Cách sốngSống

Sự trì hoãn: Chẩn bệnh và cách khắc phục

Sự trì hoãn là một thói quen xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thành công trong sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Những nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại có một từ để chỉ trạng thái do dự, không biết chắc chắn có nên hành động hay không là “Akrasia”, còn gọi là trì hoãn. Akrasia là một trong những nguyên nhân cực kỳ phổ biến ngăn cản các bạn trẻ đạt được mục tiêu.

Để giải quyết tình trạng này, quan trọng nhất là bạn phải ý thức được rằng mình đang mắc chứng trì hoãn và quyết tâm vượt qua nó với kế hoạch cụ thể.

Đặc điểm chung của những người hay trì hoãn

Thiếu động lực. Nếu bạn không làm việc hướng đến một mục tiêu, bạn sẽ tự viện cớ cho bản thân để thoát khỏi công việc. Nếu không có những deadline phải hoàn thành bạn sẽ có tâm lý trì hoãn.

Thiếu những mục tiêu rõ ràng. Họ coi nhẹ mức độ khó khăn của công việc. Họ không hình dung ra được các công việc đang ứ đọng như thế nào và cách giải quyết chúng. Những người này thường không biết cách sử dụng hiệu quả các công cụ như “to do list”, ghi chú, nhắc nhở, lịch làm việc.

Không yêu thích công việc. Do bạn không thích công việc đang làm nên thường có xu hướng tránh né bắt tay vào làm. Mọi người thường có hành vi ưu tiên cho những điều đem lại cảm giác thỏa mãn ngay thời điểm đó hơn là giá trị lâu dài.

Thiếu sự quyết đoán. Bạn không thể quyết định được điều gì cần làm thì đơn giản bạn sẽ dời lại để suy nghĩ sau. Người trì hoãn còn thường lo sợ và cầu toàn trong cách làm việc. Bạn nghĩ rằng mình sẽ không làm được tốt ở hiện tại, do đó bạn không làm gì cả.

Chiến lược giải cứu bản thân khỏi sự trì hoãn

Hãy lập kế hoạch trong ngày. Khi có một kế hoạch, điều quan trọng là làm theo nó và chắc chắn rằng không có gì sẽ trượt ra khỏi lịch trình của bạn.

Sử dụng “to do list” để ghi chú lại những gì mình cần làm trong ngày. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ để nhắc nhở các việc cần làm, và luôn mang theo mình, không để lỡ mất việc quan trọng.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc. Từ đó, bạn biết những việc nào cần giải quyết trước, tránh việc nhìn nhận sai tính chất sự việc và trì hoãn giải quyết chúng.

Thời gian biểu cho từng việc nhỏ. Khi chia nhỏ những nhiệm vụ trong các công việc/dự án lớn, tạo thành một lịch trình rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể, bạn sẽ dễ dàng giải quyết từng việc một và giảm áp lực cho bản thân. Đặt giới hạn thời gian cho từng việc cũng giúp bạn không chần chừ.

Nghĩ về những phần thưởng. Tạo thêm động lực cho mình để bắt tay vào giải quyết công việc bằng cách nghĩ đến những phần thưởng, thành quả đạt được khi bạn cố gắng, nỗ lực. Vượt qua được giới hạn bản thân luôn mang đến cảm hứng tuyệt vời mà bạn nên trải nghiệm.

Tự thưởng cho mình sau mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ. Đó không cần là một món quà quá “cồng kềnh” khiến bạn tốn kém tiền bạc, và thời gian. Hãy ăn với bạn bè một bữa ngon, uống một thứ thức uống khiến bạn thoải mái và thích thú. Đó là cách bạn tạo thêm niềm vui cho công việc của mình.

Cuộc sống không đứng yên, nó luôn thay đổi theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Vì vậy mỗi ngày, chúng ta phải tự hỏi: “Mình đang hướng đến đâu? Mình có khỏe hơn, hạnh phúc và thịnh vượng hơn năm ngoái không? Mình có đang tốt hơn ngày hôm qua không?”. Nếu câu trả lời là “không”, ta cần phải thay đổi việc mình đang làm một cách bền bỉ hơn nữa…

 

HUỲNH CÔNG THẮNG – Nhà sáng lập Vicgo

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close