Kinh doanh quốc tếThế giới
Vì sao Arab Saudi muốn “săn lùng” dầu trên thế giới?
Dù đặt ra nhiều kế hoạch đầu tư tham vọng ở các lĩnh vực để hạn chế sự lệ thuộc của nền kinh tế vào “vàng đen”, Arab Saudi – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vẫn lên kế hoạch phát triển mảng thăm dò và khai thác dầu khí quốc tế.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 12/2, Khalid al Falih – Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Aramco – xác định rằng việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một phần quan trọng trong tương lai của tập đoàn này.
“Chúng tôi không còn hướng nội nữa và không chỉ tập trung vào nỗ lực kiếm tiền từ nguồn tài nguyên quốc gia. Sân chơi của Saudi Aramco sẽ được mở rộng ra thế giới”, ông Falih nói.
Dù là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Aramco chưa bao giờ có một dự án khai thác dầu mỏ lớn nào ở nước ngoài. Thay vào đó, tập đoàn chỉ tập trung vào các trữ lượng dầu mỏ khổng lồ trong nước.
Với 260 tỷ thùng dầu có thể khai thác với chi phí thấp, Arab Saudi là nước có trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Venezuela. Với tốc độ khai thác như hiện tại, Saudi Aramco có thể sống tốt nhờ trữ lượng dầu khổng lồ trong 70 năm nữa.
Song giới phân tích cho rằng nếu mở rộng khai thác dầu khí ra bên ngoài, Arab Saudi có thể kéo dài tuổi thọ của trữ lượng dầu trong nước lâu hơn. Có một lý do quan trọng khác khiến Saudi Aramco muốn trở thành một công ty năng lượng quốc tế: Arab Saudi sẽ không bị phụ thuộc vào các hạn ngạch sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đặt ta.
Các hạn ngạch này áp các chỉ tiêu sản lượng dầu mà mỗi thành viên OPEC được phép khai thác tại nước của họ, chứ không hạn chế sản lượng của một công ty. Chẳng hạn, nếu Arab Saudi chỉ được OPEC cho phép khai thác 10 triệu thùng dầu/ngày, Saudi Aramco vẫn có thể khai thác vượt con số này bằng cách tận dụng các sản lượng khai thác ở bên ngoài Arab Saudi.
Ông Falih nói rằng tham vọng của Saudi Aramco là trở thành một tập đoàn năng lượng quốc tế tầm cỡ như Shell hay ExxonMobil. “Chúng tôi có thể đứng ngang hàng với họ hoặc vượt lên trên họ”, ông nói.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi vạch ra nhiều hơn các kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế của vương quốc này trong lúc Thái tử Mohammed bin Salman – Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và phát triển quốc gia Arab Saudi, đang thúc đẩy các cải cách tham vọng để giúp đất nước giảm bớt tình trạng lệ thuộc nguy hiểm vào dầu mỏ.
Động thái mới này cho thấy Arab Saudi có thể vẫn dựa vào sức mạnh dầu khí để tăng nguồn thu ngân sách khi nước này đang chật vật đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ, du lịch, y tế và khai khoáng.
Arab Saudi và Nga đang dẫn dắt nỗ lực hợp tác của một liên minh các nước sản xuất dầu thô trên toàn cầu nhằm hạn chế nguồn cung để hỗ trợ giá dầu sau khi giá dầu giảm mạnh 40% vào cuối năm 2018. Giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang dao động quanh mức 60 đô la/thùng nhưng Arab Saudi cần thấy mức giá này tăng lên 80 đô la/thùng để bảo đảm cân bằng ngân sách.
Bộ trưởng Falih cho biết trong tháng 3 tới, nước này sẽ cắt giảm sản lượng khai thác xuống gần mức 9,8 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày trong tháng 11 năm ngoái. Xuất khẩu dầu của nước này cũng sẽ được cắt giảm về mức gần 6,9 triệu thùng/ngày so với con số 8,2 triệu thùng/ngày cách đây 3 tháng. Cũng theo ông, dầu khí, vốn chi phối nền kinh tế Arab Saudi trong nhiều thập kỷ, vẫn đóng góp ít nhất 40 – 50% nguồn thu quốc gia dù cải cách kinh tế được tiến hành.
Saudi Aramco sẽ tập trung vào các nỗ lực xây dựng mảng thăm dò và khai thác khí đốt ở nước ngoài. Nhiều ông lớn dầu khí trên thế giới cũng đang đầu tư vào khí đốt khi mức tăng trưởng nhu cầu của mảng này vượt trội so với dầu thô.
Arab Saudi đang nhắm đến các thương vụ đầu tư vào mảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Nga và đang đàm phán mua cổ phần ở các kho cảng xuất khẩu LNG ở Mỹ. Ngoài ra, ông Falih cũng xem Úc như là điểm đến đầu tư tiềm năng ở mảng khí đốt.
Năm ngoái, Saudi Aramco thu hút sự chú ý của cộng đồng tài chính quốc tế khi Thái tử Mohammed bin Salman tiết lộ kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng 5% cổ phần của tập đoàn này với mục tiêu thu về 100 tỷ đô la. Điều này có nghĩa là Saudi Aramco sẽ được định giá ở mức 2.000 tỷ đô la.
Song giờ đây, kế hoạch này đã bị trì hoãn vô thời hạn do nhiều nguyên nhân bao gồm khả năng Saudi Aramco không đạt được mức định giá trên. Ông Falih thừa nhận kế hoạch vươn ra sân chơi thế giới của Saudi Aramco cũng phản ánh nhu cầu làm hài lòng các cổ đông tiềm năng từ bên ngoài.
“Nếu các nhà đầu tư từ New York, London hay Tokyo đầu tư vào Saudi Aramco, họ sẽ muốn Saudi Aramco có thể cạnh tranh với những công ty dầu khí hàng đầu thế giới”, ông nói.
Nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong 2 thập kỷ tới cho dù cộng đồng quốc tế đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và sự phổ cập của năng lượng tái tạo đang diễn ra với tốc độ nhanh, theo báo cáo triển vọng năng lượng hằng năm của Tập đoàn dầu khí BP (Anh) công bố hôm 14/2.Spencer Dale – nhà kinh tế trưởng của BP nói: “Dầu khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng toàn cầu cho đến năm 2040 dù năng lượng tái tạo phát triển nhanh”. BP dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng thêm 1/3 vào năm 2040 so với mức hiện nay nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng lên ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác ở châu Á. Riêng mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng 50% trong 20 năm tới. Trong khi đó, mức tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng qua mỗi năm và có thể lên mức đỉnh điểm 108 triệu thùng/ngày vào những năm của thập niên 2030. Phần lớn mức tăng của nhu cầu dầu đến từ ngành vận tải bao gồm máy bay, tàu biển và xe cộ. Năm nay, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức 100 triệu thùng/ngày. |
(Theo TBKTSG – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)