Khởi nghiệpKinh doanh
Tìm hướng đi bền vững cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong nông nghiệp
“Trong thời đại đổi mới ngày nay, một doanh nghiệp tạo tác động xã hội muốn phát triển bền vững phải đi theo mô hình chuỗi giá trị và hệ sinh thái. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp xanh, điều đó càng quan trọng”.
Đó là chia sẻ của Huỳnh Hạnh Phúc – nhà sáng lập Green Edu và Quỹ Khởi nghiệp xanh trên quê hương Việt Nam (Green Startup Foundation).
Chuỗi giá trị nông nghiệp, hiểu một cách đơn giản là một “dây chuyền” sản phẩm nông nghiệp từ đầu vào (hạ tầng, giống) – sản xuất – thu hoạch – chế biến xử lý – mua bán trên thị trường – đến tay người tiêu dùng.
Về cơ bản khi có một chuỗi giá trị hoàn thiện và kết nối được các bên tham gia từ người nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng và các cấp ban ngành liên quan thì sẽ tạo ra một hệ sinh thái vững mạnh. Điều này góp phần cực kỳ quan trọng trong việc đưa nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh và tạo sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường ngày nay.
Chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam đang ở đâu?
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang được xem là một hướng đi mới và nhận được nhiều quan tâm từ các doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có một chuỗi giá trị nông nghiệp có thể tạo ra tác động lớn, giúp cho hàng triệu người nông dân, đa phần chỉ mới dừng lại ở cấp độ cá nhân và còn nhỏ lẻ, manh mún.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc, CEO & Co-founder Green Edu, CEO & Founder Teach For Vietnam |
Theo anh Phúc, thực trạng này xuất phát từ 3 lý do sau:
Thứ nhất, nguồn cung và cầu không gặp nhau. Bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần tìm được một thị trường tiêu thụ ổn định trước khi tính đến việc sản xuất lâu dài, còn nền nông nghiệp ở Việt Nam thì đi theo hướng ngược lại, từ đó dẫn tới tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, rồi người làm ra không biết bán cho ai và người cần mua không biết mua ở đâu. Sản phẩm nông nghiệp xanh (những sản phẩm hạn chế các tác nhân tiêu cực gây ra bởi nông nghiệp tập quán) lại càng gặp nhiều thách thức hơn do những thông tin bất cân xứng giữa người mua và người bán.
Thứ hai, vai trò của các cấp ban ngành liên quan trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn yếu, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức cũng như chưa có nhiều nguồn đầu tư lớn mạnh cho lĩnh vực này.
Thứ ba, thiếu nguồn nhân lực (trí thức trẻ) để có thể đưa ra các sáng kiến đổi mới, áp dụng công nghệ, mô hình kinh tế 4.0 vào nền nông nghiệp hiện tại.
Anh Phúc chia sẻ: “Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp xanh, các bạn giỏi và có chí hướng mong muốn làm một điều gì mới mẻ, có tầm ảnh hưởng đối với nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, các bạn lại đang loay hoay, gặp khó khăn trên con đường tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, không có nhiều đất canh tác, cũng như không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này. Điều này có thể tạo ra khoảng cách trong việc tiếp cận lĩnh vực nông nghiệp đối với họ”.
Giải pháp cho nền nông nghiệp xanh bền vững
Để có thể giải quyết những khó khăn và thách thức hiện tại, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp phồn thịnh thông qua việc cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và nguồn nhân lực trong nông nghiệp đinh hướng theo chuỗi giá trị và thị trường, Green Edu và Quỹ khởi nghiệp xanh đã được thành lập. Đây sẽ là nơi đào tạo và ươm mầm cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp với các hoạt động chính:
– Tổ chức các chương trình đào tạo giúp các đơn vị khởi nghiệp trẻ nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hợp tác cũng như kỹ năng gọi vốn đầu tư
– Hỗ trợ tìm đất canh tác
– Xây dựng hệ sinh thái vững mạnh bằng cách kết nối các dự án của doanh nghiệp với các chuyên gia trong và ngoài nước, hợp tác với các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp khác, từ đó tối đa hóa sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường.
– Kết nối doanh nghiệp với người nông dân và các dự án cộng đồng xung quanh để cùng lan tỏa kiến thức, áp dụng khoa học hiện đại vào việc canh tác và ngược lại chính doanh nghiệp cũng sẽ học được kinh nghiệm từ các dự án cộng đồng về việc phát triển nông nghiệp tại địa phương. Đây sẽ là mối quan hệ tương quan hai chiều cần thiết trong việc phát triển lâu dài sau này.
– Đặc biệt, cung cấp vốn hạt giống (seed fund) từ Quỹ khởi nghiệp xanh (Quỹ từ thiện xã hội ở cấp quốc gia) cho các doanh nghiệp trong giai đoạn mới hình thành, chưa có mô hình kinh doanh cụ thể và chưa tìm được Quỹ đầu tư nhưng có ý tưởng tiềm năng đột phá.
Impact Enterprise Summit 2019
Thời gian: 8h30 – 17h, ngày 30/3/2019
Địa điểm: Đại học RMIT, Quận 7, TP.HCM
Thông tin chi tiết: http://summit.seedplanter.vn/
Được biết Green Edu và Quỹ Khởi nghiệp xanh nằm trong nhóm dự án phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, bước đầu được thành lập chỉ dựa trên nguồn lực tự chủ của các nhà sáng lập, sau này đã tìm được những đối tác đồng hành như chính quyền tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Nhà máy Chế biến rau củ Tanifood (tại Tây Ninh, là nhà máy không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn là 1 trong 5 nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á), các công ty bán lẻ kết nối đầu ra, bao tiêu sản xuất trên thị trường…, để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái vững mạnh hơn.
Trong tương lai, Green Edu hy vọng rằng nhóm dự án sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ hơn từ cộng đồng, đặc biệt Quỹ Khởi nghiệp xanh có thể sẽ xin được nguồn viện trợ từ các tổ chức trên thế giới như ADB, World Bank…, hoặc viện trợ chính phủ để có thể tiếp tục đầu tư và tái đầu tư cho các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.
Là một trong những doanh nhân tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp xanh, anh Huỳnh Hạnh Phúc không chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của mình về lĩnh vực này, mà còn mong muốn truyền kinh nghiệm và khuyến khích những người có chung niềm đam mê. Đây cũng là lý do anh tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Impact Enterprise Summit 2019) trong vai trò diễn gia – khách mời.
KIM NGỌC