“0 đồng” nhưng vẫn truyền thông, marketing hiệu quả là cách mà Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food (SGF) Lê Thị Thanh Lâm đã làm và khẳng định: Hoàn toàn có thể!
Xây dựng thương hiệu cá nhân cho… lãnh đạo
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc SGF, dù hoạt động mới 17 năm và ra đời sau các doanh nghiệp (DN) khác cùng lĩnh vực nhưng nói đến SGF, không ai không biết và công ty cũng không thua bất cứ một DN nào trong ngành thực phẩm. Làm thế nào để SGF có thể làm được truyền thông 0 đồng?
Đầu tiên, phải làm thương hiệu cho công ty, mà muốn làm thương hiệu cho công ty thì người lãnh đạo phải làm thương hiệu cá nhân trước vì làm thương hiệu cá nhân sẽ nhanh hơn làm thương hiệu cho công ty. “Thời kỳ đầu, khi nói đến SGF rất ít người biết nhưng khi nói đến tên tôi thì rất nhiều người biết”, bà Lâm bộc bạch.
Để làm được điều này… miễn phí, bạn phải thường xuyên tham gia các hội thảo, tọa đàm. Lúc đầu chỉ đi tham dự và nghe, sau đó phát biểu và tiếp theo là tham gia làm diễn giả, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm. Đây chính là cơ hội để mình giới thiệu công ty, tiếp thị sản phẩm, bà Lâm nói: “Khi làm diễn giả, yêu cầu bắt buộc là phải giới thiệu tên mình và chức danh, công ty làm việc. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng qua đó, mọi người biết được thương hiệu công ty. Bên cạnh đó, tôi cũng có thể lấy công ty làm ví dụ điển hình nên sự lan tỏa, nhận biết thương hiệu công ty cũng nhanh và hiệu quả”, bà nhấn mạnh.
Song để làm được điều này bạn phải dành rất nhiều thời gian và nghiêm túc để “đầu tư” nghiên cứu sâu để làm sao các bài nói chuyện của bạn phải tạo sức hút cho người nghe và ấn tượng để mọi người nhớ về công ty. “Với cách làm marketing theo kiểu túc tắc, mưa dầm thấm lâu, tham gia hầu như các cuộc họp hành, hội thảo và chiến lược… “ăn theo”, cứ hễ hội thảo nào có anh Mười Vissan là có tên tôi và SGF, chẳng mấy lúc thương hiệu SGF đã được nhiều người biết đến và trở thành thương hiệu nổi tiếng”, bà Lâm chia sẻ.
Một lợi thế để Phó tổng giám đốc SGF thực hiện phương thức này hiệu quả, đó là khả năng viết, diễn đạt và tư duy câu chuyện. Nhờ vậy, các câu chuyện của SGF dù chỉ là giới thiệu sản phẩm nhưng rất dễ thuyết phục và hấp dẫn người nghe. Bà Lâm nói: “Không ai hiểu sản phẩm của mình bằng chính mình, vì vậy khi chính mình diễn đạt câu chuyện sản phẩm bằng cảm xúc, tâm huyết của mình, thông điệp sẽ đầy đủ hơn và sẽ chạm đến trái tim người dùng”.
Truyền thông nội bộ
Cũng theo bà Lâm, để có được sức mạnh truyền thông đủ mạnh cho công ty thì phải tổng hòa cả truyền thông bên trong và bên ngoài. Thông thường, mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng nhưng đều chung suy nghĩ là khi công ty đạt đến một quy mô nào đó thì mới xây dựng văn hóa. Đây cũng là điều mà SGF thời kỳ đầu cũng mắc phải và từ năm 2011, khi công ty đã đủ mạnh, chúng tôi mới ý thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và ngồi lại để tìm sức mạnh của mình và xây dựng tầm nhìn, kế hoạch, còn trước đó chỉ là văn hóa tự phát, không có văn bản chính thống, cứ người đi sau sẽ theo nếp cũ của người đi trước. Thực tế, doanh nghiệp càng nhỏ, càng dễ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bởi khi công ty đã lớn, việc “sửa sai” sẽ rất cực và khó.
Theo các chuyên gia quản trị phân tích, một doanh nghiệp có hoạt động PR nội bộ thành công, ngoài việc tạo được một đội ngũ nhân sự đồng thuận, còn đạt được sự tín nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình và đó được xem là cơ hội để thông tin đến với các khách hàng tiềm năng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, truyền thông nội bộ còn giúp người lãnh đạo doanh nghiệp có thể quan tâm tới cuộc sống và công việc từng thành viên trong công ty. Ngược lại, nhân viên sẵn sàng thông cảm và nhiệt tình với công việc được giao. Việc hình thành một lối sống “nhân văn” giữa các thành viên trong doanh nghiệp có ý nghĩa và có giá trị không kém những quyền lợi vật chất và được nhiều người đánh giá là môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh.
Song muốn có văn hóa doanh nghiệp thì phải có đội ngũ giỏi. Vì vậy, khi đã có chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì phải đào tạo, nhất là cho nhân viên học… văn hóa để thấm nhuần và lan tỏa một cách tự nguyện, tự nhiên. Theo chia sẻ của bà Lâm, tại SGF, truyền thông và đào tạo là một bộ phận không thể tách rời, là một chiến lược liên tục vì sứ mệnh của một công ty không cố định. Vậy nên, sau 5 năm SGF lại tiếp tục phải làm truyền thông, lại mời chuyên gia đến đào tạo.
“Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, SGF chúng tôi đã tổ chức 90 chuyên đề, 1.200 giờ đào tạo, trong đó đội ngũ giảng viên nội bộ là cán bộ quản lý cấp trung của SGF đóng góp tới 50% giờ giảng. Riêng tôi dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, cũng đạt trung bình 50 giờ dạy/năm”, bà Lâm cho biết.
Khi đã đào tạo và sở hữu đội ngũ quản lý cấp trung giỏi thì chính họ lại trở thành những “đại sứ thương hiệu” tích cực để truyền thông và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của công ty. Lúc này, người lãnh đạo không còn là người đưa ra giải pháp mà đóng vai trò khơi gợi, tạo điều kiện. Và ở SGF, chúng tôi đã cho các bạn nhân viên được tự do sáng tạo, đưa ra nhiều chương trình và giải pháp mới. Bởi khi nhân viên được đưa ra giải pháp, họ sẽ hứng thú hơn và nỗ lực thực hiện hơn là bị áp đặt từ lãnh đạo, từ đó hiệu quả công việc cao hơn và nghiễm nhiên họ sẽ nói về công ty như nói về thành quả của chính mình, bởi họ đã thấy mình trong từng bước phát triển của công ty.
Ý NHI