Kỹ năngQuản trị

Cẩm nang chọn giờ nào làm việc gì để hiệu quả nhất – tất cả sẽ có trong bài viết này!

Hãy bỏ túi ngay bí kíp “giờ nào việc nấy” dưới góc độ khoa học này để bạn luôn sáng suốt trong mọi tình huống.

Hãy tưởng tượng bây giờ là 1:30 chiều và bạn đang được giao một dự án – phải trình sếp vào sáng hôm sau.

Nhưng những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của bạn bỗng dưng biến đâu mất, bạn không thể tập trung và không biết làm cách nào để giải quyết điều đó.

Rebecca Spencer, giáo sư thần kinh học tại Khoa Tâm lí và Khoa học não bộ tại ĐH Massachusetts Amherst đã khẳng định rằng: “Bạn chắc chắn có thể đưa ra những quyết định tốt hơn nếu chọn đúng thời điểm trong ngày”.

Vì thế, hãy bỏ túi ngay lịch trình “giờ nào làm việc gì” này – chắc chắn bạn sẽ hoàn thành chúng cực tốt.

1. Tận dụng hết công suất vào buổi sáng

Cho dù bạn là một người dậy sớm hay là “cú đêm” thì mức năng lượng của bạn đều tăng dần lên trong vòng 30 phút sau khi bạn thức giấc. Đây là những điều bạn nên làm để có khởi đầu tốt cho một ngày.

6:30 sáng – Gửi email

Nếu bạn mong muốn nhận được phản hồi email nhanh chóng, đừng gửi nó vào giờ làm việc. Trong khi email gửi trong khoảng 6 – 7h sáng sẽ có hơn 45% cơ hội được phản hồi.

Đơn giản thôi, nếu bạn gửi thư trong giờ làm việc, khả năng cao nó sẽ nằm chung với vô số email công việc khác được gửi cùng lúc. Vì vậy gửi email sớm hơn giờ làm việc sẽ giúp bạn có cơ hội được phản hồi sớm hơn là điều dễ hiểu.

8:00 sáng – Ra những quyết định quan trọng

Theo nghiên cứu của ĐH Harvard và ĐH Utah (Mỹ), thời điểm 8h sáng là lúc bạn nên đưa ra quyết định quan trọng bởi đây là lúc “hiệu ứng đạo đức” đang họat động tốt nhất.

Nghiên cứu chỉ ra, vào cuối ngày, khả năng tự kiểm soát bản thân giảm sút. Giống như năng lượng thể chất, cơ thể yếu dần vào cuối ngày nên có thể làm ảnh hưởng đến quyết định quan trọng.

9:00 sáng – Thực hiện những nhiệm vụ khó nhằn nhất

Giáo sư Spencer cho biết: “Khi đến văn phòng là lúc bạn “tươi” nhất, đó là thời điểm lí tưởng để làm những việc khó nhằn”.

Đừng phí phạm sự tỉnh táo của bạn vào những việc không cần quá nhiều đầu óc như sắp xếp hay đọc email buổi sáng. Thay vào đó, bạn có thể giải quyết những đề xuất, xử lý nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ.

10:00 sáng – Giờ thuyết trình

Theo các chuyên gia, thời điểm này bạn vẫn còn “tương đối tỉnh táo” và những khán giả cũng vậy. Do đó, nếu bạn muốn tuyên bố 1 tin tức quan trọng hay dự án bom tấn, hãy giới thiệu nó trong vòng 10 phút đầu tiên của buổi thuyết trình.

Bởi 80% người nghe sẽ bỏ cuộc ngay từ 10 phút đầu. Các nhà khoa học đã giải thích hiện tượng này bằng cách đưa ra giả thuyết não bộ có 1 vùng tiềm thức để lọc, tập trung chú ý vào những thứ được nhấn mạnh.

2. Vượt qua buổi chiều nhàm chán

Nhịp sinh học sẽ nhanh chóng đưa bạn vào trạng thái trì trệ vào buổi chiều nhưng bạn hoàn toàn có thể vượt qua được nếu…

1:30 chiều – Làm những công việc đơn giản

Sau khi ăn trưa xong (khoảng 1 – 3h ) là thời điểm mức năng lượng của ta xuống thấp nhất. Vì thế, theo giáo sư Spencer – bạn nên dành thời gian này để làm những việc đơn giản, cần ít đầu óc như đọc email chẳng hạn.

2:10 chiều – Lên lịch hẹn

Hẳn là bạn đang tự hỏi tại sao lại là 2:10 chứ không phải 2:00 hay 2:30 như thường lệ. Bởi vì bạn sẽ thu hút được chú ý của người khác, khiến họ tò mò mà đến đúng giờ.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, bạn hãy tổ chức 1 cuộc họp ngoài trời thay vì căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Bởi theo Spencer: “Không khí trong lành và ánh sáng mặt trời sẽ giúp bạn chống lại sự trì trệ”.

4:00 chiều – Tránh những cuộc phỏng vấn

Năng lực phân tích của bạn không hề sắc sảo trong thời điểm cuối buổi làm việc bởi vì bạn đã cạn kiệt năng lượng vào những công việc cần nhiều tập trung hơn.

Đó là lí do tại sao tốt nhất nên tránh những buổi phỏng vấn vào cuối buổi chiều, cho dù bạn là người phỏng vấn hay người được phỏng vấn. Đây là kết luận được đưa ra bởi các chuyên gia của trường Wharton và ĐH Harvard.

3. Để buổi tối là thời gian thư giãn

Những gì bạn làm sau khi kết thúc công việc sẽ giúp bạn có được phong độ tốt nhất vào sáng hôm sau.

6:00 chiều – Tập gym hoặc chơi thể thao

Bạn hãy giải phóng căng thẳng công việc và hồi phục lại sau cả ngày ngồi một chỗ bằng cách luyện tập.

Nghiên cứu chỉ ra, hầu hết cơ bắp hoạt động mạnh nhất vào khoảng thời gian từ 4 – 6h chiều. Vì thế, bạn nên dành khoảng thời gian này để tập gym hoặc chơi thể thao.

Giáo sư Spencer cho hay, tập thể dục quá muộn vào buổi tối có thể làm tăng thân nhiệt và khiến bạn khó có thể chìm vào giấc ngủ.

7:00 tối – Tăng cường sức sáng tạo

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thinking & Reasoning vào năm 2001 đã phát hiện, chúng ta làm những việc sáng tạo tốt nhất là khi mệt mỏi.

Và thời điểm 7h tối là giờ vàng dành cho sáng tạo, viết 1 cuốn tiểu thuyết hay lên kế hoạch – không phải ý kiến tồi đâu.

10:00 tối – Ngắt kết nối và bắt đầu đi ngủ

Để có 1 giấc ngủ ngon, sâu, bạn cần tránh xa các thiết bị điện tử, điện thoại, TV khoảng 1 giờ trước khi chính thức bước vào giấc ngủ.

Spencer chia sẻ: “Nếu bạn thực sự muốn có 1 giấc ngủ ngon, cần hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ”.

Bên cạnh đó, bạn nên tập thói quen đi ngủ và dậy đúng giờ, ngay cả vào cuối tuần – khi ai cũng có xu hướng thức khuya và ngủ nướng nhiều hơn.

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close