Tài chính - Ngân hàngThị trường

Cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa

Trong khi nhóm ngành thép, dược phẩm, dầu khí có những nhịp tăng ấn tượng thì từ đầu năm đến giờ, nhóm ngân hàng vẫn biến động trong xu hướng tích lũy, chỉ thấy xuất hiện những nhịp tăng nhẹ ở một vài cổ phiếu như VCB, BID, CTG… Điều đó cho thấy có sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Có thể nói, khẩu vị của nhà đầu tư đã thay đổi. Không giống như trước đây, khi một vài cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng sẽ kéo theo cả nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng, còn bây giờ, dòng tiền chỉ tập trung vào một vài mã cổ phiếu ngân hàng làm ăn bài bản, tăng trưởng tín dụng tốt, có triển vọng kinh doanh tích cực.

Giải tỏa nợ xấu là thông tin được các nhà đầu tư rất quan tâm, bởi nó giúp các ngân hàng khơi thông dòng tín dụng đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Số liệu nợ xấu chung toàn ngành cập nhật đến tháng 8/2016 ở mức 2,66%, thấp hơn mức 3% như mục tiêu đã đưa ra vào cuối năm 2015.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã xử lý được 58,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu nhờ thu nợ từ khách hàng, cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế cũng giúp cho khách hàng có thể trả nợ được.

Trong khi đó, theo một báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), ước tính giá trị thuần của nợ xấu tương ứng khoảng 6,1% GDP – giả sử giá trị thị trường của tài sản đảm bảo là khoảng 30% giá trị nợ xấu.

HSC cũng cho rằng cách thức xử lý chính vẫn là tiếp tục sử dụng thu nhập hoạt động thuần của ngân hàng thương mại để xử lý cho đến khi giá trị sổ sách của nợ xấu giảm xuống bằng với định giá trên thị trường. Và nợ xấu sẽ được xử lý thông qua thị trường mua bán nợ. Thời gian xử lý này có thể phải từ 6 tháng cuối năm 2017.

Tại Phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng ngày 7/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cho biết đến hết tháng 9/2016, tín dụng đã tăng ở mức 11,74% trong khi 9 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 11%. Tuy nhiên, như thông tin trong bài Nguy cơ vốn chảy vào các kênh rủi ro đã phân tích, thúc đẩy tín dụng là điều khó khăn của các ngân hàng.

Động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn phải chờ đợi kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên, nhìn lại quý II có thể thấy nhóm này vẫn mắc phải hiện tượng nợ xấu tăng cao, lợi nhuận đi xuống.

Theo báo cáo tài chính quý II của BIDV (HSX: BID), tổng nợ xấu đến 30/6 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183,84 tỷ đồng so với mức 10.053,68 tỷ đồng cuối năm 2015 mặc dù lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngân hàng Eximbank (HSX: EIB) tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,3%, tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1,86% vào cuối năm 2015. VietinBank (HSX: CTG) có khối lượng nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,9%, tăng nhẹ so với mức 0,85% vào cuối năm ngoái. Lượng nợ xấu của Sacombank (HSX: STB) là 5.650 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,83% tổng dư nợ. Trong khi, tại thời điểm đầu năm 2016, nợ xấu chỉ là 3.451 tỷ đồng, với tỷ lệ 1,85% tổng dư nợ.

Tại Vietcombank (HSX: VCB) nợ xấu đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối thì nợ xấu đã tăng từ mức 7.136 tỷ đồng lên mức 7.470 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng.

Số liệu thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay VAMC chỉ mua vào 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy đa số các tổ chức tín dụng đều có mức nợ xấu dưới 3% nên không có nợ xấu để bán cho VAMC.

Một trong những giải pháp khiến tỷ lệ nợ xấu đạt mức thấp là sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Có thể thấy chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng đã tăng vọt, là nguyên nhân chính bào mòn vào lợi nhuận của các ngân hàng.

Như vậy, câu chuyện về động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn chờ đợi vào kết quả kinh doanh quý III và hiệu quả xử lý nợ xấu của nhóm này.

MAI LINH/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close