Bất động sảnThị trường

Tìm cơ hội với bất động sản khu công nghiệp tại Hà Nam

Tỉnh Hà Nam được quy hoạch 8 khu công nghiệp (KCN) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với diện tích là 1.773 ha, trong đó có 5 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 978 ha, 1 KCN diện tích 300 ha đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, 2 KCN đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư.

Đột phá trong thu hút FDI

Là “cửa ngõ” phía Nam của Thủ đô, Hà Nam đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng doanh nghiệp, vốn FDI tăng lên từng năm. Nếu giai đoạn 2002 – 2010, các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam chỉ thu hút được 30 dự án FDI với số vốn đăng ký là 355,83 triệu USD, thì trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, nhờ những đổi mới, giải pháp trong công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý Các KCN, đặc biệt là định hướng tập trung xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển (trọng tâm là Nhật Bản, Hàn Quốc), nên vốn FDI vào các KCN đã tăng mạnh.

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay các KCN của tỉnh đã thu hút được 112 dự án FDI với số vốn đăng ký là 1,055 tỷ USD, bằng 4 lần giai đoạn 2002 – 2010; riêng 6 tháng đầu năm 2016 thu hút được 11 dự án FDI với số vốn đăng ký là 127,25 triệu USD. Lũy kế đến nay, trong các KCN của tỉnh Hà Nam có 142 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1,41 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,08 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hiện Hà Nam có 5 KCN (Đồng Văn I, II, III, Châu Sơn và Hòa Mạc), với tỷ lệ lấp đầy trên 70% và tỉnh đang phát triển thêm 2 KCN mới. Đồng Văn I (220ha) đã thu hút được 77 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 390 triệu USD, trong đó có 36 dự án FDI đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore với tổng vống 270 triệu USD. Đến 2020, KCN này sẽ mở rộng thêm 150 ha về phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.

KCN Đồng Văn II có diện tích 320 ha, đã thu hút 63 dự án với tổng vốn đăng ký 895 triệu USD, trong đó 56 dự án đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ với tổng vốn 810 triệu USD. KCN Châu Sơn (325,7ha) thu hút 73 dự án với tổng vốn đăng ký 336,5 USD, trong đó phần lớn nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Hà Lan và Úc…

Hà Nam cũng đã quy hoạch chuẩn bị đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn IV (300ha), KCN Thái Hà (300ha) và KCN Thanh Liêm (200ha).

Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng “rót vốn” vào nông nghiệp tại Hà Nam như: VinEco của Tập đoàn Vingroup được cấp 300ha, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức dự kiến đến và sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh, TH True Milk…

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, mới đây, BIDV mời mốt số doanh nghiệp lớn đến BIDV để thảo luận với ban lãnh đạo của tỉnh Hà Nam. Tổng mức đầu tư các doanh nghiệp đăng ký vào tỉnh này khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng, còn nhu cầu cấp tín dụng của các doanh nghiệp đăng ký với BIDV dự kiến từ 3-5 nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực như xi măng, sân golf, nông nghiệp công nghệ cao…

Đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư

Để có được những thành công trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp FDI vào các KCN của tỉnh, trong những năm gần đây Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam đã có những đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết: “Công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được cơ quan coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp như: cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép lao động, xây dựng, môi trường, đất đai… Ban Quản lý hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động; thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế; trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất cho các doanh nghiệp trong KCN… Đối với những công ty có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, Ban đề xuất với UBND tỉnh có những cơ chế ưu tiên để thu hút”.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cũng chia sẻ: “Địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thương mại – dịch vụ – du lịch. Hà Nam là một tỉnh thuần nông nên ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả, lúa, hoa màu, cây dược liệu gắn với chế biến”.

Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục với tổng diện tích mặt bằng là 480 ha. Các vùng sản xuất rau, củ, quả tại các xã ven sông Châu Giang thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục và TP.Phủ Lý với diện tích 1.100 ha.

Theo Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close