Kinh tế vĩ môThời sự

“Việt Nam cần tận dụng sức mua để tăng trưởng kinh tế”

Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào khai thác tài nguyên, đầu tư công đã đạt ngưỡng. Để tiếp tục duy trì tăng GDP 6-7%, nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào yếu tố tiêu dùng tư nhân tăng mạnh mẽ.

Tăng tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tăng trưởng kinh tế trong 3 quý đầu năm 2016 của Việt Nam ở mức 5,93% (năm 2015 là 6,53%) có dấu hiệu suy giảm do nằm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2016 là 2,6%.

Hai cường quốc lớn trên thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có tốc độ tăng GDP giảm trong năm nay, dự đoán tăng trưởng của Mỹ chỉ còn còn 1,8% (so với những năm trước là 3%) và Trung Quốc chỉ còn 6,7% (so với trước đây là 8%).

Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn lại khiến cho Châu Á Thái Bình Dương trở thành khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư vì có tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới.

Trong năm 2016, Indonesia, Philipines và Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với khu vực ASEAN. Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2016 của Philipnies là 6,5% và Indonesia xấp xỉ 5%. Việt Nam theo dự báo của WB tăng trưởng 6% (Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu là 6,3-6,5%) trong bối cảnh hiện nay vẫn đủ hấp dẫn thế giới, dù có quan ngại sức khỏe về tài chính.

Đến năm 2017 – 2018, khu vực Châu Á tiếp tục được dự báo có sự cải thiện về tăng trưởng, trong đó Việt Nam có thể tăng trưởng vượt Trung Quốc và tình hình kinh tế của Philipines cũng được cải thiện và vượt lên trong thời gian tới.

Động lực gì giúp các nước khu vực ASEAN tăng trưởng?

Các nước trong ASEAN đều có độ mở nền kinh tế cao, đầu tư của khu vực tư nhân lớn. Nhưng trong thời gian tới 2 yếu tố này không còn duy trì mà đầu tư công và tiêu dùng của hộ gia đình mới thúc đẩy tăng trưởng của các nước.

Nhìn vào Philipines, Indonesia, Thái Lan thì việc cải thiện GDP phụ thuộc vào việc Chính phủ tăng đầu tư công. Còn đối với Việt Nam, đầu tư công không còn là yếu tố tăng trưởng do nợ công tăng cao, Việt Nam cần nhờ đến tiêu dùng tư nhân tăng mạnh để thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới. Vậy Việt Nam đã là quốc gia tiêu dùng chưa và tăng trưởng dựa vào tiêu dùng liệu có đúng?

Trở lại những năm trước đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khai thác và phát triển nông nghiệp theo chiều rộng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên khai thác cũng dần cạn kiệt, giá hàng hóa nguyên liệu thô như: dầu thô, than, khoáng sản… trên thế giới giảm mạnh khiến nguồn thu từ việc bán nguyên liệu này của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP giảm, tăng trưởng giảm theo mặc dù chúng ta đã gia tăng khai thác để bù đắp lại.

Bên cạnh đó, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đã tới ngưỡng, 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng yếu nhất trong 30 năm trở lại đây. Do nông nghiệp đã khai thác hết cơ hội tăng trưởng theo chiều rộng, còn tăng trưởng theo chiều sâu thì chưa tới.

Về phía cầu, tiêu dùng trong dân cư những tháng đầu năm 2016 lại giảm so với cùng kỳ năm 2015, 09 tháng đầu năm 2015 tiêu dùng dân cư đóng góp 7% vào GDP.

Tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng thời gian tới thế nào? Số liệu nghiên cứu trong 5 năm qua cho thấy Việt Nam đã là một quốc gia tiêu dùng khi tiêu dùng dân cư đã tăng lên 68% GDP, ngang với tiêu dùng của nền kinh tế Hoa Kỳ, cao hơn tiêu dùng dân cư của Trung Quốc chỉ chiếm 40% GDP.

Do đó, để tiêu dùng của dân cư trong ngắn hạn có thể thúc đẩy kinh tế phát triển thì vấn đề là giá cả hàng hóa thế giới phải giảm tiếp mới thúc đẩy tiêu dùng. Về trung hạn thì lãi suất cho vay tiêu dùng mới là vấn đề khuyến khích dân chúng gia tăng chi tiêu khi vay vốn giá rẻ.

Hiện, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh nhất trong các khoản cho vay trong 9 tháng đầu năm 2016, tăng tới 27%, trong khi bình quân tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế là 19% so với 9 tháng năm 2015. Về dài hạn, tỷ trọng tăng dần của tầng lớp trung lưu mới đủ khả năng thúc đẩy tiêu dùng.

“ Dùng ngân sách để tái cơ cấu ngân hàng chứ không phải xử lý nợ xấu”

Trong năm 2017, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 6,7%. Chính sách tài khóa sẽ thắt chặt để kiểm soát nợ công. Mức bội chi ngân sách là 3,5% (năm 2016 là 5%, năm 2015 là 6%). Đầu tư năm 2017 chỉ còn 31,5% (năm 2016 là 32% GDP). Xuất khẩu tăng 6-7%. Với các chỉ số tăng trưởng như trên, vấn đề của Việt Nam là ổn định vĩ mô đã đủ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là phải cải thiện tình hình sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng. Vấn đề đang đặt ra là liệu có dùng ngân sách để tái cơ cấu ngân hàng?

“03 năm qua tái cơ cấu ngân hàng thì nợ xấu vẫn gác ở VAMC với tổng giá trị khoảng 11,3 tỷ USD (248.000 tỷ đồng). Cộng cả nợ xấu ở VAMC đang giữ thì tổng tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng gần 7%, so với mức hiện nay là 2,6%. Có quan điểm cho rằng nên dùng tiền nhà nước để xử lý nợ xấu, cách tiếp cận này không đúng, vì đó là giải cứu ngân hàng và con nợ.

Ở đây cần nhấn mạnh là dùng tiền nhà nước để tái cơ cấu ngân hàng chứ không giải cứu nợ xấu. Tiền nhà nước phải đưa vào tăng vốn chủ cho ngân hàng để đảm bảo đúng vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Sau đó ngân hàng được dọp dẹp sạch sẽ và rao bán lại cho các nhà đầu tư. Cũng có thể dùng tiền thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước để tái cơ cấu cho các ngân hàng”, ông Thành nói.

Còn thách thức đối với nợ công, nếu Việt Nam vẫn duy trì thâm hụt ngân sách 5-6% (khoảng 10 tỷ USD trong 200 tỷ USD của quy mô GDP). Có nghĩa là mỗi năm Chính phủ phải vay 10 tỷ USD để bù đắp thâm hụt ngân sách. Nếu duy trì thâm hụt mức này đến năm 2020 thì con số nợ công tăng lên rất lớn và gây căng thẳng ngân sách.

Chiến lược quản lý nợ công đặt ra năm 2016 là 5%, năm 2017 giảm còn 3,5% và đến năm 2020 là 3%. Vậy làm thế nào để giảm bội chi đối với Việt Nam vì nguồn thu của Việt Nam phụ thuộc vào các loại thuế như: VAT, thuế từ dầu thô, thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện giảm 20% so với mức 22% trước kia), đang kêu gọi giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)…

Bộ Tài chính đang gia tăng nguồn thu bằng cách đánh thuế bất động sản từ căn nhà thứ 2 và các nguồn khác… Tuy nhiên, để hiệu quả thì phải để lại 100% tiền thuế đất này cho địa phương để đầu tư lại cơ sở hạ tầng. Có giải quyết được những vấn đề cơ bản trên thì Việt Nam mới tiếp tục tăng trưởng cao như kỳ vọng trong thời gian tới.

HOÀNG ANH

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close