Bất động sảnThị trường

Xây thương hiệu bất động sản: Người thành công, “kẻ” đổi thương hiệu mong “đổi vận”

Rất nhiều thương hiệu bất động sản phát triển mãi cũng không thành công, khiến việc triển khai dự án và bán sản phẩm ra ngoài thị trường gặp nhiều khó khăn.

Sự hồi phục của thị trường bất động sản khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phát triển “thần kỳ”, giá trị thương hiệu bất động sản tăng phi mã, khiến việc bán hàng, triển khai dự án thuận lợi. Ngược lại, rất nhiều thương hiệu bất động sản phát triển mãi cũng không thành công, khiến việc triển khai dự án và bán sản phẩm ra ngoài thị trường gặp nhiều khó khăn.

“Nương nhờ” thương hiệu lớn

Năm 2013, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ra mắt thương hiệu bất động sản Vinhomes. Sau chưa đầy 2 năm ra mắt, vào năm 2015, thương hiệu bất động sản Vinhomes đã được Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh định giá trị thương hiệu lên tới 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Vào năm 2016, giá trị thương hiệu Vinhomes được Brand Finance định giá lên đến 511 triệu USD và đứng thứ 5 trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Việc thương hiệu Vinhomes được định giá rất cao là một điều dễ hiểu, do đây là thương hiệu của một chuỗi rất nhiều dự án từ tổ hợp căn hộ cao cấp, dự án khu đô thị và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp từ Bắc chí Nam.

Đặc biệt, các dự án của Vinhomes phát triển có tiến độ đảm bảo, hạ tầng hoàn thiện, với với rất nhiều tiện ích và được quản lý vận hành và khai thác rất chuyên nghiệp, hiệu quả. Chính vì những ưu thế này, các dự án mang thương hiệu Vinhomes được nhiều khách hàng tin mua. Đồng thời cũng bị nhiều dự án lân cận “ăn theo” trong quảng bá, mở bán.

Thậm chí, thương hiệu Vinhomes tin cậy với thị trường đến nỗi, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau một thời gian dài phát triển độc lập gặp nhiều khó khăn trong bán hàng và triển khai dự án, mới đây đã phải “nương nhờ” vào thương hiệu Vinhomes để phát triển dự án D’. Capitale Trần Duy Hưng, rồi đến dự án tại 148 Giảng Võ.

Sự hợp tác này bước đầu đã đem lại “trái ngọt” cho Tân Hoàng Minh, khi dự án D’. Capitale Trần Duy Hưng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường.

Vì thế, để đảm bảo thành công cho các dự án, rất có thể trong tương lai Tân Hoàng Minh sẽ còn hợp tác với thương hiệu Vinhomes và tận dụng để triển khai các dự án “đất vàng” doanh nghiệp này đang sở hữu.

Đổi tên thương hiệu để “đổi vận”?

Trong quá khứ và cả hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực xây dựng một thương hiệu bất động sản riêng, nhưng không có nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài xây dựng thương hiệu, trị giá thương hiệu vẫn chỉ là con số 0, phải đổi tên thương hiệu và gặp vô vàn khó khăn trong mở bán sản phẩm ra ngoài thị trường.

Cụ thể, Công ty cổ phần bất động sản AZ (AZ Land) từng xây dựng cả một chuỗi sản phẩm mang thương hiệu AZ, như: AZ Vân Canh, AZ Định Công, AZ Lâm Viên. Tuy nhiên, dự án duy nhất doanh nghiệp này triển khai sau đó là AZ Vân Canh phải đổi tên sang CT Number One mới bán được sản phẩm.

Một ví dụ khác, MB Land cũng một thời gian dài dày công xây dựng thương hiệu bất động sản MBLand, khi đặt tên thương mại hàng loạt dự án mang thương hiệu MBLand, như: MBLand Central Point Mỹ Đình, MBLand Central Point Trung Kính… Thế nhưng, MBLand sau đó bất ngờ thay đổi chuyển sang xây dựng một thương hiệu khác: Field cho các dự án trọng điểm mang thương hiệu MBLand trước đó, như:  Golden Field, Central Field, Resilient Field…

Việc đổi thương hiệu cho dự án, trong khi doanh nghiệp chưa có đầu tư truyền thông bài bản, khiến thị trường chưa kịp nhận diện thương hiệu này, có thể đã có những tác động không mấy tích cực trong việc mở bán các sản phẩm mang thương hiệu Field của MBLand ra ngoài thị trường thời gian gần đây.

Dẫn chứng cụ thể tại đợt mở bán căn hộ Golden Field ra ngoài thị trường mới đây, dù dự án được quảng cáo có vị trí đắc địa nhất khu vực, đã xây dựng gần xong thô và bán với giá cạnh tranh, doanh nghiệp vẫn phải “câu” khách bằng việc tặng xe máy SH, tặng tivi, tủ lạnh và chiết khấu đến 4% cho khách mua căn hộ…

Trên thực tế, AZ Land và MBLand chỉ là những trường hợp điển hình về việc xây dựng một thương hiệu dự án, rồi phải đổi tên thương hiệu để kỳ vọng may mắn “đổi vận” dự án.

Bởi trên thị trường, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang xây dựng một thương hiệu riêng cho chuỗi dự án. Song việc truyền thông cho thương hiệu thiếu bài bản và đầu tư truyền thông thương hiệu không đúng mức, khiến việc mở bán sản phẩm ra ngoài thị trường của các doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn.

Một số doanh nghiệp sau đó để bán được sản phẩm, tiếp tục áp dụng chiêu thức đổi tên mới cho dự án để gây sự chú ý đối với thị trường…

THIỀU QUANG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close