Công nghệThời đại số
Thị trường smartphone, cửa hẹp cho những nhãn mới
Năm 2016, thị trường Việt Nam chính thức đón chào gần chục thương hiệu vừa mới vừa cũ. Nếu là thương hiệu mới toanh, có thể kể: Infinix, Oukitel, Meizu, Intex, Brahmos…, gần đây có Freetel.
Còn những thương hiệu đã có mặt khá lâu tại thị trường Việt Nam nhưng gần đây mới chấm dứt thời kỳ “ngủ đông” như Q (tên gọi cũ là Q-Mobile), Bavapen, Gionee, ZTE, Asus…
Có mặt trên thị trường không khó, chỉ cần chọn một nhà phân phối có chút uy tín nào đó thì thương hiệu đó có “thẻ xanh” để tham gia thị trường. Nhưng để tồn tại trên thị trường, ngay cả các thương hiệu từng gọi là lớn như Q, không phải là dễ.
Lắm người nhiều ma
Thị trường smartphone Việt Nam trong vòng ba năm trở lại đây “đông vui” hẳn lên khi nhiều thương hiệu đã thành danh ở nước ngoài chính thức tham gia khi các báo cáo nghiên cứu và phân tích thị trường di động Việt Nam, năm sau tăng hơn năm trước từ 10 – 30% về số lượng và 10% về doanh thu.
Nếu năm 2016, doanh thu của ngành hàng di động Việt Nam khoảng 3,5 tỉ USD thì với chỉ số tăng trưởng dự báo, doanh thu của ngành hàng di động ước chừng 4 tỉ USD. Quá hấp dẫn!
Mơn trớn hệ thống bán lẻ
Về phía các kênh bán lẻ, nhân viên kinh doanh sẽ giới thiệu sản phẩm trực tiếp với các cửa hàng về tính năng của từng dòng máy, giá, chính sách ưu đãi…
Nếu thấy mẫu đẹp, cửa hàng sẽ nhận vài máy bán thử. Nếu thấy bán được, sẽ nhập số lượng nhiều hơn.
Riêng các chuỗi, cấp thấp nhất khi đàm phán phải là giám đốc kinh doanh với những cam kết, từ giá cho đến lượng hàng bán ra trong thời gian nhất định, ít nhất là ba tháng.
Sau thời gian trên, nếu sản phẩm được thị trường chấp nhận, các chuỗi sẽ tiếp tục nhập hàng bán trên diện rộng hay giới hạn ở một vài cửa hàng…
“Với một thương hiệu di động mới tham gia thị trường, để sản phẩm có được một chỗ trên quầy, dù của một cửa hàng nhỏ, là một nghệ thuật tiếp thị. Nhiều người cứ nghĩ bơm thiệt nhiều tiền sẽ được các chủ cửa hàng chấp nhận. Còn tiền thì họ còn chịu bán hàng cho mình, hết tiền họ sẽ cất hàng”, ông T.Tuấn, một nhân viên nhiều kinh nghiệm về tiếp thị bình luận.
Tiền chỉ là yếu tố ban đầu, muốn tồn tại lâu dài phải là sản phẩm tốt và có cách tiếp thị phù hợp với môi trường kinh doanh của cửa hàng, hoặc siêu thị đó.
Theo ông Tuấn, tiền chỉ là yếu tố ban đầu, muốn tồn tại lâu dài phải là sản phẩm tốt và có cách tiếp thị phù hợp với môi trường kinh doanh của cửa hàng, hoặc siêu thị đó.
Ông Tuấn không phủ nhận phải đưa ra mức chiết khấu cao mới được các cửa hàng, siêu thị nhận hàng. Ông Tuấn cho biết, để hấp dẫn các cửa hàng, ngoài mức chiết khấu hiện nay dao động từ 12 – 17%, các thương hiệu mới còn phải tặng thêm nhà bán lẻ từ 3 – 5% gọi là “chi phí tiếp thị”.
Để bán được hàng, các kênh bán lẻ trích 2 – 3% để hạ giá thành hoặc chuyển thành quà tặng riêng cho khách hàng của mình.
Ngoài ra, các thương hiệu còn đứng ra chăm sóc hệ thống bán lẻ bằng cách tặng quầy kệ, quà cáp, nhân viên giới thiệu hàng hoá, thưởng riêng cho từng sản phẩm được bán ra, du lịch nước ngoài, chi phí quảng cáo…
Vivo tặng tiền cho nhân viên các cửa hàng ưu ái giới thiệu bán những sản phẩm của hãng với mức 50.000 đồng/máy, nhiều cửa hàng cho biết.
Biết cách tiếp thị
Ngỡ rằng dễ ăn, còn câu chuyện thực tế, theo như lời ông L., chủ một chuỗi bán lẻ nhỏ tại Pleiku (Gia Lai): “Các hãng mới chỉ làm cho vui, chưa có thương hiệu nào bán được hàng vì họ không chịu hoặc là không biết cách làm tiếp thị”.
Ông Tuấn chỉ ra những chương trình tiếp thị rầm rộ nhưng thất bại của các hãng mới tại nhiều địa phương khi mời các “sao” về hát hò – nhảy múa.
“Tại sao không tận dụng hệ thống loa phường để quảng cáo sản phẩm? Chi phí thấp mà bán được hàng”, ông Tuấn nói.
Nhiều hãng mới vào, khách hàng chưa thuộc tên nhưng lại học nhiều chiêu của các hãng đã có thế lực trên thị trường.
Nhiều cửa hàng cho biết, dù chưa có “số má” nhưng Huawei và Coolpad bắt đầu dùng chiêu bán bằng tiền mặt, nghĩa là muốn nhập hàng thì phải chuyển tiền trước, khi tiền đã nổi lên tài khoản của công ty, lúc đó mới xuất hàng! “Bán theo dạng ký gởi còn chưa ai chịu bán, ở đó đòi bán tiền mặt”, ông L. dài giọng.
Ông L. cho biết thêm, vì “hoang tưởng” về thương hiệu mà hiện nay chuỗi cửa hàng của ông đang giảm giá hai thương hiệu Wiko và Obi lên đến 40%, để bán hết hàng rồi chia tay hai thương hiệu này.
“Hàng đã khó bán mà chủ thương hiệu lại chảnh”, ông L. nhận xét!
Theo: Trọng Hiền
Nguồn: Tiếp Thị Thế Giới