Kinh doanh quốc tếThế giới
Trung Quốc “sôi sục” loại bỏ sữa bột công thức kém chất lượng
Sở dĩ ông Tập Cận Bình làm chặt chẽ với ngành sản xuất và kinh doanh sữa bột là do ông muốn ngăn chặn bê bối sữa nhiễm melamin năm 2008 tái diễn.
Ảnh: South China Morning Post
Mới đây, cơ quan kiểm tra Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra nhiều sản phẩm sữa bột bán tại nội địa Trung Quốc và tiến hành loại bỏ khoảng 1.400 sản phẩm khỏi kệ hàng.
Như vậy các hãng sữa bột nước ngoài đang “nhăm nhe” tấn công vào thị trường Trung Quốc như Nestle SA và Danone cũng sẽ có thêm cơ hội để giành được “miếng bánh” tại thị trường sữa bột có quy mô ước tính lên đến 20 tỷ USD này.
Theo quy định mới nhất của chính phủ Trung Quốc, tất cả những công ty sản xuất sản phẩm sữa bột công thức phải đăng ký với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (FDA) và vượt qua các bài kiểm tra về độ an toàn. Mỗi công ty bị giới hạn chỉ sản xuất ba dòng sản phẩm và mỗi dòng cũng chỉ được có ba loại sản phẩm khác nhau.
Những sản phẩm không được chính phủ chứng nhận an toàn sẽ không được bán. Những sản phẩm kiểu này chủ yếu sẽ đến từ những công ty nhỏ tại địa phương. Theo những quy định mới, công ty nhỏ kiểu này sẽ khó có thể cạnh tranh được với những công ty đa quốc gia với công nghệ hiện tại, tiềm lực sản xuất tốt và chiến lược bài bản để tiếp cận người tiêu dùng.
“Hiện giờ đang có quá nhiều sản phẩm sữa bột công thức trên thị trường. Việc sản xuất sữa bột công thức giờ đây đang thay đổi quá nhiều, các công ty đưa ra quá nhiều định nghĩa về sản phẩm tốt khiến người tiêu dùng khó lòng chọn lựa.”
Cho đến hiện tại, FDA Trung Quốc đã chấp nhận cho 940 sản phẩm sữa bột công thức do 129 nhà máy sản xuất ra. Trong khi đó trên thị trường đang có đến 2.300 sản phẩm sữa bột công thức được bày bán.
Việc FDA Trung Quốc bất ngờ tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa bột nằm trong mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người Trung Quốc mà chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đang nhắm tới.
Sở dĩ ông Tập Cận Bình làm chặt chẽ với ngành sản xuất và kinh doanh sữa bột là do ông muốn ngăn chặn bê bối sữa nhiễm melamin năm 2008 tái diễn. Khi đó sữa bột công thức nhiễm melamin đã cướp đi sinh mạng của ít nhất sáu trẻ em và khiến hàng chục nghìn em khác bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe.
Ngay cả sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, bê bối vẫn tiếp diễn. Năm 2016, cảnh sát Thượng Hải bắt giữ chín người vì hành vi sản xuất và kinh doanh sữa bột công thức giả dưới nhãn hiệu Similac và Beingmate.
Đến tháng 11/2017, khoảng hơn 18 nghìn lon sữa bột công thức giả do công ty Xinjiang Western Animal Husbandry đã bị phát hiện có chứa nguyên liệu quá hạn sử dụng.
Những bà mẹ Trung Quốc hoảng sợ với chất lượng sữa nội địa Trung Quốc đã cố gắng bằng mọi cách lùng sục sữa thương hiệu nước ngoài mà theo họ có chất lượng cao và an toàn hơn. Khảo sát của Euromonitor International cho thấy sữa mang thương hiệu Nestle, Danone và Reckitt Benckiser được ưa chuộng nhất.
“Nếu chất lượng tốt, tôi sẽ vẫn mua nó ngay cả khi giá cao. Tôi không bao giờ muốn nghĩ đến các thương hiệu sữa nội địa nữa, an toàn là ưu tiên lớn nhất của tôi”, một bà mẹ có con ba tuổi tại Thượng Hải, cô Zhou Liwen, cho biết.
TRUNG MẾN