Kinh tế vĩ mô
TS Lưu Bích Hồ: Nếu đã chọn gia công, hãy gia công chất lượng hơn, giá trị cao hơn!
Cuộc trò chuyện với vị Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển có nhiều thông thú vị hơn những gì mong đợi có được chỉ trong dăm phút.
Ngày 7/6, bên lề buổi Hội thảo mang tên “Đổi mới Kinh tế tư nhân” bàn luận về vai trò và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế là ông Lưu Bích Hồ.
Xa hơn những gì mong đợi có được trong dăm phút, ở cuộc trò chuyện không dự tính trước này, vị Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chia sẻ cả một bức tranh lớn về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, với nhiều hạn chế gặp phải cũng như những thách thức phía trước.
Doanh nghiệp Việt đang gặp khó
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ mở đầu câu chuyện: “Doanh nghiệp Việt Nam mình đang trong một tình trạng rất khó khăn!”.
Khó khăn ấy, theo như ông Hồ lý giải chính bởi cả yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là doanh nghiệp của chúng ta bị thiếu vốn, thiếu công nghệ, qua đó sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quan trọng nhất.
Vận chuyển hàng tại cửa khẩu biên giới Việt Nam
Điều then chốt với doanh nghiệp Việt Nam là chúng ta không có thị trường để bán: “Hai điều kiện đó, điều quan trọng nhất vẫn là thị trường… Làm sao để tiêu thụ được hàng trên thị trường nội địa và xuất khẩu được trong khi mà cầu cũng đang suy giảm” – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ đặt vấn đề.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt đang mất chỗ đứng trong nội địa. Lý do cho việc này, bên cạnh vì cầu mua hàng của người dân suy giảm (CPI tháng 5/2017 giảm là minh chứng) thì còn vì chúng ta đã không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại.
“Trung Quốc hiện nay làm khó cho ta bởi vì họ thừa hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không thể tìm ra nổi sản phẩm nào để cạnh tranh với mấy sản phẩm ‘lặt vặt’ của Trung Quốc, chứ đừng nói sản phẩm lớn. Từ cái tăm rất nhỏ cho đến tất cả những sản phẩm rất đơn giản nhưng họ cũng chiếm lĩnh, làm được hết. Mình sản xuất ra thì đắt hơn họ, mà đắt hơn là vì chi phí cao, tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp khó khăn“, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ lo lắng.
Ngoài câu chuyện về Trung Quốc kể trên, việc thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ trở nên khó khăn, hay việc nhiều sản phẩm ở thị trường trong nước bị bão hòa cũng sẽ gây nên khó khăn cho doanh nghiệp Việt, theo lời ông Hồ.
Nếu đã chọn gia công, hãy gia công chất lượng hơn, giá trị cao hơn!
Nhắc đến chuyện về các ngành sản xuất Việt Nam, tuy chung trăn trở về sự đóng góp yếu ớt của doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu, TS Hồ cho rằng nên chấp nhận viễn cảnh chúng ta sẽ tiếp tục đi gia công cho cả thế giới.
Tuy nhiên, gia công này cần tạo ra nhiều giá trị hơn, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. “Thôi thì vẫn là gia công nhưng gia công phải ngày càng chất lượng hơn, giá cả phải tốt hơn, cạnh tranh hơn, đòi hỏi dệt may, da giày phải cao cấp hơn lên thì mới được” – ông Hồ nói.
Việc khối FDI được quan tâm hỗ trợ quá nhiều cũng được Tiến sĩ Hồ nhắc đến. Liệu rằng điều đó có là cần thiết không khi mà “chúng ta không phải lo phần công nghiệp FDI, đó là chuyện của họ. “Họ có thị trường, họ làm đến đâu là theo khả năng của họ thôi. Điều quan trọng là là chúng ta phải tìm cách ứng xử với công nghiệp gia công, công nghiệp chế biến của quốc gia”, ông trăn trở.
Nếu đã gia công, hãy gia công tốt hơn!
Làm được tất cả những điều này, một cơ sở phát triển bền vững mới sẽ đến với kinh tế Việt Nam và chúng ta sẽ không còn phải trông vào những giải pháp tình thế nữa. Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển bộc bạch: “Gần đây, Chính phủ có yêu cầu khai thác thêm dầu để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7%, Tuy nhiên, khai thác khoáng sản chỉ là tình thế, Chúng ta phải cố gắng làm sao làm ổn định, cân bằng các biến số kinh tế vĩ mô…”
Tiếng nói doanh nghiệp vừa và nhỏ: Cần nhất sức kết nối và một sự công bằng!
Điều gì còn thiếu trong cơ cấu của hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện tại? Theo ông Hồ, đó chính là sự kết nối giữa các ‘ông to’ và những ‘kẻ tí hon’. Một lực lượng lý tưởng có thể làm nên sức kết nối này, theo Tiến sĩ đề cử, chính là VCCI.
“Với đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa thì họ không đủ sức, mà không đủ sức thì không thể mượn sức của người khác một cách đơn giản được mà phải dựa vào kết nối. Có kết nối thì mới có sức.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), người ta nói là tôi không cần chaebol như của Hàn Quốc, nhưng tôi có sự kết nối. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo thành một lực lượng của cả tập đoàn. Ai làm việc kết nối đó? Ở Đài Loan, người ta sử dụng Hiệp hội.
Vậy, chúng ta cũng cần có một tổ chức đứng vào. Trong đó, Hiệp hội phải có sự tác động, Nhà nước cũng cần tác động. VCCI chính là ví dụ về một nơi có thể làm việc kết nối đó” – ông Hồ nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên từng đề cập đến sự ‘công bằng’ cho các DNVVN trong một hội thảo gần đây
“Người ta không cần anh ưu tiên, ưu đãi gì, không cần có bất kỳ chính sách đặc biệt gì, chỉ cần nhất là sự công bằng… Nói bằng lời công bằng rồi nhưng thực tế, các cơ quan chức năng, bộ máy nhà nước vẫn xử lý chưa công bằng”, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhấn mạnh điều giúp thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể hơn, ông Hồ nhấn mạnh rằng thủ tục còn nhiều, phiền hà còn nhiều, chi phí vẫn còn cao thì ‘công bằng’ khó mà có được. “Còn nếu Nhà nước đã định tập trung ưu đãi vào đâu, ví dụ nông nghiệp 100.000 tỷ thì hãy làm cho đến nơi đến chốn, đưa được vào sản xuất kinh doanh, đến nông nghiệp, đến cho người nông dân” – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ kết thúc câu trả lời của mình.
Theo Trí Thức Trẻ