vui và sự tưởng thưởng.
“Sôcôla là một chất chống oxy hóa tốt. Nó có tác động tốt lên chứng viêm. Chúng tôi nghĩ hầu hết các lợi ích của sôcôla đều nhờ vào đặc điểm này”, TS. Owais Khawaja – nhà nghiên cứu về tim mạch tại Trung tâm y tế St. Vincent Mercy ở thành phố Toledo, bang Ohio, Mỹ – nói trên CNN. Những lợi ích này có thể bao gồm giảm nguy cơ ung thư và sa sút trí tuệ, Khawaja cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại sôcôla đều được chế biến như nhau.
Chất chống oxy hóa và khả năng chống viêm của sôcôla được cho là đến từ loại dưỡng chất thực vật được tìm thấy trong hạt cacao, có tên là flavonoid. Sôcôla đen có nhiều flavonoid hơn sôcôla sữa, còn sôcôla trắng (loại thực phẩm không thực sự chứa sôcôla) không phải là một nguồn cung cấp flavonoid tốt.
Ngay cả những thanh sôcôla có đến 70% cacao (thường được gọi chung là sôcôla đen) cũng chứa hàm lượng hợp chất flavonoid khác nhau, phụ thuộc vào cách chế biến. Ví dụ, sôcôla đã trải qua một bước hóa học được gọi là “dutching” (tạo nên loại sôcôla Hà Lan) đã xóa đi hết những dấu vết của hợp chất này.
Có những loại sôcôla chứa nhiều sữa và đường. “Những loại sôcôla được bán ra ngoài thị trường không phải chỉ là sôcôla nguyên chất. Tôi không nghĩ sữa và đường trong sôcôla sữa tốt cho chúng ta”, TS. Owais Khawaja nói. Đó có thể là tin xấu cho những người muốn khai thác “sức mạnh” của sôcôla khi họ chọn mua một thanh sôcôla Hershey’s hoặc Snickers. Trái với những điều mà quảng cáo thể hiện khi sôcôla sữa được giới thiệu ở châu Âu và Mỹ vào giai đoạn cuối những năm 1800, nó không phải là một lựa chọn tốt cho chế độ ăn kiêng.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ hơn về tác động của việc tiêu thụ tất cả các loại sôcôla, bao gồm cả sôcôla sữa. Theo TS. Khawaja, hiện không có đủ dữ liệu để khẳng định loại sôcôla nào tốt cho sức khỏe, và ăn bao nhiêu sôcôla là hợp lý. Bởi các nghiên cứu thường chỉ hỏi người tham gia khảo sát về việc họ có ăn sôcôla hoặc sôcôla đen hay không, nhưng không đề cập cụ thể loại nào. Bên cạnh đó, những người trả lời cũng thường quên hoặc nói sai mức độ sôcôla thực tế mình hấp thụ.
Hiện tại, chỉ có thể nói rằng sôcôla đen tốt, hoặc ít nhất là không có hại. “Tuy nhiên, cho đến khi có nhiều dữ liệu nghiên cứu hơn, đừng ăn quá nhiều. Nếu bạn đang ăn 1 hoặc 2 lần/ngày, điều đó khá tốt. Nhưng đừng ăn đến 6 lần/ngày”, TS. Khawaja khuyến cáo.
“Lịch sử” của sôcôla, và cách mà các chuyên gia và mọi người nghĩ về nó qua các thời kỳ:
– 500 năm trước Công nguyên: Sôcôla là “Thức uống của Thượng đế” cho tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo
– Năm 1500: Sôcôla là thức uống giàu năng lượng, tạo ra sức đề kháng để chống lại sự mệt mỏi suốt cả ngày (dù không ăn thức ăn)
– 1577: Ăn sôcôla giúp giảm tiêu chảy một cách tự nhiên
– 1719: Sôcôla tương đương với một bữa tối vì hàm lượng dinh dưỡng bằng với 1 pound (0,45kg) thịt bò, trở thành lựa chọn lý tưởng cho những người gặp khó khăn với việc nhai thức ăn vì bị tai nạn
– 1825: Sôcôla được phủ ngoài các viên thuốc giúp bệnh nhân uống thuốc “ngon miệng” hơn
– 1875: Sôcôla sữa ra đời
– 1864: Sôcôla được sử dụng để chữa các bệnh có liên quan đến giun sán, ký sinh trùng,
– 1900: Hershey tung sôcôla sữa ra thị trường Mỹ
– 1989: Thuốc chống trầm cảm có thể chữa chứng nghiện sôcôla
– 1996: Các nhà tâm lý học không đồng tình với việc xem sôcôla là một chất có thể gây nghiện
– 1998: Ăn sôcôla giúp tiết hormone endorphin, tương tự như khi tập thể dục, khiến cơ thể cảm thấy thoải mái
– 2002: Tranh cãi việc ăn sôcôla có giúp chống ung thư hay không
– 2004: Ăn sôcôla giúp giảm căng thẳng trước khi sinh ở những người sắp làm mẹ
– 2006: Sôcôla là bí quyết sở hữu trái tim khỏe mạnh của người Ấn Độ
– 2008: Một lượng sôcôla vừa đủ giúp giảm viêm
– 2010: Sôcôla có ích cho các bệnh nhân mệt mỏi mãn tính
– 2012: Sôcôla làm giảm nguy cơ ung thư da
– 2015: Không có bằng chứng cho thấy những người lo lắng về các nguy cơ bệnh tim mạch cần tránh ăn sôcôla
– 2017: Nghiên cứu về sự hoạt động tim cho thấy sôcôla có thể phức tạp hơn nhiều người nghĩ.
BÍCH TRÂM