Kinh doanh quốc tếThế giới
Trung Quốc đang tìm cách “lật đổ” Visa và MasterCard
Trung Quốc đã ngăn chặn Visa và MasterCard gia tăng mở rộng, đồng thời để UnionPay tự do hoạt động tại thị trường thanh toán lớn nhất thế giới này.
Với thế hệ người dùng ngân hàng đầu tiên tại Myanmar, gần như chẳng ai thấy có sự khác biệt nào giữa thẻ Visa của Mỹ và thẻ UnionPay của Trung Quốc.
Mới chỉ có 2% trong số 53 triệu dân quốc gia Đông Nam Á này sở hữu thẻ trong ví của họ, và điều này có nghĩa là đang có hàng chục triệu khách hàng tiềm năng cho UnionPay tiếp cận. Vốn là một tập đoàn thuộc sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, UnionPay đã nhanh chân nhảy vào thị trường cận biên này và biến logo ba màu đỏ, xanh dương và xanh lục của hãng thành một trong những thứ đầu tiên mà giới trẻ Myanmar nhìn thấy khi họ muốn mở tài khoản hay thẻ tín dụng.
Myanmar có thể được xem thị trường đầu tiên trong nỗ lực của UnionPay nhằm giành lấy thị phần từ những công ty như Visa hay MasterCard. Hãng cũng đang tiến bước vào những thị trường mới khác như Indonesia, Malaysia, Kazakhstan và thậm chí cả Cộng hòa Dân chủ Congo. Tại những nước này, các ngân hàng địa phương đã bắt đầu phát hành thẻ của UnionPay cho những khách hàng người bản xứ.
“Với nhiều người dân ở các thị trường mới nổi, UnionPay là chiếc thẻ mà họ đầu tiên họ có”, đó là bình luận từ Neil Katkov, Phó Chủ tịch công ty tư vấn tài chính Celent tại Tokyo. “Đây quả là một bước chuyển lớn so với lúc chỉ có Visa và MasterCard trên sân chơi thẻ”.
Chỉ trong vòng 15 năm, UnionPay đã trở thành tập đoàn phát hành thẻ ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị giao dịch, chiếm khoảng 37% thị phần trên thị trường thanh toán toàn cầu có trị giá 21,6 nghìn tỷ USD năm 2015, theo báo cáo của công ty tư vấn RBR.
Nhưng vị thế này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nơi sự độc quyền của UnionPay khiến Trung Quốc bất đồng với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) suốt nhiều năm liền cho tới năm 2015.
Nếu không tính Trung Quốc, UnionPay chỉ chiếm 0,5% thị phần toàn cầu, thấp hơn rất nhiều so với con số 50% thị phần của Visa và 31% thị phần của MasterCard.
Các chuyên gia quan sát cho rằng UnionPay rõ ràng đang được chính phủ Trung Quốc giao “trọng trách” cạnh tranh với Visa và MasterCard tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
“Đây là một nỗ lực nhằm bành trướng ảnh hưởng của ngành tài chính Trung Quốc ra toàn cầu”, Simon Lee, phó trưởng khoa kinh doanh của Đại học Chinese University of Hong Kong, bình luận. Ông cho rằng mức độ nhận diện của các thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt trong ngành tài chính, đang rất thấp. Do đó, các tập đoàn như UnionPay đang cố gắng thay đổi điều này.
UnionPay từ chối đưa ra bình luận và MasterCard cũng không bình luận gì về chiến lược của đối thủ đến từ Trung Quốc này. Visa cũng không phản hồi yêu cầu bình luận về vụ việc.
Những động thái đầu tiên ở nước ngoài của UnionPay là tập trung vào các khách du lịch Trung Quốc, vốn là những nhà giàu mới nổi lần đầu được sở hữu thẻ. Những cửa hàng xa xỉ tại châu Âu như Louis Vuitton và Burberry là những doanh nghiệp phương Tây xung phong chấp nhận thẻ UnionPay, với kỳ vọng sẽ thu hút các du khách giàu có đến từ Trung Quốc.
Giờ đây, các thiết bị thanh toán của tập đoàn này đã trở nên phổ biến, và có hơn 41 triệu điểm bán hàng ở 160 nước đã chấp nhận thẻ UnionPay, theo tập đoàn này cho biết. Điều này giúp UnionPay trở thành một trong những nhà cung cấp thẻ được chấp nhận rộng rãi nhất thế giới.
Kể từ khi ra mắt UnionPay vào năm 2002 với một nhóm ngân hàng quốc doanh nội địa, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tìm cách ngăn chặn Visa và MasterCard mở rộng hoạt động tại thị trường nước này, trong khi để cho UnionPay tự do hoạt động.
Năm 2012, WTO đã ra phán quyết rằng Trung Quốc đã phân biệt đối xử với các công ty thanh toán nước ngoài. Đây là một thắng lợi lớn của Mỹ, vốn là nước đã gửi khiếu nại lên WTO. Kể từ đó, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn rất miễn cưỡng mở cửa thị trường, và gần đây mới thông báo họ sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài bước vào cuộc chơi xử lý thanh toán trong năm nay.
“UnionPay ngày càng hướng tới cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Để làm điều đó, họ cũng cần phải tuân theo các luật chơi toàn cầu”, Alfred Shang, chuyên gia dịch vụ tài chính tại Bain & Co ở Bắc Kinh, nhận xét. Shang là người thường đưa ra lời khuyên cho các công ty thanh toán đa quốc gia muốn hoạt động tại Trung Quốc. “Họ đang cố đạt được thỏa thuận hợp tác với các mạng lưới thanh toán khác trên thế giới, vì vậy họ cần phải tạo dựng hình ảnh là biết tuân thủ các quy tắc”.
Tham vọng toàn cầu của UnionPay không chỉ gói gọn tại các nước đang phát triển như Myanmar.
Theo UnionPay cho biết, chỉ trong 5 năm qua đã có hơn 68 triệu thẻ của hãng được phát hành tại 40 nước, bao gồm cả những nền kinh tế phát triển như Singapore và Nhật Bản. Tại Nga, UnionPay sắp sửa được liên kết trực tiếp với hệ thống thanh toán của nước này, do chính phủ Nga tìm cách giảm tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây trong tương lai.
Mặc dù hưởng sự hậu thuẫn trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc và có một thị trường nội địa rất trung thành, UnionPay sẽ không dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu.
Sự ra đời của các công nghệ mới và các nguồn dữ liệu tốt hơn trước đang thay đổi cách thức hoạt động của thị trường thanh toán toàn cầu, và những tay chơi mới như UnionPay sẽ phải mang lại cái gì đó thật sự mới mẻ như giá cả, dịch vụ, công nghệ hoặc quy mô, ông Shang cho biết.
“UnionPay đề ra định hướng bành trướng toàn cầu giữa lúc thị trường đang sẵn sàng để đón nhận sự đảo lộn, vì vậy họ cần cân nhắc kỹ lưỡng mô hình hoạt động”, ông Shang nói thêm. “Nếu họ chi biết chơi theo chiến lược tương tự như Visa hay MasterCard, họ sẽ không thành công”.
Theo Nhịp cầu đầu tư